Phép màu đến với người mẹ già còng lưng, dìu con trai méo đầu đến bệnh viện mà không đủ tiền chữa trị
Ở cái tuổi 33, sau ca phẫu thuật ghép xương hộp sọ, điều duy nhất anh Thanh có thể làm là bập bẹ tập nói mỗi ngày. Thương con nhưng không có đủ tiền để điều trị, người mẹ già nuốt nước mắt định đưa con về quê. Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết, phép màu đã đến với hai mẹ con anh Thanh.
Ngày 7/9, sau hơn một tuần đăng tải bài viết: "Xót cảnh người mẹ già còng lưng, dìu đứa con trai méo đầu đến bệnh viện mà không đủ tiền để chữa trị", trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Cúc (quê Quảng Ngãi) cho biết đã có rất nhiều mạnh thường quân gọi điện thăm hỏi, tìm đến bệnh viện Phục hồi chức năng TP.HCM để giúp đỡ cho anh Lê Văn Thanh (33 tuổi, con trai bà Cúc) được tiếp tục điều trị.
Niềm hạnh phúc của bà Cúc và anh Thanh khi nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người.
Dù ở cái tuổi 33 nhưng anh Thanh giống một đứa trẻ, được bà Cúc ân cần chăm sóc mỗi ngày.
Theo bà Cúc, tính đến thời điểm hiện tại, số tiền gia đình bà nhận được để tiếp tục tập vật lý trị liệu cho anh Thanh lên gần 80 triệu đồng. Đây là một số tiền vô cùng lớn để giúp anh Thanh tiếp tục có cơ hội để phục hồi, đi đứng, nói năng như một người bình thường.
"Bà mừng quá, không biết nói gì hết cả. Cảm ơn trời Phật, thằng Thanh được cứu rồi, giờ không phải về quê nữa. Mừng quá con ơi, giống như một phép màu vậy, thấy nó mỗi ngày tập đi, tập nói được mà mừng lắm. Chứ trước kia rầu lắm con ơi, gần 3 năm nó sống thực vật, có nhận thức được gì đâu khi một phần đầu bị móp, không có tiền ráp hộp sọ nên bà để ở nhà chăm sóc", bà Cúc nghẹn ngào nói.
Vì không có tiền để tiếp tục điều trị, bà Cúc định đưa anh Thanh về quê để chăm sóc.
Hàng ngày, bà Cúc vẫn đều đặn còng dưng, dìu anh Thanh tập đi những bước đầu tiên.
Sau tai nạn giao thông đầu năm 2016, trải qua 5 lần phẫu thuật, anh Thanh may mắn giữ được mạng sống nhưng di chứng để lại rất nặng nề. Anh bị khuyết xương hộp sọ vùng trán đỉnh, thái dương, liệt tứ chi và đôi mắt cũng không còn nhìn thấy rõ.
Bất lực nhìn đứa con trai sống cuộc đời thực vật, trong khi số tiền để tiếp tục chữa trị cho con lại quá lớn, bà Cúc đành gởi lại mảnh sọ để nuôi tại TP.HCM, đưa anh Thanh về quê để chăm sóc. Suốt gần 3 năm ròng rã, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của người mẹ già. Dành dụm, gom góp mãi vẫn không đủ để đưa anh Thanh một lần nữa vào TP.HCM để phẫu thuật ráp hộp sọ, bà Cúc chỉ biết ôm lấy anh Thanh mà khóc.
Ca phẫu thuật thành công giúp anh Thanh tìm lại được cảm giác đi lại, nói năng.
Nụ cười hiền hậu của người con trai 33 tuổi đang lớn dần trong bàn tay chăm sóc của mẹ.
May mắn thay, đầu tháng 5/2018, hoàn cảnh của anh Thanh được một số anh chị mạnh thường quân vận động hỗ trợ kinh phí để tiến hành phẫu thuật ráp hộp sọ. Sau khi được điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, ca phẫu thuật được tiến hành thành công. Anh Thanh tiếp tục được chuyển sang Khoa phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu (BV Phục hồi chức năng TP.HCM) để điều trị. Suốt hơn 4 tháng ở bệnh viện chăm con, mỗi ngày được nhìn thấy anh Thanh dần dần hồi phục, từ chỗ bị liệt cả người, không nhận thức được mọi việc, đầu bị móp một bên, giờ đây anh Thanh đã có thể tự chập chững đi lại, i a học nói.
