Phận đời bi thảm của cô giúp việc 56 năm không lương (P2): Không thể bỏ đi và chết cùng ngày cùng tháng với chủ
“Vì sao cô phải ở lại đây chịu mắng chửi như thế?”, chúng tôi không giấu được tò mò, bạo gan hỏi cô...
“Vì sao cô phải ở lại đây chịu mắng chửi như thế?”, chúng tôi không giấu được tò mò, bạo gan hỏi cô. “Ai sẽ nấu ăn cho các con?”, câu trả lời tuy nhẹ nhàng của cô nhưng nó hàm ý rằng nếu không có cô thì chẳng có ai làm mọi việc trong nhà, chẳng có ai chăm sóc cho mẹ con chúng tôi.
Cũng với câu hỏi ấy nhưng một lần khác, cô lại trả lời: “Cô biết đi đâu bây giờ...”. Câu trả lời này dường như tiệm cận gần hơn với thực tế đau lòng của Lola. Đến Mỹ là một việc điên rồ, trước khi chúng tôi kịp thở dài thì một thập kỷ đã trôi qua. Chúng tôi quay lại nơi cũ, thập kỷ thứ hai đã kết thúc. Tóc Lola đã rụng dần và bạc đi nhiều lắm. Cô biết được những người họ hàng ở quê nhà không nhận được sự giúp đỡ từ cô như lời hứa hẹn ban đầu và tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với cô. Thế nên với cô, trở về quê nhà là một sự xấu hổ, tủi nhục.
Mà không về quê nhà, cô cũng chẳng biết đi đâu ở đất Mỹ này thật. Cô chẳng quen biết ai đây lại không có phương tiện để di chuyển. Điện thoại cũng chẳng biết dùng. Những thứ hiện đại như ATM, máy bán hàng tự động hay bất cứ thứ gì có bàn phím sẽ khiến cô đau đầu. Giao tiếp với những người nói quá nhanh sẽ khiến cô ú ớ, không biết nói gì và vốn tiếng Anh bập bẹ của cô cũng khiến người khác rơi vào trạng thái tương tự. Cô không biết sắp xếp một cuộc hẹn, chuyến đi chơi, điền giấy tờ hay gọi thức ăn... tất cả đều phải có sự giúp đỡ của chúng tôi.
Tôi cho Lola một thẻ ATM và dạy cô ấy cách sử dụng. Lần đầu, rất thành công nhưng lần thứ hai, cô ấy bị rối, đâm ra hoảng loạn, không bao giờ dám thử lại nữa. Tuy vậy, Lola vẫn giữ thẻ ATM bên mình bởi cô ấy xem nó như một món quà quý giá mà tôi tặng. Tôi cũng cố gắng dạy cô ấy lái xe. Dĩ nhiên cô xua tay từ chối nhưng tôi vẫn nhấc bổng cô lên mang đến xe hơi, đặt cô vào ghế lái. Lola từ vui vẻ đến sợ hãi, rồi nhanh chóng tháo chạy khỏi chiếc xe trước khi tôi kịp nói lời nào. Tôi cũng cố gắng vài lần sau đó bởi tôi cho rằng biết lái xe sẽ thay đổi cuộc đời Lola. Cô ấy có thể đến nhiều nơi, và nếu không thể chịu đựng mẹ tôi nữa, cô ấy có thể lái xe đi mãi mãi.
Lola và tác giả của bài viết chụp cùng nhau vào năm 2008 (ảnh trái); Tác giả và người chị em của Lola - bà Gregoria (ảnh phải). (Ảnh: theatlantic)
Bốn làn xe giờ chỉ còn hai, vỉa hè giờ chỉ còn đá sỏi. Mấy chiếc xe ba bánh giờ đi xen lẫn với xe hơi tạo nên một sự hỗn độn rất đỗi bình thường ở đất nước này. À, còn vài con trâu kéo mớ tre trên đường nữa. Vài con chó hay dê gì đấy thậm chí còn ngang nhiên đi lại trước mũi xe tải, trông rất thong dong... Tôi lôi bản đồ, tìm đường đến làng Mayantoc - điểm đến của chúng tôi. Tôi gõ gõ cái hộp nhựa, hối hận vì mình không mua một cái bình tốt hơn, bằng sứ hay gỗ gì đấy. Không biết mọi người nghĩ gì nữa. Tôi nghe nói chỉ còn mỗi người chị em gì đấy của Lola - bà Gregoria, 98 tuổi và trí nhớ kém lắm nhưng mỗi khi nghe đến tên Lola, bà lại bật khóc mà lại chẳng biết vì sao mình khóc.
