Phận bạc người phụ nữ cả đời làm osin (P2): Vỡ mộng ở Dubai, làm việc 22/24, cả ngày chỉ ăn 1 bữa cơm thừa
Số phận đẩy đưa, chị sang Dubai làm giúp việc, nhưng xứ sở mà người ta bảo ăn xin cũng có thể là tỷ phú ấy không đem lại hạnh phúc cho chị. Suýt chút nữa, chị không còn mạng để trở về nhà.
Cuộc hồi sinh ngoạn mục sau cú sốc mất chồng
Trở về với thế giới loài người, chị Thơ đồng thời quay lại với nghề giúp việc. Lần này chị chọn làm lao công ở bệnh viện Nhiệt Đới, TP.HCM, bởi chị tin, làm việc ở bệnh viện sẽ cho chị hiểu hơn về cái chết, về những phút giây sinh tử của đời người, nó sẽ giúp ích cho dấu chấm hết cuộc đời của chị vào một ngày không xa. Dấu chấm hết chỉ xuất hiện khi câu đứng trước nó có đầy đủ ý nghĩa, chị phải tìm ra và viết ra ý nghĩa của câu chuyện cuộc đời mình, trước khi đặt vào đó một dấu chấm hết để đi vào cõi chết mênh mông.
Vậy mà trái với những suy nghĩ ban đầu của chị, làm lao công ở bệnh viện, trong ngay cái khoa nhiễm E bệnh viện Nhiệt Đới, nơi chữa trị những bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ HIV đã giúp chị hồi sinh.
"Mỗi ngày chị đều chứng kiến những bệnh nhân còn rất trẻ nhưng xanh xao ốm yếu vì sida, nhìn nhau rồi cười buồn, rồi kể về cuộc đời thăng trầm dại dột của mình, về những lầm lỗi, không kịp báo hiếu cho cha mẹ mà phải nằm đây chờ chết. Tụi nó cứ đi ra đi vô lủi thủi, không gia đình, không người thân, có người còn chết trước mặt chị mà không ai nhỏ một giọt nước mắt. Thấy tụi nó, chị mới hiểu cuộc sống đáng trân trọng đến chừng nào".
Rồi như cơn mưa rào sau một mùa hạn khô khốc, chị Thơ như sực tỉnh, và dặn mình phải sống tiếp để kết nối lại với cuộc đời, hoàn thành trách nhiệm báo hiếu ba mẹ.
Sau đó, vô tình chị có gặp lại mối tình đầu hơn 10 năm trước của mình. Chị nghĩ chắc anh cũng có vợ con rồi, nên chỉ chào hỏi qua loa xong thôi. Ai ngờ, anh tìm cách lại gần chị hơn vì: "Ảnh nói ảnh chưa có gia đình, vì ngoài chị ra, ảnh không thương ai hết. 10 năm qua anh vẫn mong ngóng chị, có tìm hiểu chị sống thế nào, cũng biết chị có một đời chồng hụt mà vẫn tìm đến chị. Cảm động lắm em. Một người đàn ông chờ một người đàn bà qua bao nhiêu năm đó, sao mà không cảm động cho được".
Ước mơ về một gia đình trước kia lại trỗi dậy, với lời hứa của anh: sẽ bù đắp cho chị ước mơ hao hụt đó, để chị có thêm trách nhiệm, có thêm khao khát và mục đích sống. Anh sẽ cho chị một mái nhà, một đứa con, một hạnh phúc bình thường như bất kỳ người đàn bà bình thường nào cũng đáng có.
Thế là, họ nối lại tình xưa với danh nghĩa vợ chồng mà không có một cái đám cưới nào, dù gia đình anh vẫn kiên quyết ngăn cấm. Anh chị sống trong một căn nhà thuê, anh làm tài xế, chị làm giúp việc. Sáng anh đi làm, chị nấu cơm cho anh mang theo rồi cũng đi làm. Chiều thì về cùng nhau ăn cơm, nói chuyện, xem tivi.
Rồi chị vỡ òa trong hạnh phúc khi hay tin mình có thai, vậy là chị đã có một gia đình đúng nghĩa. Nhưng cái kết ngọt ngào này cũng không hề được gia đình anh chấp nhận.
Chị nói, trong một ánh mắt buồn buồn:"Ba má chồng chị nhất định không chịu nhận dâu, dù cháu thì ông bà cũng đã chấp nhận. Ngày chị sanh nở, bên anh không hề có một người thân nào đến. Mãi đến khi ông bà qua đời, chị cũng không được về để tang hay thắp một nén nhang cho ra bổn phận dâu con. Chị như sống ngoài lề cuộc đời họ, con của anh như từ cục đá chui lên, chứ không phải từ bụng chị vậy. Chị cũng buồn nhưng đành chấp nhận thôi".
