Phát hiện 1 em trong lớp cô lập bạn học, cô giáo này lập tức có hành động cứng rắn: Xử lý ra sao mà dân mạng thi nhau "bão like"?

Minh Châu,
Chia sẻ

"Giáo viên tốt sẽ cho học sinh cảm giác an toàn" - một cư dân mạng bình luận.

"Không ai chơi với bạn nữa!" - Trong thời gian đi học, có người từng trải qua việc bị bạn bè trong lớp cô lập tập thể. Hành vi cô lập này không đánh đập, không chửi mắng, chỉ đơn giản là không nói chuyện, không tiếp xúc – thoạt nhìn tưởng là "chuyện nhỏ", tổn thương không nghiêm trọng, nhưng thật ra, nếu không cẩn thận rất dễ phát triển thành hành vi bạo lực học đường nghiêm trọng hơn, trở thành cơn ác mộng ám ảnh cả đời tuổi trẻ.

Cách xử lý cô lập của một giáo viên nhận "bão like"

Gần đây, tại một trường học ở Quảng Đông, Trung Quốc, có học sinh vì mâu thuẫn với bạn đã kích động, đe dọa các học sinh khác không được chơi chung với bạn đó, dẫn đầu hành vi cô lập.

Sau khi biết chuyện, giáo viên đã quyết liệt dùng biện pháp đình chỉ học để xử lý. Trong một đoạn video quay lại, cô giáo này lớn tiếng mắng: "Trong lớp tôi, thử xem có ai dám làm thêm một lần nữa không!".

Cô giáo này tiếp tục tuyên bố nghiêm khắc trên bục giảng: "Tôi nhấn mạnh một lần nữa, trong lớp mình, tôi không cho phép ai rủ rê bạn bè cô lập người khác, không cho người ta chơi cùng, hay đe dọa người khác – tất cả đều tuyệt đối không được!".

"Khi thấy người khác làm điều sai trái, các em cũng không được hùa theo mà phải ngăn cản kịp thời. Nếu có bạn nào bảo em không được chơi với người kia, nếu không sẽ thế này thế kia, thì em hãy nói với tôi – tôi sẽ xử lý nghiêm khắc. Tôi không quan tâm em là ai, bình thường cãi nhau, xô xát chút đỉnh, tôi chưa bao giờ đình chỉ học ai, nhưng nếu dám ghét ai rồi kéo cả lớp cô lập người đó – chuyện đó là không chấp nhận được! Tôi nói rõ hôm nay, trong lớp 5 này, chỉ cần có một trường hợp nữa, cứ thử xem".

Phát hiện 1 em trong lớp cô lập bạn học, cô giáo này lập tức có hành động cứng rắn: Xử lý ra sao mà dân mạng thi nhau "bão like"? - Ảnh 1.

Cô giáo xử lý rất quyết liệt và nghiêm khắc

Nhiều người sau khi xem video đã "thả tim" cho giáo viên. Một số bình luận như sau:

- "Giáo viên tốt sẽ cho học sinh cảm giác an toàn";

- "Giáo viên chính trực thì học sinh cũng vậy"; 

- "Giáo viên thật tuyệt vời, hành vi này thực sự là liệu pháp chữa lành cho nạn nhân bị bắt nạt". 

Trên mạng xã hội, nhiều người cũng chia sẻ lại ký ức đau lòng thời đi học, tiếc rằng lúc đó không gặp được một giáo viên ấm áp như vậy. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng việc xử lý bằng cách đình chỉ học tuy xuất phát điểm tốt, nhưng không giải quyết tận gốc vấn đề bạo lực học đường.

"Không chỉ đánh người mới gọi là bạo lực học đường"

Hiện nay, vấn đề bạo lực học đường ngày càng được quan tâm. Nhưng những hành vi nào được xem là bắt nạt? Việc "cô lập" không chửi bới, không đánh người có phải là bắt nạt không?

Một chuyên gia giáo dục chỉ ra: "Không chỉ đánh người mới gọi là bạo lực học đường"

Hãy ghi nhớ, những hành vi này đều là bạo lực học đường:

- Bắt nạt thể chất: đánh, đá, tát, cắn, đẩy, kéo, hoặc đe dọa thân thể.

- Bắt nạt bằng lời nói: chửi bới, châm chọc, chế giễu, đặt biệt danh xúc phạm.

- Bắt nạt xã hội: cô lập, đe dọa, cưỡng ép, ngăn cản người khác tham gia hoạt động xã hội hoặc trường học.

- Bắt nạt qua mạng: tung tin đồn, bôi nhọ, phát tán thông tin cá nhân với mục đích xấu.

Vị chuyên gia nhấn mạnh: "Không bắt nạt, không sợ bị bắt nạt, và càng không được làm ngơ trước bạo lực. Đừng nghĩ rằng không xảy ra với mình thì không sao, sự thờ ơ cũng có thể biến bạn thành đồng phạm của kẻ bắt nạt".

Làm sao để đối phó với bạo lực học đường? Phòng chống bạo lực học đường cần tuân thủ "Ba không":

1. Không làm nạn nhân:

Không mang theo nhiều tiền hoặc đồ quý giá đến trường, không phô trương tài sản.