Trước khi đi, tôi may mắn liên lạc được với một trong những người cháu của Lola. Cô ấy đã lên kế hoạch cho lễ tưởng niệm của Lola ở Công viên Tưởng niệm Mayantoc Eternal Bliss. Đã 5 năm kể từ ngày Lola qua đời nhưng tôi vẫn chưa nói lời tạm biệt cuối cùng - điều mà tôi biết chắc chắn sẽ xảy ra. Cả ngày tôi buồn bã nhưng không thể để Doods thấy mình khóc. Hơn cả sự xấu hổ về cách gia đình tôi đối xử với Lola, hơn cả những lo lắng của tôi về việc họ hàng của Lola ở Mayantoc sẽ đối xử với tôi thế nào, tôi cảm thấy nặng nề khi mất cô ấy, như thể cô ấy chỉ vừa qua đời một ngày trước đó.
Doods đưa tôi đến cao tốc Romulo để đến nhà ông tôi - trung úy Tom. Hai làn xe thành một, những viên sỏi giờ chỉ là cát bụi. Con đường mòn chạy dọc theo sông Camiling, nơi có những ngôi nhà trẻ nằm sát bên, và rồi những ngọn đồi xanh rì hòa lẫn với ánh nắng vàng vọt đã hiện ra phía trước. Đó là nơi mẹ tôi từng sống.
Đám tang của mẹ, tôi hết lời ca tụng bà. Những lời tôi nói là thật. Mẹ tôi đã rất dũng cảm và mạnh mẽ. Bà đã làm mọi thứ tốt nhất trong khả năng. Bà trông rất rạng rỡ khi hạnh phúc. Bà tự hào về những đứa con của mình và cho chúng tôi một ngôi nhà thực sự ở Salem, Oregon - một nơi ở cố định mà chúng tôi chưa bao giờ có. Tôi ước mình có thể nói cảm ơn mẹ một lần. Tôi biết, tất cả chúng tôi yêu mẹ.
Tôi không nói về Lola trong đám tang cũng như không đề cập đến Lola khi tôi ở cùng bà vào những năm tháng cuối đời của bà. Yêu mẹ đòi hỏi tôi phải có một tinh thần thép. Đó là cách duy nhất để tôi và mẹ có thể có mối quan hệ mẹ và con trai thực sự - điều mà tôi rất muốn, đặc biệt là khi sức khỏe mẹ xuống dốc vào khoảng giữa những năm 90. Tiểu đường, ung thư vú, bệnh bạch cầu cấp tính, tế bào ung thư lớn mạnh trong máu, trong tủy xương. Mẹ từ người phụ nữ mạnh mẽ trở nên mong manh yếu ớt chỉ sau một đêm.
Sau cuộc tranh cãi đỉnh điểm về Lola vào đêm đó, tôi hầu như tránh về nhà. Ở tuổi 23, tôi chuyển đến Seattle sinh sống. Thỉnh thoảng về thăm, tôi thấy có sự thay đổi. Mẹ vẫn là mẹ, nhưng không phải sự tàn nhẫn trước đó. Mẹ đã mua cho Lola bộ răng giả tốt, cho Lola một phòng ngủ. Cố gắng để Lola có thể định cư ở Mỹ một cách hợp pháp. Đó là một quá trình dài nhưng Lola đã trở thành công dân Mỹ vào tháng 10/1998 - 4 tháng sau khi mẹ tôi nhận được chẩn đoán bệnh bạch cầu. Và mẹ tôi sống được hơn 1 năm sau đó.
