Phát hiện kho báu hơn 10.000 vật bằng vàng dưới sông, chuyên gia hút nước 4 tháng liên tục mới lấy được
Theo ước tính của các nhà khảo cổ, giá trị của kho báu lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.
Lộ diện kho báu dưới đáy sông
Theo Tân Hoa xã ngày 20 tháng 3 năm 2017, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện một kho báu gồm hơn 10.000 vật dụng và đồ trang sức bằng vàng và bạc có niên đại 370 năm trước ở dưới đáy một dòng sông tại tỉnh Tứ Xuyên.
Kho báu được tìm thấy ở độ sâu khoảng 5 mét dưới đáy sông Mân, cách thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên 50 km về phía Nam.
Các nhà khảo cổ đã tới thăm dò ở cửa sông Mân nhưng nước sông chảy tương đối xiết, việc khai quật gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo công việc khai quật, tổng cộng 20.000m2 đê đã được xây dựng, trong lịch sử khảo cổ học, đây là việc chưa từng xảy ra. Sau khi đê được xây dựng, 20 máy bơm bắt đầu bơm nước liên tục và phải mất 4 tháng mới bơm hết nước ra.
Giám đốc Viện nghiên cứu khảo cổ và di sản văn hóa tỉnh Tứ Xuyên cho biết, kho báu trên chứa nhiều tiền xu cũng như trang sức bằng vàng, bạc và đồng, bên cạnh những vũ khí chế tạo bằng sắt như gươm, dao và giáo mác. Phải mất tổng cộng 5 tháng để đào hết kho báu trong khu khảo cổ quy mô lớn này. Giá trị của những di tích văn hóa mà họ tìm thấy được đã lên tới 500 triệu USD (hơn 12.000 tỷ VNĐ), đây là một con số khổng lồ.
Đặc biệt, một ấn triện bằng vàng nguyên chất cực kỳ quý hiếm đã được tìm thấy. Chiếc ấn này nặng tới 8kg và được làm bằng 95% vàng nguyên chất. Chiếc ấn triện được khắc tỉ mỉ với kích thước 10 x 10 cm, phần tay cầm bằng vàng nguyên chất, có hình con rùa với dòng chữ "Báu vật của Thục vương", đáng tiếc rằng nó đã bị xẻ làm 4 mảnh.
Trong số các món cổ vật được tìm thấy, các nhà khoa học đã phát hiện ra một khúc gỗ kỳ lạ dài khoảng 1m bên dưới có lỗ hổng, bị ngâm trong nước, cát và bùn ở độ sâu 2,5 m. Bên trong khúc gỗ có 10 đĩnh bạc có khắc dòng chữ: "Năm Sùng Trinh thứ 10, hướng ngân ngũ thập lưỡng, thợ bạc Khương Quốc Khánh".
Theo ông Ngô Thiên Văn, Giám đốc Phòng Quản lý Di tích Văn hóa Bành Sơn, khúc gỗ được tìm thấy chính là Thanh cương bổng. Trong nhiều ghi chép lịch sử, Thanh cương bổng là một công cụ cất giấu bảo vật của Trương Hiến Trung - người lãnh đạo phong trào khởi nghĩa nông dân vào cuối thời nhà Minh. Công cụ này là một khúc gỗ được khoét rỗng phần ruột, hai đầu được bịt bằng sắt, ở giữa dùng để nhét các thỏi bạc.
Ngoài ra, khu vực tìm thấy những món cổ vật cũng là nơi lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Trương Hiến Trung bị binh lính của nhà Minh đánh bại năm 1646.
Trương Hiến Trung là lãnh tụ khởi nghĩa nông dân thời cuối nhà Minh. Ông từng tự xưng là Đại Tây vương sau khi chiếm được Vũ Xương. Theo cuốn "Thục Khâu giám", vào năm 1644, Trương Hiến Trung dẫn quân vào Tứ Xuyên giết toàn bộ các thương gia giàu có ở đây và lấy đi tài sản của họ. Số tiền mà ông ta cướp được của họ lên tới hàng chục nghìn lượng vàng. Trương Hiến Trung còn từng tổ chức Đại hội đấu bảo ở Thành Đô để khoe khoang sự giàu có của mình. Trong nhiều ghi chép lịch sử, ông ta có tới 24 căn phòng chứa đầy thỏi vàng thỏi bạc.
Tương truyền rằng Trương Hiến Trung trước khi rời khỏi Thành Đô đã thuê một đội nhân công làm nhiều việc kỳ lạ. Ông ta đã yêu cầu họ xây kè trên sông Mân, rút nước đi và đào nhiều hố sâu tới 3 trượng, sau đó để tất cả kho báu của mình vào đó rồi đắp đất lại xả nước hòng che mắt người dân. Trương Hiến Trung mang theo 1.000 thuyền chở các thứ vàng bạc châu báu đánh cướp được đến bến Lão Hổ, trấn Giang Khẩu, huyện Bành Sơn thì bị tướng nhà Minh bất ngờ tập kích khiến phần lớn đội thuyền đều chìm xuống sông.
Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã lên kế hoạch xây dựng bảo tàng gìn giữ cổ vật gần nơi khai quật.
*Nguồn: Tân Hoa Xã, Sohu