Phát hiện chiếc kèn búp bê nằm trong phổi bé trai 4 tuổi suốt 6 tháng
Thấy con thường xuyên ho, một lần trong số đó phát ra tiếng du dương như tiếng kèn, gia đình liền mang trẻ đi khám. Kết quả CT khiến cha mẹ bé trai bất ngờ: Có một chiếc kèn nhỏ nằm trong phổi bên phải của bé trai.
Đó là trường hợp của bé C.N.B. (4 tuổi, quê Long An). Theo lời kể của anh T. (cha bé B.), vì cha mẹ bận đi làm nên bé hay được gửi ở nhà bà nội. Những ngày gần đây, bé thường xuyên bị ho, tuy nhiên thấy con vẫn bình thường, ăn uống chạy nhảy được nên không ai nghĩ ngợi gì. Cho đến một ngày, anh T. nghe con ho lên thành tiếng như tiếng kèn liền sinh nghi. Mang đến bệnh viện thăm khám và chụp hình, ai cũng bất ngờ khi BS thông báo có một chiếc kèn mắc kẹt trong phổi bé trai.
BS Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, trường hợp của bệnh nhi này do chiếc kèn làm không chắc chắn, khi bé hít mạnh thì trôi tuột vào trong miệng và theo đường miệng mắc vào phổi bên phải.
Bệnh nhi bị vướng chiếc kèn trong phổi suốt 6 tháng.
Chiếc kèn sau khi lấy ra.
Có mặt tại BV, anh T. chia sẻ: "Vợ chồng tôi đi làm suốt nên không theo sát cháu được. Nghe bé kể thì bé nuốt chiếc kèn đã từ tháng 9 năm ngoái, là cây kèn bên trong một con búp bê".
Các BS tại BV đã tiến hành gắp dị vật là chiếc kèn ra khỏi người bệnh nhân ngay trong đêm 12-4 (ngày bệnh nhi nhập viện). Sau điều trị, tình trạng bệnh nhi đã trở lại bình thường.
Theo cha bé trai, gia đình phát hiện em mắc dị vật trong người khi ho ra tiếng kèn
Cũng theo BS Như, bệnh nhi B. rất may mắn khi dị vật vướng vào phổi rất lâu mà vẫn không bị nhiễm trùng. "Thông thường trong những trường hợp thế này, mức độ nguy hiểm rất cao, vì dị vật có thể gây viêm nhiễm xung quanh, thậm chí xuất huyết, rách đường thở. Nặng hơn, trẻ có thể bị nhiễm trùng sang trung thất ở tim. Thâm chí khi nuốt dị vật vào, trẻ có thể ngưng thở sau 3-5 phút vì nghẹt đường thở. Dị vật vướng sâu trong phổi sẽ gây viêm phổi kéo dài hoặc có thể phải cắt phổi" - BS Như cho biết.
Được biết trường hợp này phải chụp MRI kèm tái tạo 3D mới phát hiện chính xác dị vật.
Theo các BS, khoảng 2 năm gần đây, BV tiếp nhận khoảng 30 ca dị vật đường thở mỗi năm, trong đó hóc kèn có đến 5-10 ca. Thói quen của trẻ là rất hay ngậm đồ chơi trong miệng, không may hít sặc vào phổi, cấp cứu không kịp có thể dẫn đến tử vong.
"Những tai nạn dị vật mà trẻ gặp có thể ở bất kỳ đâu trên cơ thể như mũi, tai... nhưng nguy hiểm nhất vật là đường thở" - các BS cảnh báo.