Trong suốt thời gian đó, mẹ và Ivan (người chồng sau của mẹ) nhiều lần du lịch đến thành phố Lincoln ở bờ biển Oregon, đôi khi Lola cũng được đi cùng. Lola yêu biển, được đến biển, quay trở về những hòn đảo là ước mơ của Lola. Tôi biết Lola chẳng thể nào hạnh phúc hơn khi mẹ tôi dần thoải mái hơn với cô. Một buổi chiều bên bờ biển hay 15 phút trong bếp cùng mẹ nhớ lại những ngày tháng cũ ở quê nhà, Lola dường như đã quên hết những năm tháng đau khổ của cô ấy.
Trước khi qua đời, mẹ đưa tôi hai quyển nhật kí bà viết về cuộc đời mình. Về những năm tháng học y khoa, cho đến khi đến Mỹ, trở thành bác sĩ thực tập… Mẹ viết rất chi tiết về từng đứa con và cảm giác tự hào, yêu thương chúng tôi như thế nào. Mẹ đã hy sinh hết mình cho hai ông chồng, cố gắng nắm bắt họ như những nhân vật phức tạp trong câu chuyện cuộc đời mình. Chúng tôi là những nhân vật xuất hiện có chủ đích, còn Lola là một sự ngẫu nhiên. Lola được đề cập đến như là một nhân vật phụ xuất hiện trong câu chuyện của ai đó, như: “Lola cùng con trai yêu dấu của mẹ Alex đến ngôi trường mới vào sáng nay. Mẹ hy vọng con sẽ nhanh chóng làm quen và không còn sợ hãi nếu phải di chuyển nữa…”. Hình như có hai trang về tôi nhưng lại không thấy đề cập đến Lola.
Một ngày trước khi mẹ mất, một vị linh mục đã đến thực hiện những nghi thức cuối cùng. Khi được hỏi muốn tha thứ hay được tha thứ điều gì, mẹ nhìn khắp phòng với đôi mắt nặng trĩu mà chẳng nói gì. Mẹ chẳng nhìn Lola rồi mở bàn tay đặt lên đầu mình. Mẹ chẳng nói gì nữa cả.
Lola trên trang bìa ấn phẩm của tạp chí The Atlantic số tháng 6/2017 (Ảnh: theatlantic)
Lola đến ở với tôi khi cô đã được 75 tuổi. Lúc đó tôi đã kết hôn, có hai cô con gái, sống trong một ngôi nhà ấm cúng. Ở đây Lola muốn làm gì cũng được, chẳng còn phải phục vụ chúng tôi như trước. Đó là lần đầu tiên trong đời Lola và tôi biết để được như thế, cô đã rất đau khổ suốt mấy mươi năm qua.
Ở cùng Lola, cô ấy khiến tôi khó chịu vài thứ, chẳng hạn như cô ấy luôn bảo tôi phải mặc áo len để không lạnh (dù khi ấy tôi đã 40 tuổi). Cô liên tục than thở về bố tôi và Ivan, rằng bố tôi là một gã lười biếng, Ivan là một con đỉa bám lấy mẹ tôi. Cô ấy kiểm tra thùng rác để đảm bảo chúng tôi không vứt đi những thứ còn dùng được. Cô ấy rửa và dùng lại khăn giấy cho đến khi chúng rã ra trong tay…
Cô ấy tích cực nấu bữa sáng dù cho chúng tôi phải vắt giò lên cổ chạy cho kịp giờ vào mỗi sáng. Cô ấy dọn giường, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa. Ban đầu tôi nhẹ nhàng bảo: “Lola, cô không cần phải làm thế”, “Lola, chúng con sẽ tự làm”, và đến khi tôi quá bực: “Lola, đó là việc của hai đứa nhỏ”. Cô ấy bảo được rồi và vẫn tiếp tục làm. Cô ấy thậm chí còn khiến tôi tức điên lên khi đứng ăn trong nhà bếp hay dọn dẹp mỗi khi tôi bước vào phòng.