Con trai chị càng lớn càng đáng yêu, kháu khỉnh. Đương nhiên, chị thương nó hết lòng, chiều con như trứng mỏng. Thằng bé giờ đã học lớp 3, vẫn con nít lắm, chưa hiểu nỗi lòng mẹ. Chị Thơ lại cười mà kể: "Con nói với chị là lớp nó không có bạn bè nào có cha mẹ làm cái nghề giúp việc như chị hết, đó là nghề hèn nhất xã hội. Trời ơi, mình đi làm cực gần chết để nuôi nó mà nó nói vậy. Chị buồn ghê lắm, mà thôi, trách chi con nít, vài ba năm nữa nó hiểu à...".
Và sau lần đó, chị cứ nghĩ, phải chi mình giàu, phải chi mình có nhiều tiền để dừng làm cái công việc giúp việc mà con coi là hèn mọn này lại, để nó cũng đỡ phải mắc cỡ với bạn bè khi nói về mẹ...
Cơn ác mộng tại xứ sở "ăn xin cũng là tỷ phú" Dubai: bị bóc lột đến kiệt sức, mỗi ngày chỉ ăn 1 bữa cơm thừa
Chính cái suy nghĩ vu vơ về chữ "giàu" đó đã vô tình báo cho chị một dự cảm buồn về cơn ác mộng sắp tới với chị. Đầu năm 2016, chị được một công ty môi giới việc làm giới thiệu đi làm giúp việc ở Dubai, vùng đất luôn được truyền thông là ăn xin cũng có thể trở thành tỷ phú. Mang theo ước mơ làm giàu, chị đi Dubai thật. Ngày chị đi, chồng nhìn chị bất an, dặn chị đi vài tháng rồi về với con và anh. Chị khẽ gật đầu, ôm giấc mộng lớn lên máy bay.
Sang Dubai, chị được đưa đến làm việc tại một gia đình chỉ có hai vợ chồng, người vợ làm giáo viên, còn người chồng thì nghề gì không rõ. Hay tin người vợ làm giáo viên, chị cảm thấy an tâm phần nào, bởi dù không được học nhiều, trong suy nghĩ của chị, những người làm nghề giáo luôn cao đẹp và nhân hậu, thời nào cũng vậy, nước nào cũng vậy.
Nhưng cho đến bây giờ, ngồi đối diện với tôi kể lại cơn ác mộng ở Dubai, chị vẫn không thể nào hiểu được do sốc văn hóa, do chị ít học, hay một lý do gì khác mà chị đã phải chịu một nỗi cô đơn, cực khổ tới tận xương tủy đến thế.
Chị Thơ nói, chị phải phục vụ cho gia đình đó gần như là 24/24, ngủ được 1 - 2 giờ trong ngày, mà cũng trong chập chờn vì chủ có thể đánh thức bất cứ lúc nào. Một ngày của chị luôn luôn bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng với công việc quét sân, quét cho đến khi nào trên sân không còn một hạt cát. Mà khổ nỗi, Dubai thì nhiều gió nhiều cát, có khi vừa quét xong, gió tạt ngang cát đầy trên sân, chị phải cắn răng quét lại.
Một việc cũng nặng nhọc không kém là giũ thảm - những cái thảm to và nặng hơn cân nặng của chị, trầy trật lắm chị mới giũ được hết. Công việc lau rửa, dọn dẹp nhà cũng khá vất vả, vì chủ yêu cầu làm chính xác và sạch sẽ mọi lúc mọi nơi, nhiều lúc, cái ly vừa rửa xong, 5 phút sau chủ bắt chị phải rửa lại cho… đảm bảo.
Hì hục đến trưa thì nấu nướng, dọn cơm lên cho chủ. Chủ ăn trước, giúp việc ăn sau. Mà ăn sau đã đành, chủ còn bắt chị ăn thức ăn thừa còn sót lại sau bữa cơm tươm tất của họ. Buổi chiều là thời gian lau bàn phấn, lau bàn ghế, tủ, sàn nhà, cầu thang, giặt giũ… cho đến khi tất cả sáng bóng.
Đến tối khuya, chừng nửa đêm chị mới ngơi tay, nhưng cũng không ngơi nổi. "Thiệt, nói chủ ác thì kỳ, vì người ta thuê mình nên người ta có quyền. Nhưng em tin nổi không, nửa đêm cuối năm, mùa đó ở Dubai đêm lạnh thấu xương, họ tháo đôi vớ ra cũng kêu chị dật, bắt ra ngoài giặt liền, mà phải giặt tay và không được dùng bao tay vì sợ xước vớ. Chị lạnh tới mức, sau hai ba đêm như vậy, da tay chị nứt ra, chảy máu".
Ác mộng nhất là khi bà chủ cao hứng làm bánh. Làm một cái bánh nhỏ xíu mà dùng gần 30 cái muỗng, hàng chục cái đĩa và đủ loại dụng cụ. Bột bánh rơi rớt khắp nơi. Nhìn vào cái bếp ngổn ngang, chị còn không biết bắt đầu dọn từ đâu. Rồi cả những khi lễ hội ở Dubai, nhà nào nhà nấy cũng đều ăn uống linh đình, khách khứa tới chơi ăn tiệc. "Mấy ngày đó chị toàn thức trắng đêm dọn dẹp, nhiều khi sốt, chủ còn không cho nghỉ tay mà".
