Phải làm thủ tục gì để đưa được bé gái 12 tuổi mang thai ở Trung Quốc về Việt Nam?

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Kể cả trường hợp gia đình cháu bé chấp nhận người đàn ông kia thì hành vi của người đàn ông vẫn là trái với quy định pháp luật Việt Nam, trái thuần phong mỹ tục và đạo đức của người Việt Nam.

Câu chuyện về bé gái 12 tuổi mang thai với người đàn ông Trung Quốc được cảnh sát nước sở tại phát hiện đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong nước mọi người đều mong muốn bé gái này được đoàn tụ với gia đình ở Việt Nam. 

Ngay sau khi vụ việc trên được đăng tải trên các phương tiện thông tin, cơ quan chức năng của Việt Nam đang vào cuộc để xác minh nhân thân của cháu bé và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Trung Quốc. Vậy trong trường hợp này làm thế nào để đưa cháu bé về Việt Nam và người đàn ông được gọi là “chồng” của cháu bé bị xử lý như thế nào? 

ls Trương Quốc Hòe
Luật sư Trương Quốc Hòe

Về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) dưới góc độ pháp lý.

PV: Thưa Luật sư, để có thể đưa cháu bé từ Trung Quốc về lại Việt Nam thì cần phải làm thủ tục gì?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Trong trường hợp, qua điều tra, xác minh xác định cháu bé có quốc tịch Việt Nam và cháu đã bị đưa sang Trung Quốc một cách bất hợp pháp thì cháu bé sẽ được trao trả về Việt Nam. Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT – BCA – BQP – BLĐTBXH – BNG hướng dẫn trình tự thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán thì trình tự thủ tục trao trả cháu bé về Việt Nam được quy định như sau:

Trường hợp nạn nhân đã được giải cứu hoặc người tự khai là nạn nhân đến trình báo tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:

- Tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, thu thập tài liệu liên quan đến việc nạn nhân bị mua bán và các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh Việt Nam.

- Hướng dẫn nạn nhân kê khai vào Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về (mẫu Tờ khai tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này). Nếu nạn nhân là trẻ em hoặc người không có khả năng tự kê khai thì cán bộ tiếp nhận ghi lại theo lời khai của họ.

Trường hợp đủ căn cứ để xác định là công dân Việt Nam và là nạn nhân thì thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân và phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân; cấp giấy thông hành cho nạn nhân về nước đối với những trường hợp không có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ ...

Như vậy, để đưa cháu bé từ Trung Quốc về Việt Nam thì:

- Trước tiên, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc cấp giấy thông hành để cháu bé về nước nếu em không có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ. Bên cạnh đó, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam cũng cần phải thực hiện các thủ tục cần thiết như bố trí phương tiện, thị thực xuất cảnh và phối hợp với cơ quan chức năng của Trung Quốc tổ chức cho cháu bé có thể về nước một cách nhanh chóng và an toàn. 

Đồng thời, thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh về phương tiện, thời gian, cửa khẩu nhập cảnh; chi tiết nhân thân, số và loại giấy tờ xuất nhập cảnh của cháu, của nhân viên sở tại đi cùng cháu (nếu có) trước khi cháu nhập cảnh ít nhất năm ngày.

- Thứ hai, Cục quản lý xuất nhập cảnh ở trong nước có trách nhiệm thực hiện việc xác minh, xác định nạn nhân. Sau đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm trả lời cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc và đồng gửi văn bản cho phía Lãnh sự để phối hợp giải quyết.

- Thứ ba, Cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam tổ chức tiếp nhận cháu trở về qua cửa khẩu sân bay quốc tế hoặc qua cửa khẩu đường sắt, đường bộ, cảng biển. Cháu bé sẽ được đưa về gia đình. Trường hợp cháu có nguyện vọng lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi có cửa khẩu sẽ tiếp nhận hồ sơ để giải quyết cho cháu. 

Sau khi giải quyết xong phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi cháu về cư trú để quản lý, theo dõi.

bé gái 12 tuổi
Cảnh sát Trung Quốc xác định bé gái 12 tuổi là người Việt Nam

PV: Người đàn ông được gọi là “chồng” của cháu bé có bị xử lý hình sự hay không thưa luật sư? Nếu gia đình cháu bé “chấp nhận” người đàn ông kia là chồng của con gái mình thì có được hay không?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Ở đây, theo kết quả xác minh cho tới thời điểm hiện tại thì người đàn ông được gọi là “chồng” của cháu bé đã có hành vi giao cấu với cháu bé làm cho cháu bé mang thai (chưa xác định được người đàn ông có vai trò trong việc đưa cháu bé qua biên giới hay không). Theo thông tin cho tới thời điểm này thì hành vi của người đàn ông xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc (ngoài lãnh thổ Việt Nam). Do đó, hành vi của người đàn ông sẽ bị xử lý theo pháp luật Trung Quốc.

Mặt khác, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì: “Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.”.

Theo quy định trên thì hành vi của người đàn ông Trung Quốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam nếu đã được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hoặc tham gia.
 
Hiện nay, về vấn đề hình sự, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự ngày 19/10/1998. Tuy nhiên, trong Hiệp định này chưa quy định các vấn đề pháp lý về dẫn độ tội phạm. Trong các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia, ký kết cũng chưa có điều khoản cụ thể về xử lý đối với trường hợp này. Vì vậy, người đàn ông Trung Quốc được gọi là “chồng” của cháu bé sẽ bị xử lý theo pháp luật Trung Quốc.

Về việc gia đình cháu bé chấp nhận người đàn ông kia: Cần phải lưu ý rằng ở đây phải xác minh chính xác tuổi thật của cháu bé là bao nhiêu, vì ở đây mới chỉ có thông tin là cháu bé 12 tuổi chứ chưa có giấy tờ xác minh. Mà theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam thì con gái từ đủ 18 tuổi trở lên mới đủ tuổi kết hôn. Do đó, kể cả trường hợp gia đình cháu bé chấp nhận người đàn ông kia thì hành vi của người đàn ông vẫn là trái với quy định pháp luật Việt Nam, trái thuần phong mỹ tục và đạo đức của người Việt Nam.

Xin cảm ơn luật sư!

Chia sẻ