Sau vài tháng như thế, tôi biết mình phải nói chuyện với Lola: “Con không phải bố. Cô không phải nô lệ ở đây”. Nghe những lời ấy, Lola cố gắng hết sức để kềm nén sự xúc động. Tôi nhẹ nhàng hôn lên trán cô rồi bảo: “Đây là nhà của cô. Cô ở đây không phải để phục vụ chúng con. Cô phải nghỉ ngơi, được chứ?”. Cô bảo được rồi và vẫn quay lại dọn dẹp. Thực tế thì cô ấy không biết mình phải nghỉ ngơi bằng cách nào vì gần như cả đời việc của cô là phục vụ. Thế rồi tôi phải tự khuyên chính mình, phải thả lỏng. Nếu cô ấy muốn nấu bữa tối, hãy để cô ấy nấu rồi cảm ơn và dọn dẹp. Tôi phải liên tục nhắc nhở bản thân mình: để cô ấy được thoải mái.
Một đêm về nhà muộn, tôi thấy Lola đang ngồi chơi đố chữ, chân gác lên ghế, TV thì bật. Một tách trà đặt sát bên. Cô ấy nở nụ cười tươi và sáng choang (nhờ hàm răng giả) rồi quay trở lại với câu đố. Có tiến bộ đấy!
Cô ấy trồng hoa hồng, tulip và vài loại phong lan nào đó ở sân sau. Cô ấy dành cả buổi chiều để chăm sóc chúng. Cô ấy đã biết thăm hỏi hàng xóm, nhưng ở tuổi 80, khi bệnh viêm khớp tồi tệ hơn, cô ấy phải đi lại bằng gậy. Đi qua phòng ngủ của Lola, tôi thường nghe thấy những bài hát dân ca Philippine phát ra từ đó. Một cuộn băng lặp đi lặp lại. Tôi thậm chí còn biết cô ấy đã gửi tất cả tiền mà tôi và vợ cho cô ấy - 200 USD một tuần - về cho những người họ hàng ở quê nhà.
Một chiều nọ, tôi thấy cô ngồi ở sân sau, nhìn chằm chằm vào bức ảnh ai đó ở quê. “Cô muốn về nhà sao Lola?”, tôi tò mò. Tay mân mê, vuốt nhẹ bức ảnh, Lola khẽ khàng gật đầu.
Lola trở về quê nhà sau lần sinh nhật tuổi 83, chụp ảnh cùng em gái Juliana sau 65 năm xa cách (Ảnh: theatlantic)
Vậy là sau sinh nhật lần thứ 83 của Lola, tôi mua vé cho cô ấy về Philippine. Một tháng sau đó tôi đến để đón cô quay lại Mỹ - trong trường hợp cô ấy muốn thế. Thật ra, chuyến đi này còn là dịp để Lola xem sau nhiều năm, cô có còn cảm giác thân thuộc như xưa hay không. Rồi cô ấy đã tìm thấy câu trả lời: “Mọi thứ không còn như trước”. Trang trại cũ biến mất, ngôi nhà chẳng còn, bố mẹ, hầu hết anh chị em đã qua đời. Những người bạn ấu thơ còn sống thì trở nên xa lạ. Gặp lại họ thật tuyệt nhưng mọi thứ không còn như xưa. Cô ấy vẫn muốn trải qua những năm tháng cuối đời ở đây nhưng giờ thì chưa sẵn sàng. “Về với khu vườn của cô thôi”, tôi bảo, “Ừ, về nhà thôi”, Lola ngậm ngùi đáp lời.
Lola đã chăm sóc hai cô con gái của tôi hệt như cách chăm sóc anh chị em tôi khi bé. Sau giờ tụi nhỏ tan học, cô ấy sẽ nghe lũ trẻ kể chuyện và lao vào bếp nấu nướng thứ gì đấy cho chúng ăn. Không giống như vợ chồng tôi, Lola rất thích mỗi phút giây của những sự kiện, buổi biểu diễn ở trường. Dù không thể tham dự hết nhưng lần nào có mặt, Lola cũng được ngồi ở hàng ghế đầu.
