Phát hiện bất ngờ về loại virus khiến nam giới "yếu" đi
Nghiên cứu mới từ Argentina chỉ ra thêm một nguy cơ đáng ngại mà HPV gây ra cho nam giới, bên cạnh nguy cơ ung thư.
Human papillomavirus (HPV) trước đây thường được liên kết với nguy cơ ung thư cổ tử cung ở nữ giới, nhưng thời gian gần đây đã được chứng minh là đồng thời làm tăng nguy cơ ung thư dương vật ở nam giới, cũng như ung thư vòm họng và hậu môn ở cả 2 giới.
Giờ đây, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TSVirginia Rivero từ Đại học Quốc gia Córdoba (Argentina) phát hiện ra rằng HPV còn tấn công cả hệ sinh sản của nam giới theo cách khác.
Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu đã phân tích mẫu tinh dịch của 205 nam giới và chỉ ra mối liên hệ giữa phơi nhiễm HPV với số lượng, khả năng di chuyển và sức sống của tinh trùng.
"Ở đây chúng tôi chứng minh rằng nhiễm HPV sinh dục rất phổ biến ở nam giới, với những tác động khác nhau đến tình trạng viêm trong tinh dịch và chất lượng tinh trùng tùy theo kiểu gene của virus họ phơi nhiễm" - TS Rivero giải thích.
Những người gặp phải các dòng HPV nguy cơ cao gây ra dường như chịu tác động tiêu cực hơn đến khả năng sinh sản, cũng như khả năng chống lại mầm bệnh của hệ miễn dịch cũng kém hơn.
Điều này cho thấy HPV có thể là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tình trạng vô sinh - hiếm muộn ở nhiều quý ông.
Các xét nghiệm lâm sàng hiện được chấp thuận đối với HPV là loại tìm kiếm virus thông qua sàng lọc liên quan đến cổ tử cung ở nữ giới.
Do vậy, có thể nói chúng ta hiện vẫn chưa hiểu rõ về phạm vi tác động của loại virus này ở nam giới.
Phát hiện này một lần nữa cảnh báo rằng suy nghĩ coi vắc-xin ngừa HPV chỉ là "vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung" và chỉ dành cho nữ là một sai lầm.
Khi vắc-xin HPV lần đầu tiên có mặt vào năm 2006 và tại Mỹ khi đó, nó chỉ được chấp thuận cho bệnh nhân nữ trẻ tuổi.
Phải mất 3 năm để Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận việc cung cấp vắc-xin này cho nam giới trẻ tuổi, thêm 2 năm nữa để Ủy ban cố vấn về Thực hành tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ủng hộ khuyến nghị đó.
Đến năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rằng vắc-xin HPV được đưa vào chương trình tiêm chủng thường quy cho trẻ em nam và nữ. Tuy nhiên, mục tiêu chính của việc tiêm chủng vẫn là các bé gái từ 9 đến 14 tuổi.
Hiện chỉ khoảng 1/3 trong số 107 quốc gia có chương trình tiêm chủng HPV đã đưa trẻ em trai vào chương trình.
Năm 2019, khoảng 4% trẻ em trai trên toàn cầu đã được tiêm vắc-xin HPV đầy đủ, trong khi tỉ lệ này ở trẻ gái là 15%.