Phẫu thuật cứu bé trai 20 tháng tuổi mang "đầu tam giác" vì biến dạng hộp sọ
Tình trạng biến dạng hộp sọ bẩm sinh khiến đỉnh đầu bé trai nhọn hoắt như hình tam giác. Nếu để kéo dài, biến dạng này có thể hại tới sự phát triển ổ mắt dẫn tới thị lực thay đổi cũng như ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ.
Bệnh nhi 20 tháng tuổi (quê Quảng Trị) bị dính khớp sọ vùng trán, làm hộp sọ không thể phát triển cân đối gây biến dạng đầu hình tam giác. Khai thác bệnh sử, tình trạng này đã có từ lúc bé sinh ra. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật thoát vị não và não úng thủy, hộp sọ của bé ngày càng biến dạng nặng.
Bác sĩ Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại thần kinh, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết về lâu dài biến dạng này có thể hại tới sự phát triển ổ mắt dẫn tới thị lực thay đổi. Ngoài ra, vấn đề thẩm mỹ của bệnh nhi sẽ bị ảnh hưởng khi vùng đầu trở nên quái dị. Một số trường hợp dính nhiều khớp, hộp sọ quá hẹp, não không có đủ diện tích để phát triển gây chèn ép và tổn thương nhu mô não.
Hình ảnh chụp cho thấy bé trai bị biến dạng hộp sọ.
Hội chẩn kỹ càng, các bác sĩ quyết định sẽ phẫu thuật cho bệnh nhi.
Ca phẫu thuật tạo hình hộp sọ do ThS.BS Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa Ngoại thần kinh cùng thành viên khoa thực hiện kéo dài trong 7 tiếng đồng hồ. Vì thời gian mổ lâu, lượng máu mất nhiều nên cuộc mổ gặp nhiều khó khăn.
Các bác sĩ phải bộc lộ toàn bộ vùng xương sọ từ đỉnh đầu đến hết trần ổ mắt, sau đó nắn chỉnh xương và cố định xương. Hậu phẫu, tình trạng biến dạng đầu hình tam giác của bệnh nhi được giải quyết.
Ekip phẫu thuật chia sẻ, để cố định các mảnh xương lại với nhau các bác sĩ hoàn toàn có thể dùng chỉ thép để giảm chi phí cho cuộc mổ. Nhưng lo sợ bé trai bị đau và chỉ có thể lộ ra da thời gian dài về sau, ekip điều trị quyết định dùng nẹp sinh học tự tiêu.
Đỉnh đầu nhọn như hình tam giác của bệnh nhi trước khi phẫu thuật.
Bệnh nhi cần khoảng hai tuần để ổn định vết mổ. Dù vậy phải mất 6 tháng đến 1 năm để đánh giá được hiệu quả lâu dài. Thông thường những biến dạng đơn thuần (dính 1 khớp) hầu như chỉ cần can thiệp một lần.
Hình ảnh sau khi phẫu thuật.
"Thời điểm thích hợp để can thiệp dao động từ 9-12 tháng tuổi vì lúc này xương sọ khá mềm dẻo và bệnh nhi có đủ sức khỏe cho một cuộc phẫu thuật kéo dài. Phẫu thuật mang lại hiệu quả tốt cho những ca dính khớp sọ đơn thuần.
Trong những trường hợp dính khớp phức tạp, việc phẫu thuật cần được hội chẩn với chuyên gia tại Mỹ để đưa ra phương án thích hợp nhất trong điều kiện thực tế tại Việt Nam và thường cần can thiệp nhiều giai đoạn" - bác sĩ Mỹ nói.
Trước đây, phẫu thuật tạo hình hộp sọ tại Việt Nam thường cần sự hỗ trợ từ bác sĩ nước ngoài. Tuy nhiên trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp ngoại quốc cũng như tâm huyết và khát vọng mang lại sự bình thường cho các cháu, khoa Ngoại thần kinh, BV Nhi Đồng 2 đã từng bước tiến hành phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhi dị dạng sọ mặt.
Bắt đầu bằng những buổi hội chẩn, những buổi sinh hoạt chuyên đề cùng các ca mổ với sự hỗ trợ từ các bác sĩ nước ngoài, đến nay, khoa đã tiến hành hầu hết các phẫu thuật chỉnh hình biến dạng hộp sọ dính khớp đơn thuần và hội chứng.
Tin vui với các bệnh nhi bị biến dạng hộp sọ là hiện nay, bảo hiểm y tế cũng đã chi trả một phần cho những thiết bị dùng trong phẫu thuật này.