Đi chơi đâu chúng tôi cũng dắt cô ấy theo và không chỉ những lúc đi chơi đâu, trông Lola giờ đây thực sự hạnh phúc.
Lola thậm chí còn tự học đọc chữ nữa. Nhiều năm liền, bằng cách nào đó Lola đã học cách phát âm chữ cái, giải những câu đố về từ vựng. Phòng cô ấy đầy những câu đố như thế. Mỗi ngày, Lola xem tin tức, cố gắng nghe và nhận biết từ ngữ. Cô tìm hiểu thêm trên mấy tờ bào và cố tìm ra ý nghĩa của chúng.
Suốt 12 năm Lola sống ở nhà chúng tôi, tôi có rất nhiều cơ hội để hỏi Lola về bản thân cô ấy, để cô ấy có thể kể về bản thân, về cuộc đời mình - điều tôi luôn muốn biết từ khi còn bé. “Lola, có bao giờ cô phải lòng ai đó chưa?”, tôi không giấu được sự tò mò. Lola cười rồi kể về chuyện tình của cô ấy khi mới 15 tuổi. Đó là một anh chàng điển trai tên Pedro ở nông trại gần nhà cô khi trước. Họ thu hoạch lúa cùng nhau suốt nhiều tháng liền rồi cô nảy sinh tình cảm. “Cô thích anh ta”, cô chậm rãi trả lời và rồi là một khoảng lặng... “Sau đó thì anh ta chuyển đi…”.
Cũng suốt những năm đó, tôi hiểu được rằng Lola cũng muốn điên lên khi mẹ tôi thô lỗ suốt những năm tháng sống cùng nhưng cô ấy vẫn rất nhớ mẹ tôi.
Thỉnh thoảng, khi Lola còn trẻ, cảm giác cô đơn đã khiến cô ấy không ít lần rơi lệ. Tôi biết cô ấy mong mình có được tấm chồng nhưng cô bảo với tôi rằng nhìn thấy những ông chồng của mẹ thì cô lại thấy cô đơn cũng không phải là điều tồi tệ. Cô ấy chẳng nhớ bất kì ai trong hai người chồng của mẹ. Có lẽ cuộc sống của cô ấy sẽ khá hơn nếu cô ở lại Mayantoc, kết hôn rồi lập gia đình như chị em cô ấy. Nhưng nó cũng có thể tệ hơn, ai có thể biết được.
Lola ở tuổi 82 (Ảnh: theatlantic)
Không ai trong chúng tôi chuẩn bị cho cái chết quá đột ngột của Lola.
Cô ấy lên cơn đau tim khi đang trong nhà bếp nấu bữa tối, còn tôi thì chạy ra ngoài làm vài việc vặt. Khi trở lại, cô ấy đã đau một lúc lâu rồi. Một vài giờ sau đó ở bệnh viện, trước khi tôi có thể chấp nhận mọi chuyện đang xảy ra, cô ấy đã ra đi - lúc 10 giờ 56 phút tối ngày 7/11. Tâm trí hoang mang, tôi chẳng nhớ được gì nhưng bọn trẻ đã bảo tôi rằng, Lola chết cùng ngày, cùng tháng với mẹ tôi, cách nhau 12 năm.
Vậy là ở tuổi 86, Lola đã ra đi. Tôi vẫn còn có thể nhìn cô ấy trên chiếc giường bệnh. Tôi nhớ mình đã nhìn vào những viên thuốc kế bên người phụ nữ nhỏ hơn cả một đứa trẻ này và nghĩ về cuộc đời của cô ấy. Cô ấy đã từ bỏ tất cả những ham muốn riêng để phục vụ, cống hiến hết mình cho chúng tôi, một sự trung thành tuyệt vời. Cô ấy đã trở thành một nhân vật được kính trọng trong gia đình đông đúc của chúng tôi.
