Phạm Văn Cách, Chủ tịch Công ty Sơn Lâm đã hối lộ 71 tỷ đồng để đưa thuốc vào bệnh viện thế nào?
Ông Phạm Văn Cách đã đưa hối lộ hơn 71 tỷ đồng để không bị gây khó khăn trong việc cung cấp thuốc.
Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đưa hối lộ, nhận hối lộ” liên quan đến Công ty Cổ phần Y Dược LanQ cùng các đơn vị có liên quan.
Theo quy định hiện hành, các cơ sở y tế tư nhân không được tổ chức đấu thầu trực tiếp mà phải mua thuốc dựa trên kết quả đấu thầu do Sở Y tế hoặc các cơ sở y tế công lập thực hiện. Dựa trên điều này, ông Nguyễn Mạnh Quyền – nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Y Dược LanQ – đã thỏa thuận với ông Phạm Văn Cách, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dược Sơn Lâm, nhằm tổ chức đấu thầu để chọn nhà cung cấp thuốc.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Y dược LanQ Nguyễn Mạnh Quyền (trái) và bị can Phạm Văn Cách. Ảnh: Báo CAND
Theo kế hoạch, Công ty Sơn Lâm sẽ “hỗ trợ” Công ty LanQ bằng các thủ đoạn gian lận, để Công ty Sơn Lâm trở thành đơn vị duy nhất trúng thầu với mức giá cao nhất có thể dựa trên năng lực của hai bên. Mục đích là hợp thức hóa giá thuốc đầu vào ở mức cao, từ đó thanh toán với số tiền lớn từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang, đồng thời chia sẻ lợi ích thu được.
Qua tài liệu thu thập, Cơ quan An ninh điều tra xác định bị can Phạm Văn Cách, với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Sơn Lâm, đã cấu kết cùng bị can Nguyễn Mạnh Quyền thực hiện hành vi gian dối, lừa đảo, chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và người dân đồng chi trả. Hành vi của hai bị can này đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong quá trình điều tra mở rộng, Cơ quan An ninh điều tra còn làm rõ hành vi “Đưa hối lộ” của Nguyễn Mạnh Quyền và Phạm Văn Cách. Để tạo thuận lợi cho việc giải ngân tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Công ty LanQ, ông Quyền đã chỉ đạo bà Nguyễn Kim Thúy đưa hối lộ 700 triệu đồng cho ông Thân Đức Lại – nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Phạm Văn Cách, bị can Lê Văn Tình – Phó Giám đốc Công ty Sơn Lâm – đã có hành vi thỏa thuận, đưa hối lộ hơn 10 tỷ đồng cho các cá nhân có thẩm quyền tại một số bệnh viện, trung tâm y tế nhằm đảm bảo việc cung cấp thuốc của Công ty Sơn Lâm không bị cản trở.

Các bị can trong vụ án. Ảnh: Báo Tiền Phong
Cơ quan An ninh điều tra xác định, hành vi của Lê Văn Tình phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đồng thời là đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Mạnh Quyền trong tội “Đưa hối lộ”.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra mở rộng, Bộ Công an cũng phát hiện nhiều hành vi “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại một số bệnh viện và trung tâm y tế trên toàn quốc.
Mặc dù Công ty Sơn Lâm đã trúng thầu hợp pháp, để đảm bảo thuận lợi trong quá trình cung cấp thuốc, bị can Phạm Văn Cách đã chi hơn 71 tỷ đồng tiền hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền thuộc bệnh viện và trung tâm y tế trong giai đoạn trước, trong và sau khi thực hiện hợp đồng.
Trong số này có bị can Huỳnh Nguyễn Lộc – nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, người có thẩm quyền quyết định trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua thuốc phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại viện. Ông Lộc đã nhận hối lộ hơn 47 tỷ đồng từ Phạm Văn Cách để tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Sơn Lâm trong việc cung cấp thuốc vào viện.
Tương tự, bị can Trương Thị Thu Hương – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, có thẩm quyền quyết định các hợp đồng mua thuốc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện – đã yêu cầu Phạm Văn Cách chi trả “hoa hồng” từ 10% đến 30% trên mỗi hóa đơn mua bán (chưa bao gồm thuế VAT), qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của bà hoặc người thân. Tính đến lúc bị bắt, bà Hương đã nhận hơn 10 tỷ đồng.