Phải nhập viện vì vợ nói quá nhiều
Nàng nói nhiều đến mức mẹ chồng ngạc nhiên: “Con không để miệng lên da non à?”.
Một trong những nỗi kinh hoàng của người đàn ông có vợ là gặp phải cái “loa phát thanh” di động, nhưng càng khốn khổ hơn, khi cái loa ấy bị gỉ sét, cứ khèn khẹt suốt ngày dài lại đêm thâu. Hoàng là điển hình của gã đàn ông “bạc phận” ấy.
Thời yêu nhau, Hoàng bị chinh phục bởi tính tình sôi nổi, cởi mở của Miên. Anh nghĩ, người như vậy sẽ luôn mang lại tiếng cười cho ngôi nhà. Miêu cởi mở thật, thế nên khi chính thức là bà chủ một gia đình, nàng không quên phát huy năng khiếu “nói” của mình. Nàng nói nhiều đến mức mẹ Hoàng ngạc nhiên: “Con không để miệng lên da non à?”. Bất cứ chuyện gì, việc gì, của mình, của chồng con hay chẳng liên quan gì đến bản thân, Miên đều tham gia, có ý kiến và tranh cướp luôn diễn đàn.
Ban đầu mọi người cũng vui vì thấy Miên quan tâm, dễ gần; nhưng dần dà, Miên không chỉ nói. Nàng bắt đầu bình phẩm, khen chê và càu nhàu cảu nhảu đủ thứ chuyện, từ việc mẹ chồng ăn cơm thường làm rớt thức ăn ra ngoài (bà đã ngoài 70 tuổi, tay chân yếu rồi, Hoàng đã nói nhiều lần với vợ như thế, nhưng nàng không chấp nhận); chuyện bà hàng xóm hôm qua tưới cây cảnh làm bắn cả nước sang hè nhà Hoàng (anh đã dàn hòa rằng cũng chỉ có tí nước, mà lại bắn vào ngay cây nguyệt quế nhà mình, thế lại hay, nhưng nàng lại bảo: ai khiến!); tới những chuyện “vĩ mô” hơn là công ty Hoàng vừa thay đổi màu cà vạt, từ xanh dương chuyển sang dùng màu cánh sen, trông chói cả mắt… không chuyện gì Miên không đay đi đay lại. Hoàng nhức đầu vì cứ phải nghe vợ ca bài ca không biết chán, nhưng anh càng mệt mỏi hơn khi cứ phải căng ra tìm cách đối phó với việc Miên không hài lòng.
Cho đến một chiều, Miên đang tổng hợp kế hoạch doanh thu của phòng thì nhận điện thoại của Hoàng: anh phải cấp cứu vì bất ngờ té xỉu khi đang chạy xe. Bác sĩ chẩn bệnh: Hoàng bị rối loạn tiền đình do stress. Nằm bệnh viện một tuần, bệnh của Hoàng không thuyên giảm mà có chiều hướng tăng lên. Bác sĩ ngạc nhiên khi biết Hoàng không hề bị áp lực trong công việc, ngược lại, anh luôn được cấp trên, đồng nghiệp tin cẩn, tôn trọng.
Hỏi ra mới hay, vào chăm chồng mà Miên xét nét đủ thứ, chê bệnh viện sao mà đông như kiến cỏ, thở không nổi; cái giường chông chênh thế này làm sao nằm thoải mái; cái cô y tá thăm bệnh cho bệnh nhân mà mặt cứ tươi hơn hớn, bộ tính chuyện mờ ám sao chứ; Hoàng bệnh thì cũng ráng ăn chứ Miên nấu cháo tôm, cháo thịt bò, rồi cháo nghêu, cháo nấm… rất khổ công mà lại bảo ngán là sao; rối loạn tiền đình thì cái đầu chao đảo, cái thân chếnh choáng đi không vững, vậy mà bác sĩ lại cứ bắt tập đi lại là thế nào… Miên chê cái này, cằn nhằn cái kia đến mức ông già nằm cùng phòng với Hoàng xin bác sĩ cho đổi phòng. Hoàng dở khóc dở cười vì cái bệnh khó chữa của vợ.
Xuất viện về nhà, Hoàng ra “tối hậu thư”: “Miên phải điều chỉnh lại “âm lượng, thời lượng, âm sắc” của “chương trình phát thanh”, nếu không Hoàng sẽ “di tản” cả nhà, cho “đài phát thanh” của Miên ế ẩm, không thính giả”. Bị cả mẹ chồng và hai đứa con “tấn công”, Miên ậm ừ hứa sẽ sửa chữa. Được hơn một tuần thì “bệnh” lại tái phát, Hoàng ôm đầu kêu cứu bác sĩ: “Có thuốc gì chữa bệnh cho vợ tôi không?”. Bên kia đầu dây, bác sĩ vò đầu bứt tóc: “Bệnh đó không thuộc chuyên môn của tôi!”.