Tôi mất vài tháng để dọn dẹp những vật dụng của cô ấy trên tầng gác mái. Tôi tìm thấy những công thức nấu ăn cô cắt ra từ mấy quyển tạp chí vào những năm 1970 - thời điểm cô ấy bắt đầu học đọc. Những quyển album có hình mẹ tôi, giải thưởng của anh chị em chúng tôi - những thứ chúng tôi thường vứt đi còn cô ấy thì cất giữ. Tim tôi như vỡ vụn khi thấy những tờ giấy báo đã vàng úa mà tôi đã viết từ rất lâu rồi. Lúc đó cô ấy chẳng biết đọc nhưng vẫn khư khư cất giữ chúng như bảo vật gia đình.
Ngôi nhà thời thơ ấu của Lola (Ảnh: theatlantic)
Chiếc xe của Doods chở tôi đến một căn nhà nhỏ, xung quanh là ruộng lúa xanh ngắt một màu như kéo dài bất tận. Xe đỗ xịch, tôi chưa kịp ra khỏi xe thì mọi người đã kéo nhau ra khỏi nhà ngó nghiêng. Doods bỏ dây an toàn, ngả ghế, đánh một giấc sau chuyến đi dài. Tôi quẩy túi lên vai, hít một hơi thật sâu rồi mở cửa bước ra.
“Đường này”, giọng nói dịu dàng vang lên, dẫn tôi đi vào căn nhà ấy. Có khoảng 20 người, già, trẻ có đủ nhưng hầu hết là đã khá lớn tuổi. “Lola đâu”, một giọng nói vang lên. Tôi chưa kịp định thần thì trong phút chốc một phụ nữ trung niên nở nụ cười, là Ebia - cháu gái Lola. Thì ra đây là nhà cô ấy. Cô ấy lại ôm tôi, rồi hỏi lại: “Lola đâu?”. Tôi mở túi, đưa chiếc hộp nhựa cho cô ấy. Trịnh trọng cầm chiếc hộp trên tay, cô ấy nhìn quanh rồi lại hỏi: “Lola đâu?”. Có lẽ mọi người ở đây không quen với việc hỏa táng người quá cố. Tôi đã không mang tro cốt của Lola đến sớm hơn vì tôi không chắc mọi người ở đây vẫn còn quan tâm đến cô ấy.
Nhưng rồi Ebia vẫn ôm khư khư chiếc hộp trong lòng, chậm rãi cúi xuống, đặt trán lên chiếc hộp và bắt đầu khóc. Vai cô ấy rung lên từng đợt và tiếng khóc ngày càng thảm thiết hơn, hệt như tiếng khóc của Lola lúc bị bố mẹ tôi mắng chửi mà tôi từng nghe vào những năm còn bé.
Tôi chưa kịp tiến đến an ủi Ebia thì một người phụ nữ đã vòng tay ôm Ebia, rồi cả hai bắt đầu khóc. Và rồi những người còn lại cũng khóc theo suốt 10 phút sau đó. Thẫn thờ nhìn khung cảnh đau thương quanh đây, tôi không nhận ra, nước mắt mình cũng đã rơi từ khi nào.
Nhìn vào chiếc túi trống rỗng mà trước đó đã đựng tro cốt Lola, tôi biết mình đang mang cô ấy về đúng nơi thuộc về.
Alex Tizon (sinh năm 1959) là một nhà báo người Mỹ gốc Philippine. Ông từng được trao giải Pulitzer - một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất. Ông còn là tác giả cuốn sách Big Little Man: In Search of My Asian Self .
Câu chuyện về cuộc đời của Lola (tên thật Eudcia Tomas Pulido) là tác phẩm cuối cùng trong cuộc đời Alex. Với tựa đề gốc My Family's Slave, tác phẩm sẽ được xuất bản trong ấn phẩm tháng 6/2017 của tạp chí The Atlantic.
Ông qua đời vào ngày 23/3/2017 vừa qua tại nhà riêng và đó chính là ngày đội ngũ biên tập viên của The Atlantic quyết định chọn My Family's Slave sẽ xuất hiện trên trang bìa tạp chí, nhưng rất tiếc, họ vẫn chưa kịp thông báo với ông điều này.
(Nguồn: theatlantic)