Khi đến những nơi dễ xảy ra bạo lực như nhà vệ sinh, góc khuất, hẻm gần trường – nên đi cùng bạn.

Hòa nhã với bạn bè, giải quyết mâu thuẫn một cách lý trí, không sử dụng biện pháp cực đoan.

Tăng cường ý thức tự bảo vệ và rèn luyện thể chất để phòng vệ khi cần.

2. Không trở thành kẻ bắt nạt:

Những hành vi như đánh người, sỉ nhục, tống tiền, cố ý gây thương tích có thể cấu thành tội phạm theo luật hình sự.

3. Không làm người hùa theo hoặc làm ngơ:

Không cổ xúy, không làm "đồng phạm" của kẻ bắt nạt.

Không thờ ơ, cần thể hiện sự cảm thông với nạn nhân.

Giúp đỡ trong khả năng cho phép.

Báo cáo kịp thời cho giáo viên, phụ huynh, thậm chí là cảnh sát.

Nếu bạn đang là nạn nhân:

An toàn cá nhân là trên hết. Tránh làm đối phương nổi giận, có thể nhờ người xung quanh giúp, hoặc dùng hành động khác thường để thu hút sự chú ý. Nếu cần, hãy tự vệ hợp pháp.

Đừng im lặng hay trả đũa. Hãy kể cho bố mẹ và giáo viên.

Phụ huynh nên làm gì khi con bị bắt nạt?

- Bình tĩnh, trao đổi với nhà trường và giáo viên. Nếu cần, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của con.

- Khuyến khích con xây dựng mối quan hệ tích cực, kỹ năng kết bạn và tương tác sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực.

Trường học cần làm gì khi xảy ra bắt nạt?

- Giáo dục pháp luật thường xuyên, thành lập tổ tư vấn tâm lý, theo dõi sát tình hình học sinh, thông báo kịp thời cho phụ huynh nếu có bất thường.

- Với nạn nhân, cần có hỗ trợ y tế, tâm lý, pháp lý. Với kẻ bắt nạt, phải thông báo phụ huynh và có hình thức xử lý thích hợp trong khuôn khổ pháp luật.

"Học sinh bị cô lập" không phải chuyện nhỏ - Giáo viên không "thỏa hiệp" là yếu tố then chốt

"Bị cô lập" chưa bao giờ là chuyện nhỏ.

Chuyên gia chỉ ra: Hiện tượng bạo lực học đường thường có giai đoạn "manh nha", ví dụ học sinh bị cô lập, xa lánh – nếu không được chú ý và can thiệp kịp thời, có thể tiến triển thành bắt nạt nghiêm trọng.

Nếu phát hiện hành vi "cô lập, xa lánh người khác gây ảnh hưởng đến hoạt động học tập, giao tiếp xã hội", giáo viên phải kịp thời ngăn chặn. Đối với học sinh dễ bị cô lập do hoàn cảnh gia đình, thể chất, học lực,… giáo viên cần chú ý và can thiệp sớm.

Vì vậy, khi giáo viên mạnh mẽ đứng ra ngăn chặn và giáo dục kịp thời, đó chính là một phần thiết yếu trong công cuộc phòng chống bạo lực học đường.

Tuy nhiên, do hành vi bắt nạt thường diễn ra lén lút, "cô lập tập thể" lại càng là bạo lực tinh thần khó nhận biết, nên nhiều khi giáo viên dù biết cũng khó xử lý thỏa đáng. Một số thầy cô chọn "thỏa hiệp" bằng cách khiển trách chung, hoặc cảnh cáo nhẹ, khiến kẻ cầm đầu càng thêm tự tin, người đứng xem học cách im lặng phục tùng.

Chính vì vậy, lời tuyên bố mạnh mẽ của giáo viên ở Quảng Đông đã đưa hành vi "cô lập tập thể" ra khỏi vùng xám, đưa vào ánh sáng, thể hiện quan điểm rõ ràng: "Cô lập người khác" không phải chuyện nhỏ và đối với mọi hình thức bạo lực học đường đều phải "zero tolerance – không khoan nhượng". Thái độ cứng rắn và rõ ràng này chính là bài học đạo đức sống động về chính nghĩa dành cho học sinh.

Tất nhiên, lòng dũng cảm của một giáo viên đáng trân trọng, nhưng để xây dựng cơ chế phòng chống bạo lực học đường hiệu quả hơn, nhà trường cần có nhiều biện pháp hơn:

- Tạo đường dây nóng nặc danh

- Phát triển chương trình giảng dạy chuyên đề về phòng chống bạo lực học đường…

- Để học sinh dám lên tiếng, giáo viên và nhà trường phát hiện sớm, ngăn chặn từ trong trứng nước.

Giáo dục không bao giờ là cuộc thí nghiệm lý tưởng trong chân không. Chỉ khi người làm giáo dục không né tránh mâu thuẫn, giữ vững lập trường, dạy học trò đâu là đúng sai, thì mới có thể nuôi dưỡng thế hệ học sinh biết sống tử tế – từ đó, loại bỏ mảnh đất cho thứ bạo lực tinh thần như "cô lập tập thể" phát triển.

Chia sẻ