Tất cả những cay cực ấy, chị chịu hết, để đổi lại 9 triệu tiền lương gửi về nhà. Nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con thôi thúc, chị đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Không được phép dùng điện thoại trong giờ làm việc, nhiều khi chị cũng muốn hỏi thăm chồng con ra sao, nhưng tranh thủ lắm thì cũng được 5 phút để nói với con là "mẹ ổn", rồi lại gập máy đi làm kẻo chủ phát hiện.
Những nỗi tủi thân vất vả nơi xứ người lên đến đỉnh điểm, chị trốn ra ngoài để thử tìm lại chi nhánh công ty đã đưa chị sang Dubai, mong mỏi được về lại quê hương. Gặp họ, chị cay đắng mím môi muốn bật máu khi được một người trong công ty nói: "Chết đi, hỏa thiêu rồi mang tro về cho gọn".
Chị giận dữ, hoảng loạn. Chị không còn sợ cái chết nữa rồi, nhưng ít ra có chết chị cũng phải chắc chắn là mình được chết ở quê hương, chết sau khi thấy mặt con trai và chồng. Cái chết của chị không còn ý nghĩa gì nữa nếu nó chỉ còn lại một nắm tro khô, đựng trong một cái hộp nhựa được đặt đâu đó trên máy bay về nhà mà không ai biết rằng trong đó có một sinh mệnh từng trải qua bao nhiêu đau khổ. Chị tìm mọi cách để về nhà, bằng xương bằng thịt, bằng ý thức của một người vợ, một người mẹ.
Và cũng chính bằng khát khao đó, bằng thiên tính của một người đàn bà đi qua muôn vàn khổ đau, chị được một người Việt tốt bụng tranh đấu cho cuộc hành trình về nhà. Sau nhiều lần làm việc với những con chữ mà chị không biết đánh vần ra sao, chị được trả tự do.
Hiện tại sau cơn "ác mộng": trở về với nghề giúp việc, vui với những thứ nho nhỏ bên mình
Trở về nhà đã hơn nửa năm, chị Thơ vẫn chưa hết ám ảnh. Thi thoảng chị vẫn nằm mơ thấy tiếng chủ gõ cửa kêu ra ngoài giặt vớ. Tiếng gõ cửa đều đặn, cấp bách và vô tận như tiếng trống giục nô lệ chèo thuyền thuở xưa, nếu không chèo thì bị đánh... Chị khóc trong giấc mơ, mà sao nước mắt chảy đến tận hiện thực, ướt cả gối nằm.
Chị tự nhủ, sau lần ấy, sẽ không còn một lần nào mình dám liều mạng ra nước ngoài để đi tìm những thứ hạnh phúc không có thật được đo bằng tiền nữa. Hạnh phúc là đây, là ngay trong ngôi nhà mà chị đã có, sau những lần dở dang mơ ước. Trong ngôi nhà ấy, có con trai chị, cậu bé mới học lớp 3, có người đàn ông dám quay lưng với gia đình, đợi chờ chị hơn 10 năm rồi mang đến cho chị sự kết nối với cuộc đời, trong những ngày tháng chị suy sụp nhất. Vậy thì chị cần gì hơn?
"Người ta nói chị tham nên mới chịu nhiều chông gai như vậy. Đúng là chị tham, nhưng là tham hạnh phúc. Chị muốn mình có hạnh phúc nhiều hơn. Có điều, chị vừa tham, vừa dở, cái dở của chị là cứ nghĩ hạnh phúc có được khi có tiền, để rồi chạy theo đồng tiền mà quên mất, hạnh phúc cuộc đời, chị đã có trong tay".
Hiện tại, chị Nguyễn Kim Thơ vẫn ở TP. HCM, đang làm giúp việc cho một gia đình ở quận 7. Chẳng biết có phải khổ trước sướng sau hay không, mà chị Thơ khoe, cuộc sống của chị đang rất êm đềm, gia đình chủ hiện tại tâm lý, nhẹ nhàng, rất yêu thương chị. Công việc cũng không có gì nặng nề, sáng đi làm, lau dọn, nấu ăn, tưới cây chăm vườn một chút, đến chiều chị lại được về bên con, bên gia đình.
Câu chuyện của chị Thơ kết thúc vào một buổi chiều hè có sương như vậy. Buổi chiều hôm đó, tôi thấy thật thanh bình, một nỗi thanh bình tôi chưa từng biết. Trong vài giây thật ngắn ngủi, tôi đã thấy tôi không còn là tôi, tôi đã tan ra, hòa vào dòng hồi ức của chị. Đúng rồi, tôi phải sống, sống như chị…