"Nó được như vậy là mừng lắm rồi, cũng nhờ trời thương, các anh chị thương tình giúp đỡ. Giờ Thanh của mẹ đã biết nói rồi, giỏi lắm út ơi", bà Cúc nghẹn ngào nói. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, số tiền mỗi tháng để đóng viện phí, tập vật lý cho con lên đến gần 15 triệu đồng, một lần nữa bà Cúc đành phải nuốt nước mắt, dự định đưa con về quê.
Điều ước lớn nhất của bà Cúc là được thấy anh Thanh mạnh khỏe hơn.
Dù trên đôi vai gầy, cây định sắt vẫn còn nằm lại nhưng bà Cúc chỉ mong sớm thấy được anh Thanh bình phục tốt nhất.
Biết được hoàn cảnh của gia đình bà Cúc, đặc biệt tình thương của bà dành cho người con khờ bệnh tật, sau khi chúng tôi chia sẻ bài viết, rất đông mạnh thường quân đã đến thăm hỏi, ủng hộ số tiền gần 80 triệu đồng cho anh Thanh. Với số tiền này, anh Thanh có thể tiếp tục ở lại BV Phục hồi chức năng để tập vật lý trị liệu thêm vài tháng nữa.
"Bà hi vọng thằng Thanh cố gắng mỗi ngày để sớm đi lại vững vàng, nói chuyện lanh lẹ như người ta. Dù biết là điều đó rất khó khi một phần não của nó bị tổn thương, nhưng bà hi vọng lắm. Nó giống như đứa trẻ vậy, nhìn thấy con lớn lên, bình phục mỗi ngày mà bà không cầm được nước mắt, hạnh phúc lắm con ơi", bà Cúc xúc động.
Anh Thanh còn có thể hát hò, múa cho mẹ xem mỗi ngày.
Niềm hạnh phúc, tình mẹ con của hai người thật lớn lao.
Mỗi ngày, bà Cúc xin cơm từ thiện ở trước bệnh viện để hai mẹ con dùng bữa, riêng anh Thanh được bà mua thêm một ít thức ăn, cá thịt để bồi bổ thêm. Còn với bà, suốt hơn 4 tháng ở bệnh viện, những hộp cơm chay từ thiện đã trở nên quen thuộc.
Ngồi kế bên mẹ, giơ đôi bàn tay lên rồi ngọng nghịu hát, trong ký ức của người con trai 33 tuổi, người mẹ đã gắn liền với anh suốt gần 3 năm nay từ việc anh tắm rửa, vệ sinh mỗi ngày. Cứ mỗi sáng mai mở mắt thức dậy, người đầu tiên anh Thanh nhìn thấy chính là mẹ của mình. Anh vẫn còn nhớ, anh vẫn còn nợ người mẹ già lời hứa vài ba năm trước. Khi đó, anh Thanh còn khỏe mạnh, anh hứa với bà Cúc sẽ đi làm kiếm tiền, gom góp để giúp mẹ làm phẫu thuật lấy cây đinh sắt trên vai mẹ ra. Nhưng khi lời hứa vẫn chưa kịp thực hiện, tai nạn bất ngờ đã khiến anh trải qua những chuỗi ngày đau đớn nhất của cuộc đời.
Mọi hoạt động ăn uống, vệ sinh của anh Thanh đều do một tay bà Cúc chăm sóc.
Hi vọng, phép màu một lần nữa xảy ra với anh Thanh để giúp anh nhanh chóng bình phục.
Suốt gần 3 năm sống đời thực vật, giờ đây lại như một đứa trẻ lên ba, anh Thanh vẫn còn nhớ lời hứa của mình. "Con thương mẹ nhất, mẹ tội, mẹ tội...", lời nói ngây ngô của anh Thanh khiến bà Cúc rớm nước mắt.
Có lẽ với bà, được nhìn thấy người con trai út của mình bình phục mỗi ngày, dù cho cây đinh sắt vẫn còn hằn sâu trên vai mình, bà chỉ ước anh Thanh có một cuộc sống mới, quay trở lại mạnh khỏe như xưa để một mai, bà có mất đi, anh không phải sống trong cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa.
Hi vọng, phép màu một lần nữa sẽ đến với anh Thanh để cả gia đình anh được quay trở lại cuộc sống trước kia, người mẹ già sẽ bớt phần khổ cực. Cũng xin thay mặt gia đình anh Thanh, trân trọng cảm ơn những tấm lòng của quý độc giả gần xa đã ủng hộ, giúp đỡ anh có điều kiện để tiếp tục chữa trị bệnh.