Phát hoảng vì học trò lớp hai viết thư tình
Trong thư có đoạn: “Em luôn nghĩ về anh. Em yêu anh nhưng anh không quan tâm đến em nên em rất đau khổ. Em quyết định không yêu anh nữa, em sẽ yêu con bác bảo vệ…”.
Những cử chỉ, lời nói giống người lớn xuất hiện ở tuổi nhi đồng một cách hồn nhiên theo bản năng. Nhưng đối với những đứa trẻ ở giai đoạn chuẩn bị dậy thì thì hiện tượng “già trước tuổi” lại ở một cấp độ khác.
“Lão hóa” tâm hồn
T, 5 tuổi, vừa nghỉ học ở trường cứ ngồi thừ một chỗ, khóc liên tục, không ăn cơm, không ngủ, cha mẹ của em dỗ dành, gặng hỏi mãi nhưng T. vẫn buồn và khóc. Quá bối rối không biết con mình bị gì nên gia đình đã đưa bé đến khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2 để tư vấn.
Qua trò chuyện, cha mẹ T. và chuyên viên tâm lý mới biết là cậu bé đang “yêu”. Vì nghỉ hè không gặp được cô bạn cùng lớp mà T. thích và hay chơi đùa nên cậu bé buồn và khóc đến độ mất ăn, mất ngủ.
Còn cô D, giáo viên của một trường tiểu học ở quận Tân Phú, đã phát hoảng khi phát hiện cô học trò lớp 2 của mình viết thư tỏ tình với cậu bạn trai cùng lớp. Trong thư có đoạn: “Em luôn nghĩ về anh. Em yêu anh nhưng anh không quan tâm đến em nên em rất đau khổ. Em quyết định không yêu anh nữa, em sẽ yêu con bác bảo vệ…”.
Hoạt động vui chơi ngoài trời sẽ khơi dậy những hứng thú mới đối với trẻ em.
(Trong ảnh: Trẻ đang tham dự một hoạt động vẽ tranh vì môi trường).
Trẻ học theo người lớn
BS Đặng Ngọc Thạch (khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2) cho rằng những đứa trẻ “cụ non” ngày càng phổ biến nhưng không phải là dấu hiệu bệnh lý. Đó là sự phát triển tính cách một cách bình thường. Nếu trẻ được xem những bộ phim tình cảm, được nghe cha mẹ nói chuyện người lớn… nhiều lần và lặp đi lặp lại, trẻ sẽ bắt chước làm theo dù không hiểu đó là gì.
Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, đơn vị tâm lý BV Nhi đồng 1, sự phát triển giới tính vốn được thể hiện từ rất sớm (3-4 tuổi) nhưng lúc đó trẻ chưa biết cách thể hiện ra ngoài. Khi tiếp cận với phim ảnh, sách báo, nghe người lớn nói chuyện, trẻ bắt đầu học được cách bộc lộ. Trẻ sẽ có những hành vi giống trong phim như nhớ nhung, tương tư, viết thư tình, bỏ ăn, mất ngủ…
“Trẻ con thường có tính tò mò, thích bắt chước. Vì vậy, các bậc cha mẹ chỉ cần khéo léo uốn nắn trẻ một cách nhẹ nhàng, không nên lo lắng quá mức với những biểu hiện “người lớn” của trẻ ở giai đoạn này”, chị Diệu Anh chia sẻ.
Cần uốn nắn khi trẻ lệch lạc
Theo BS Thạch, đối với những trường hợp tương tự như thế này, các chuyên viên tâm lý không đưa ra bất cứ lời khuyên nào cho trẻ. Họ chỉ là cầu nối để phụ huynh và con trẻ hiểu nhau hơn, từ đó cha mẹ sẽ thấy được những suy nghĩ, vướng mắc của con họ để ứng xử cho phù hợp.
Với giai đoạn vị thành niên, trẻ hay tò mò, chú ý, muốn khám phá thế giới xung quanh… thì người lớn cần có sự can thiệp nhẹ nhàng khi con phạm lỗi. Song hành với đó là việc phân tích cho trẻ hiểu, đồng thời cần tạo điều kiện hình thành ở con trẻ những thói quen mới, tính cách mới mang tính tích cực. Mỗi gia đình nên tạo cho trẻ một không gian tâm lý thật thoải mái, hướng trẻ đến các hoạt động vui chơi, học tập để khơi dậy niềm hứng thú mới.
Chuyên viên tâm lý Diệu Anh lại cho rằng những “cụ non” có chiều hướng phát triển theo hai hướng. Nếu như những hành vi “già trước tuổi” của trẻ là nhận thức tốt và đem lại nhiều niềm vui cho người thân và lợi ích xã hội thì phụ huynh nên khuyến khích trẻ.
Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!! |