Pháo tự chế nổ, bé trai 9 tuổi tổn thương nặng vùng hàm mặt

Tuấn Bảo,
Chia sẻ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa phối hợp hội chẩn từ xa với Trung tâm Y tế Hải Hà kịp thời phẫu thuật cấp cứu bé trai bị tổn thương vùng hàm mặt do pháo tự chế nổ.

Pháo tự chế nổ, bé trai 9 tuổi tổn thương nặng vùng hàm mặt - Ảnh 1.

Tổn thương vùng hàm mặt của bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Theo gia đình chia sẻ, bệnh nhi N.T.A (9 tuổi, trú tại Hải Hà, Quảng Ninh) nghịch pháo tự chế tại nhà, khi đốt pháo không nổ nên đã đưa lên miệng, không may phát nổ và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nêu trên.

Bệnh nhi được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế Hải Hà trong tình trạng đa chấn thương, vùng hàm mặt dập nát phức tạp, gãy xương hàm trên, hàm dưới, chảy nhiều máu do hỏa khí.

Nhận định đây là trường hợp chấn thương vô cùng phức tạp, Trung tâm Y tế Hải Hà lập tức liên hệ với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để hội chẩn cấp cứu từ xa, kịp thời có phương án xử trí cho bệnh nhi bị đa chấn thương hàm mặt nguy kịch.

Ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo bệnh viện lập tức huy động kíp bác sĩ liên Khoa Răng hàm mặt, Tai mũi họng, Gây mê hồi sức hội chẩn hỗ trợ cấp cứu từ xa, hướng dẫn vận chuyển bệnh nhân đến viện an toàn.

Pháo tự chế nổ, bé trai 9 tuổi tổn thương nặng vùng hàm mặt - Ảnh 2.

Tổn thương của bệnh nhi lúc vào viện. Ảnh: BVCC

Ngay khi đến nơi, kíp bác sĩ ứng cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khẩn trương kiểm tra tình trạng bệnh nhi. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy tổn thương phức tạp vùng hàm mặt, dập nát khoang miệng, thành họng hai bên, gãy phức tạp xương hàm trên, hàm dưới, dập nát khuyết hổng tổ chức vùng môi trên, dưới, đụng dập khí quản.

Bệnh nhi lập tức được chuyển mổ để xử trí đa chấn thương kịp thời. Kíp phẫu thuật liên khoa, gồm BSCKI Bùi Công Tuấn, Phó Trưởng Khoa Răng hàm mặt; ThS.BS Trần Thế Quang, Phó Trưởng Khoa Tai mũi họng phối hợp với Khoa Gây mê hồi sức để xử trí các tổn thương cho bệnh nhi.

Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ tai mũi họng đã mở khí quản, khâu tạo hình lại vùng mũi tổn thương. Với vùng hàm mặt bị dập nát nghiêm trọng, kíp bác sĩ răng hàm mặt bộc lộ xương gãy, nắn chỉnh và kết hợp xương hàm mặt bằng nẹp vít, tiếp tục cầm máu và khâu tạo hình lại toàn bộ vùng hàm mặt bị tổn thương phức tạp.

Sau 5 tiếng phẫu thuật, bệnh nhi đã vượt qua cơn nguy kịch. Sau mổ, bệnh nhi tỉnh, huyết động ổn định, được chuyển khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị hậu phẫu, kết hợp kháng sinh chống viêm và nhiễm trùng.

BSCKI. Bùi Công Tuấn, Phó Trưởng Khoa Răng hàm mặt cho biết: "Pháo nổ loại hỏa khí sẽ tạo cú nổ với sức ép có thể gây tổn thương, biến dạng tất cả. Như trường hợp của bệnh nhi trên bị biến dạng hoàn toàn vùng hàm mặt, tổn thương chảy máu trên diện rộng, dập nát toàn bộ khoang miệng, gãy hàng loạt răng cửa dưới, mất nhiều đoạn mô mềm vùng mặt".

Để phòng tránh những tai nạn do pháo nổ, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần tuân thủ pháp luật, không buôn bán và sử dụng các loại pháo nổ. Các bậc phụ huynh cần có biện pháp giáo dục và quản lý con em để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do tự chế tạo pháo.

Khi gặp người bị tai nạn do pháo nổ cần sơ cứu đúng cách và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng các dụng cụ gắp dị vật, vì có thể gây tổn thương nặng thêm cho bệnh nhân.

Chia sẻ