Phát hiện F0, cả lớp test nhanh, tốn kém, lãng phí
Ngày 24/2, Bộ GD&ĐT phê duyệt Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học (sửa đổi lần 2). Tuy nhiên, đại diện các trường học cho rằng, quy định phát hiện 1 F0, cả lớp phải test nhanh sẽ gây tốn kém, lãng phí.
Không đủ ngân sách
Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học có nhiều điểm mới như: giảm thời gian cách li đối với F1 đã tiêm vắc xin chỉ còn 5 ngày; 7 ngày đối với F1 chưa tiêm vắc xin. Khi lớp phát hiện có F0, đầu tiên, báo ngay Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của trường. Cán bộ y tế chuyển ngay F0 xuống phòng cách li tạm thời của trường theo lối đi riêng.
Sau đó, nhà trường thông báo ngay cho trạm y tế xã, phường để đến cùng xử lý. Đối với lớp có học sinh F0, sẽ được thông báo ngồi yên tại chỗ. Cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của trường, cán bộ y tế xã, phường điều tra, xác định F1. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Nếu học sinh có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính thì xử lý theo quy định; học sinh không tiếp xúc có kết quả âm tính thì đi học bình thường.
Tại Hà Nội, sau Tết Nguyên đán, học sinh đi học trở lại, số lượng F0, F1 tăng nhanh. Theo tìm hiểu của PV, mỗi ngày tổ chức dạy học trực tiếp, ở tất cả các trường đều phát sinh số lượng F0. Khi đó, theo quy định cũ, các trường sẽ rà soát học sinh F1 là trên, dưới, trước sau, học sinh có tiếp xúc để test nhanh và chuyển sang học trực tuyến đối với những em này.
Sau 2 tuần dạy trực tiếp, đến nay có những trường tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 và F1 lên tới 40-50%, phải chuyển gần một nửa số lớp sang học trực tuyến. Huyện Mê Linh (Hà Nội), riêng F0 có hơn 2.000 em và rất nhiều F1 là giáo viên, học sinh. Do đó, hiệu trưởng các trường nói rằng, quy định mới sẽ gây tốn kém hàng trăm triệu đồng/tuần và không có ngân sách nào đáp ứng được.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), nói rằng, quy định test nhanh cho cả lớp khi có một F0 em sẽ gây tốn kém cho nhà trường, mệt mỏi cho học sinh. Điều này trở thành nỗi lo của các trường khi có cùng lúc hàng nghìn học sinh đi học, số ca mắc mỗi ngày khá nhiều, lại rải rác ở nhiều lớp.
“Với cách này, nhà trường sẽ không thể trụ nổi chi phí và phụ huynh cũng than phiền khi đi học phải test nhiều lần”, ông Khang nói.
Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội), bà Lê Thị Thuý Nga, nói rằng, dù trường có nguồn kinh phí chi thường xuyên đảm bảo phòng chống dịch nhưng chỉ chi được những thứ cơ bản như: nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, thiết bị dạy học và một ít que test nhanh.
Giả sử với hơn 2.000 học sinh, mỗi ngày ở các lớp đều phát sinh 1 trường hợp F0, và test nhanh cho cả lớp, giá mỗi que test từ 50.000-60.000 đồng thì cũng sẽ tốn cả trăm triệu đồng/ngày, nhà trường không đủ kinh phí cũng như nhân viên y tế để thực hiện lấy mẫu.
Có được xã hội hoá?
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết, trường có 35 lớp, mỗi lớp hiện có 5-7 F0. Kể cả học sinh F1, có ngày có lớp chỉ có khoảng 5 em đi học.
Trước đó, khi phát hiện F0, trường chỉ test nhanh cho những em tiếp xúc hoặc ngồi gần. Với quy định mới, trường sẽ không có đủ ngân sách chi mua que test vì quyết tâm mở cửa trường học, phòng chống dịch là một cuộc chiến kéo dài. Bà Oanh đặt câu hỏi, với quy định mới như vậy, nhà trường có được xã hội hoá, kêu gọi phụ huynh chung tay hỗ trợ?
Ông Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết, từ ngày dạy học trực tiếp, mỗi tuần trường chi khoảng 60 triệu đồng mua que test nhanh. Hiện cả F0, F1 chiếm khoảng gần 50%, trong đó có cả nhiều giáo viên, nhân viên.
Theo ông Thống, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp những ngày gần đây giảm vì 2 lí do, trong đó một phần phụ huynh e ngại vì dịch bệnh, phần khác là vì trường học chưa tổ chức ăn bán trú, họ phải đưa đón vất vả.
“Nhà trường có quan điểm tỷ lệ học sinh F0, F1 lên 80-90% cũng sẽ duy trì dạy học trực tiếp vì hết bệnh các con lại đến trường. Học sinh trung bình trở xuống học trực tuyến đã để hổng kiến thức rất lớn”, ông Thống nói.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, Sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học là do Bộ Y tế ban hành, đơn vị chỉ viện dẫn. Các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ các trường học trong công tác phòng, chống dịch.