Mất bình đẳng giới:

Phát bệnh vì việc nhà

,
Chia sẻ

Cáu bẳn, làm việc thiếu hiệu quả, thậm chí... phát bệnh do phải một mình "cõng" việc nhà, nhưng không ít phụ nữ vẫn tồn tại cách nghĩ: Việc nhà là "thiên chức" của họ.

Theo PGS. TS Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới và phát triển, với cách nghĩ đó, phụ nữ đang tự trói mình, thậm chí trói cả những thế hệ sau.

Phát bệnh vì việc nhà

Chị Vũ Minh Tâm ở Gia Lâm, Hà Nội làm việc trong ngành báo chí xuất bản, đã phải tìm đến bác sĩ vì chứng đau tức vùng lưng và bả vai, nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Đến Viện Sức khỏe tâm thần TW, chị mới biết mình mắc chứng stress do căng thẳng vì làm việc quá nhiều.

Chị Tâm cho biết, ngày nào cũng vậy, sau khi tan sở, đón con ở trường mẫu giáo về, chị bắt đầu lao vào “ca” làm việc nhà, bắt đầu từ 5 giờ chiều cho đến 10 giờ đêm. Được ngày nghỉ vào Chủ nhật, chị thường đưa con đi chơi xa. Vì thế, hầu như chị không có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn cho riêng mình.

Đã thế, mỗi lần thấy nhà bẩn, hay bữa cơm không vừa ý là chồng chị lại cáu bẳn, chê trách. Biết chồng gia trưởng, nhưng chị không làm sao thay đổi được cách nghĩ của chồng, đành chấp nhận chịu đựng. Sau khi được bác sĩ kê đơn và tư vấn, chị đành phải đi tìm người giúp việc để giải phóng bớt công việc cho mình.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân ở Phương Mai, Hà Nội vừa làm nghề trông trẻ, vừa đảm đương toàn bộ những công việc không tên trong gia đình. Chồng chị lái taxi, đi làm cách ngày. Chị có hai đứa con, đứa con trai đầu đã tốt nghiệp đại học, con gái nhỏ đang học lớp 10.
 

Những ngày chồng con đi vắng thì không nói làm gì, nhưng có những ngày cả chồng và hai đứa con lộc ngộc ở nhà, vẫn một mình chị tất bật cơm nước dọn dẹp, giặt giũ... còn chồng con chỉ biết ngồi chờ chị bê cơm lên ăn. Việc rửa bát, nếu hôm nào con gái được nghỉ học buổi chiều, cháu sẽ làm hộ mẹ. Còn cậu con trai lớn, tốt nghiệp đại học chưa xin được việc làm, suốt ngày chỉ ngồi máy tính chơi điện tử. Có người góp ý nên để con trai làm việc nhà đỡ mẹ chị gạt phắt đi: “Con trai ai lại rửa bát, sau này lấy vợ rồi mà hầu nó à!”.

Thực chất, sự  phân chia  việc nhà cho phụ nữ là do quan niệm. Chị Lê Thị Hoa ở Khâm Thiên, Hà Nội đã giáo dục hai đứa con trai của chị (một lên 11 tuổi, một lên 4 tuổi) phải tự làm hết mọi việc từ vệ sinh cá nhân, ăn uống đến công việc nhà. Cháu Tuấn, con trai lớn của chị đã biết nấu cơm, rửa bát quét nhà; Cháu Linh, 4 tuổi đã biết tự tắm rửa và ăn uống. Chị Hoa cho biết, nếu không dạy con trai mình làm như vậy, phụ nữ muôn kiếp sẽ chịu cảnh “ô sin”.

Phụ nữ phải thay đổi suy nghĩ

PGS. TS Lê Thị Quý cho rằng, thủ phạm của phân biệt giới, bất bình đẳng giới đôi khi lại do chính phụ nữ tạo nên. Tự họ trói họ, thậm chí trói gánh nặng vô hình đó cho cả những thế hệ tiếp theo. Không ít gia đình, phụ nữ ngay từ khi còn bé không những bị phân biệt đối xử mà còn được tiếp nhận nền giáo dục mang nặng sự bất bình đẳng giới: Đã là trẻ gái thì phải rửa bát, quét nhà, nấu cơm giúp mẹ; còn trẻ trai thì chẳng phải làm gì.

Theo nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa, Trung tâm tư vấn Linh Tâm (Tổng đài 1088), đàn ông có thể làm việc nhà rất tốt, vì thế nếu ai nói việc nhà là “thiên chức” của phụ nữ là sai. Đàn ông không làm việc nhà, một phần do quan niệm, một phần do họ lười và do phụ nữ tự “giành lấy”. Có những đàn ông bị vợ kêu là lười, nhưng thực ra anh ta làm cái gì cũng bị vợ chê: Lau nhà thì vợ lau lại; Rửa bát, vợ cũng rửa lại; Làm món ăn thì “thế này chỉ có nước cho... cún nó ăn”; Treo cái tranh, cái ảnh lên tường vợ cũng đòi tháo xuống. Cuối cùng, anh ta nhận ra mình chỉ là kẻ “ở nhờ”... Và anh ta quyết định: Tiếp tục trong vai người ăn nhờ ở đậu cho... khỏe!

Ông Hòa cho rằng, muốn chồng chia sẻ việc nhà, phụ nữ phải chiến thắng những suy nghĩ “thâm căn cố đế” rằng, đàn ông không cần phải mó tay vào việc nhà, vợ để cho chồng thổi cơm, rửa bát là vợ hư.
 
Theo Lâm Vũ
Gia đình
Chia sẻ