Phía sau nước Mỹ...

Hải Hoàng,
Chia sẻ

Đọc “Nước Mỹ, nước Mỹ” của Phan Việt, đôi khi ta có cảm giác… hẫng, cảm giác hầu hết những câu chuyện chỉ như một góc cuộc sống được góp nhặt...

Tên sách: Nước Mỹ, nước Mỹ

Tác giả: Phan Việt

NXB Trẻ

Giá bìa: 48.000
 
Như những mẩu vụn không đầu không cuối, dường như "Nước mỹ, nước mỹ" chỉ có một đoạn giữa chênh vênh và những dấu chấm xuống dòng rất vội. Ngay cả những dấu chấm xuống dòng rồi cũng chìm vào đâu đó, mất hút giữa những hố đen rối bời cảm xúc của lòng người.
 

“Nước Mỹ, nước Mỹ” tập hợp 18 truyện ngắn của nữ tác giả trẻ Phan Việt. Sau “Phù phiếm truyện” và “Tiếng người”, Phan Việt lại tái ngộ độc giả, một cách sâu lắng hơn, trầm tĩnh hơn, “chín” hơn. Thế giới của “Nước Mỹ, nước Mỹ” chủ yếu là những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống dưới góc nhìn của những người Việt xa xứ. Cuộc sống gia đình, mối quan hệ chồng vợ, bạn bè, đồng nghiệp… cả một hiện thực cuộc sống được tác giả ghi lại gần như nguyên vẹn. Nó thật đến nỗi nhiều khi người đọc có cảm tưởng hiện thực ấy không hề qua đẽo gọt văn chương. Những suy tư, hành động của nhân vật, nhiều khi là cả những mạt sát, chửi rủa… đều được giữ lại.
 

Những năm tháng sống và làm việc xa xứ có lẽ đã cho Phan Việt cái khả năng nhìn thấu và bóc trần mọi ngóc ngách trong cuộc sống những người Việt nơi đất khách quê người.

Ở đấy có những cuộc vật lộn mưu sinh không ngừng nghỉ, có những nỗi cô đơn buộc phải quên và những khó khăn chất chồng cứ nhắc mình phải nhớ. Ở đấy có sự xa hoa đôi khi thành thái quá, có những giấc mơ được tiếp nối không ngừng trong hoài bão tuổi trẻ. Ở đấy, đôi khi cuộc sống là một hành trình chạy tiếp sức không có chỗ cho những kẻ hụt hơi… Ở đấy, nước Mỹ, đằng sau giấc mơ vinh quang là bộ mặt xù xì thô ráp của hiện tại.

Những câu chuyện trong “Nước Mỹ, nước Mỹ” rất đơn giản, không nhiều tình tiết cũng như bước ngoặt. Chỉ là câu chuyện về một đôi vợ chồng trẻ cố gắng bám trụ nơi đất khách quê người, khi cô vợ miệt mài làm việc trong một trung tâm điều trị thanh thiếu niên còn anh chồng thất nghiệp ở nhà và quan hệ bất chính với bạn của vợ (Nước Mỹ, nước Mỹ); chuyện về một sinh viên từ Mỹ về Việt Nam nghỉ phép (Những ngày ở Việt Nam); chuyện một đôi vợ chồng sau khi ổn định cuộc sống tìm cách có con (Cách mạng Baby) hay chuyện về một người vợ có ý định bỏ chồng (Một chốn gọi là nhà)…
 

Những câu chuyện không có nhiều đột phá, không mới lạ cũng chẳng thể nói là hấp dẫn, lôi cuốn từ đầu đến cuối. Thế nhưng, “Nước Mỹ, nước Mỹ” có thể sẽ khiến nhiều người phải bất ngờ bởi cách Phan Việt dùng để khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật. Cách mà tác giả đặc tả nỗi cô đơn, sự chới với, những băn khoăn, nghi ngại, cả những áp lực chạy đua với cuộc sống… Tất cả đều hiện lên sống động và tươi rói.

Cá nhân tôi cảm thấy ấn tượng nhất với những trang viết đặc tả nỗi cô đơn. Trong “Một chốn gọi là nhà”, tác giả chỉ đơn giản tả lại những thu xếp của người vợ sau khi chồng mình trở về Việt Nam. Chị quyết định sẽ dọn dẹp nhà cửa và sau đó đi khỏi căn nhà của họ. Nhưng rồi chị băn khoăn “Sẽ bắt đầu dọn dẹp từ đâu?”, bởi bao nhiêu năm qua đã quá quen cuộc sống với một thời gian biểu đều đặn như cái máy, nay bỗng dưng ở một mình trong cái chốn gọi là nhà, không làm những công việc thường ngày nữa, người phụ nữ bỗng chơi vơi và hụt hẫng. Và có lẽ, theo cách hiểu của riêng tôi, người phụ nữ ấy bỗng nhận ra mình đang phải đối mặt với hai nỗi cô đơn trong cuộc đời mình và buộc phải lựa chọn: Nỗi cô đơn khi có hai người và nỗi cô đơn khi chỉ có một mình.
 
Phan Việt

Và nỗi cô đơn của những người phụ nữ khác nữa, đa phần là những người vợ trong “Canada, Canada”, “Ái khanh ơi ái khanh” hay “Ba ngàn dặm xuyên nước Mỹ”… Những người, cho dù đủ đầy về vật chất, cho dù thoải mái trong tiện nghi nhưng lòng mình thì vẫn chẳng thể nguôi ngoai cái cảm giác cơ hồ như chới với, cơ hồ như nuối tiếc, trong cái dòng chảy cuộc sống cứ vùn vụt đi qua mà ai ai cũng cố “nắm lấy, túm lấy, bắt lấy”.

Và cảm giác của riêng tôi khi đọc xong “Nước Mỹ, nước Mỹ” cũng khó nắm bắt y như vậy. Chỉ xin kết lại bài viết này bằng một chiêm nghiệm, cũng là một câu được trích ra từ cuốn sách đầu của Phan Việt mang tên “Phù phiếm truyện”, được sử dụng như lời đề từ cho “Nước Mỹ, nước Mỹ”:
 
“Cần quá nhiều nhận thức và dũng cảm để sống một cuộc sống thật sự trong thế giới này”!
(Phan Việt, Phù phiếm truyện, NXB Trẻ, 2005)
Chia sẻ