Phát hiện ca bệnh giun chỉ ký sinh tại Phú Thọ

P.V,
Chia sẻ

Ca bệnh này vừa được Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) phát hiện.

Phát hiện ca bệnh giun chỉ ký sinh tại Phú Thọ - Ảnh 1.

Hình ảnh giun chỉ từ khối u dưới da của bệnh nhân.

Vào cuối tháng 4/2023, Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba tiếp nhận bệnh nhân N.T.L. (trú tại Ninh Dân, Thanh Ba, Phú Thọ) vào viện do khối phồng, kích thước 2x2cm vùng đùi phải.

Bệnh nhân được các bác sĩ chuyển phẫu thuật. Sau khi phẫu tích khối u, phát hiện một con giun chỉ dài khoảng 10cm, đang ngọ nguậy trong kén. Theo đặc điểm hình thể, đây có thể là loài giun chỉ Dirofilaria.

Giun chỉ ký sinh dưới da, nếu không bị chết do hệ thống miễn dịch thì ấu trùng Dirofilaria sẽ phát triển thành giun trưởng thành sau khoảng 5 tháng. Giun này tồn tại trong ổ tổn thương vài tháng tới hàng năm, sau đó chết và phân hủy. Thời gian Dirofilaria gây khối u dưới da không đau, kéo dài và không có triệu chứng.

Vì kích thước giun rất dài, nhiễm số lượng nhiều làm động mạch phổi và tim ký chủ phì đại lên, nội mô bị dày lên. Khi nhiễm ít giun thì thường không thấy triệu chứng nhưng đôi khi những giun già hoặc yếu do thuốc cũng có thể dính chặt vào van ba lá, dễ làm cho ký chủ chết.

Khi nhiễm nhiều, chất biến dưỡng của giun sẽ sinh ra độc tố và chất gây dị ứng. Hậu quả là gây phù, tràn dịch màng phổi, báng, sung huyết nội tạng. Ho nhiều cũng là một triệu chứng. Hệ tuần hoàn rối loạn từ từ dễ dẫn đến tử vong. Giun cũng có thể đi lạc chỗ lên não, phá hủy nhu mô não hoặc vào mắt.

Cơ quan y tế khuyến cáo, để phòng bệnh, có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng các biện pháp phòng chống muỗi đốt hoặc làm giảm số lượng muỗi như:

Ngủ màn, che màn thường xuyên, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, vứt bỏ lu vại vỡ quanh nhà…

Tiêu diệt muỗi, triệt hạ nguồn lây truyền bệnh, phối hợp cùng cơ quan chức năng trong các đợt phát động chiến dịch tiêu diệt muỗi.

Chia sẻ