Phát hiện “bữa ăn lâu đời nhất” thế giới trong hóa thạch 550 triệu năm tuổi
Các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của thứ mà họ mô tả là "bữa ăn lâu đời nhất thế giới" được tìm thấy trong một hóa thạch 550 triệu năm tuổi.
Nhóm các nhà khoa học quốc tế này cho biết, họ đã có được cái nhìn sâu sắc hơn về cách những loài động vật sơ khai nhất sống sót và tồn tại sau phát hiện trên.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Austrakia (ANU) đã phân tích các hóa thạch cổ đại từ Kỷ Ediacaran sau khi chúng được phát hiện ở Nga vào năm 2018. Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Current Biology trong tuần qua.
Sinh vật sống lâu đời nhất trên Trái đất được gọi là quần thể sinh vật Ediacaran. Nhóm này dựa trên những hóa thạch sớm nhất từng được phát hiện, cung cấp bằng chứng về các sinh vật đa bào, phức tạp.
Trong một mẫu vật hóa thạch của loài Kimberella giống sên, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các phân tử phytosterol được bảo quản trong ruột của sinh vật. Sản phẩm hóa học được tìm thấy trong thực vật cho thấy nó đã ăn tảo và vi khuẩn từ đáy đại dương.
Đồng tác giả nghiên cứu Jochen Brocks, giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết, loại tảo giàu chất dinh dưỡng có thể đã góp phần vào sự phát triển của Kimberella.
"Thức ăn giàu năng lượng này có thể giải thích tại sao các sinh vật trong quần xã Ediacara lại lớn như vậy. Gần như tất cả các hóa thạch xuất hiện trước quần xã sinh vật Ediacaran đều là đơn bào và có kích thước siêu nhỏ", theo ông Brocks.
Các nhà cổ sinh vật học cho rằng Kimberella có khả năng là một trong những sinh vật tiên tiến nhất của kỷ Ediacaran có miệng, ruột và tiêu hóa thức ăn giống như cách động vật hiện đại.
Ông Brocks giải thích: "Các nhà khoa học đã biết Kimberella để lại dấu vết cho ăn bằng cách cạo lớp tảo phủ dưới đáy biển, điều này cho thấy động vật này có ruột. Nhưng chỉ sau khi phân tích các phân tử trong ruột của Kimberella, chúng tôi mới có thể xác định chính xác nó ăn gì và tiêu hóa thức ăn như thế nào".
Một sinh vật khác có tên là Dickinsonia, một trong những loài động vật sớm nhất trên Trái đất, là một sinh vật kém phát triển hơn, không có miệng hoặc ruột. Theo các nhà nghiên cứu, nó có chiều dài lên tới 1,4 mét (4,5 feet).
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Ilya Bobrovskiy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất GFZ của Đức đã thu thập hóa thạch Kimberella và Dickinsonia từ các vách đá gần Biển Trắng ở vùng Tây Bắc nước Nga vào năm 2018. Ông ấy đã hoàn thành công việc như một phần của luận án tiến sĩ tại ANU.
Tiến sĩ Bobrovskiy cho biết, những phát hiện này giúp các nhà khoa học theo dõi quá trình tiến hóa của những loài động vật sớm nhất và cách chúng liên quan đến loài người và động vật ngày nay.
Ông mô tả, các động vật của quần xã sinh vật Ediacaran, sống trên Trái đất trước "Sự bùng nổ kỷ Cambr" dẫn đến động vật hiện đại, là "nguồn gốc của chúng ta và tất cả các loài động vật tồn tại ngày nay".