Pháo hoa đì đùng trên sân thượng chung cư
Ngay sau khi một cư dân lên sân thượng đốt pháo hoa, Ban Quản lý chung cư đã tức tốc ra văn bản về vị trí sử dụng pháo hoa, cấm cư dân đốt pháo hoa trên sân thượng.
Ngày 24-1, Ban Quản lý Chung cư Thái An 3-4 (phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP HCM) đã ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng pháo hoa an toàn tại chung cư.
Buổi tối giật mình
Theo đó, Ban Quản lý yêu cầu cư dân khi có nhu cầu sử dụng pháo hoa cần thông báo cho Ban Quản lý để được bố trí vị trí, thời gian sử dụng và cử lực lượng bảo vệ theo dõi quá trình sử dụng pháo. Ban Quản lý cấm cư dân sử dụng pháo hoa tại nhà riêng.
Công an phường Đông Hưng Thuận (quận 12) đã làm việc với người đốt pháo hoa trên sân thượng chung cư. CLIP: HẠNH NGUYÊN
Thông báo của Ban Quản lý về vị trí sử dụng pháo hoa là dưới mặt đất, không được phép đốt pháo trên sân thượng chung cư.
Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 23-1, nhiều người giật mình khi một cư dân lên sân thượng chung cư Thái An 4 đốt pháo hoa với tiếng rít, tiếng nổ đì đùng kéo dài khoảng 1 phút.
Một số cư dân đã thông báo đến Ban Quản lý và Ban Quản trị chung cư vụ việc. Ngay sau đó, Công an phường Đông Hưng Thuận đã mời cư dân này lên làm việc. Đại diện Ban Quản trị chung cư thông báo rằng pháo hoa được người sử dụng mua có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng (!?).
Ngay sau cư dân phản ánh, Ban Quản lý và Ban Quản trị chung cư cho rằng đây là lần đầu tiên có người dùng pháo hoa trên sân thượng nên đã nhắc nhở cư dân chấp hành đúng quy định của chung cư cũng như quy định pháp luật.
Cần phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ
Theo Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ), ngày 27-11-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020.
Tại Điều 17 Nghị định có quy định về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì được phép sử dụng pháo hoa. Tuy nhiên, một số người dân đang có sự nhầm lẫn, chưa phân biệt giữa pháo hoa và pháo hoa nổ.
Một hộ dân ở phường 13, quận Tân Bình đốt pháo hoa tại sân thượng nhà riêng. CLIP: LÊ VĨNH
Điều 3 Nghị định trên: Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Như vậy, pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.
Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp. Khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ.
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.