Phác thảo bức tranh tình dục trong đô thị

,
Chia sẻ

Trước đây chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân đối với người Việt là một việc làm rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngày nay mọi chuyện đã thay đổi.

Tình dục là lĩnh vực cơ bản trong đời sống mỗi người, không chỉ duy trì, phát triển nòi giống mà còn là một phần quan trọng trong văn hóa. Với truyền thống của người Việt Nam, tình dục là vấn đề tế nhị, là sự hòa hợp giữa lý trí và tình cảm, sự chín muồi của tình yêu nam nữ... Vì vậy, trước đây chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân đối với người Việt là một việc làm rất nghiêm trọng, chẳng những ảnh hưởng xấu đến bản thân mà còn ảnh hưởng thanh danh của gia đình, dòng họ và hàng xóm láng giềng. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi.

“Free love” - tự do tình yêu, tình dục
 
Ngày nay, quan niệm về tình dục đã có sự thay đổi nhất định và những diễn biến phức tạp, nhất là trong bộ phận của giới trẻ. Họ xem nhẹ vấn đề hôn nhân và gia đình, đề cao kiểu sống thoáng, sống thử, sống gấp, quan hệ tình dục trước và ngoài hôn nhân... Theo bác sĩ Nam Liên, chủ một phòng khám ở Hà Nội: “Vài năm lại đây, các em gái đi nạo phá thai ngày càng trẻ hơn, đa số còn học cấp II, tuổi từ 14, 15”. Và bà cho biết thêm: “Bà mẹ trẻ nhất đi nạo phá thai chỉ mới 13 tuổi, một số em khác đã đến phòng khám nạo phá thai hơn một lần”.
 
Theo một nghiên cứu của UBDS,GĐ&TE, có khoảng 300.000 ca nạo phá thai mỗi năm, trong số đó có đến 30% phụ nữ, trẻ em chưa lập gia đình. Theo TS Đinh Văn Liên (Viện NCPT TP.HCM), lứa tuổi dậy thì của các em sớm hơn lúc trước, càng lúc càng trẻ hơn. Nếu như trước đây tuổi 18 - 20 mới bắt đầu tìm hiểu về tình dục, thì nay chỉ mới 13, 14 tuổi. Không những vậy, theo một điều tra khác của UBDS,GĐ&TE, độ tuổi trung bình của người trẻ bắt đầu có quan hệ tình dục là 14 tuổi, thay vì 19 tuổi như trước kia.
 

Lớp trẻ ngày nay có những thay đổi, không còn coi vấn đề trinh tiết là quan trọng, họ hồn nhiên nói về chuyện quan hệ tình dục, hay thuê nhà ở chung trước hôn nhân, rồi những cặp đôi 8X, 9X dập dìu đi nhà nghỉ... những việc mà cách đây 10 năm còn là điều cấm kỵ trong một xã hội đặt nặng giá trị truyền thống gia đình. Đây là một thực tế đáng báo động và cần sự quan tâm của toàn xã hội.

Quan niệm của lớp trẻ hiện nay về tình yêu tình dục có thể gọi là “free love” - tự do tình yêu, tình dục, tự do lựa chọn, tự do dâng hiến cho nhau trong sự yêu mến và kính trọng nhau. Họ quan niệm rằng với “free love” thì họ mới có thể sống với nhau thật thoải mái, tự nguyện, cho nhau, khám phá nhau và cùng nhau hưởng khoái cảm hạnh phúc. Và nếu không hợp thì chuyện xa nhau là bình thường. Do vậy, yêu nhau, đến với nhau hiện nay là giới trẻ sống với nhau thực sự chứ không phải “sống thử” và sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả đối với lễ nghi phong kiến gia đình, với đạo đức truyền thống mà họ cho rằng còn rất bảo thủ. Gia đình với năm chức năng là: Sinh sản, kinh tế, giáo dục, tâm lý tình cảm và bảo vệ chăm sóc sức khỏe để sản sinh ra những con người cho thế hệ tiếp theo là điều đương nhiên nhưng không phải ai cũng nghĩ đến, và hầu như giới trẻ chưa chuẩn bị đầy đủ cho mình.

Kém hiểu biết cộng thêm với những thúc bách tự nhiên về tìm hiểu tình dục đôi khi còn dẫn đến những hành vi sai lạc về tình dục của giới trẻ. Theo Krafft Ebing, nhà tâm thần học nổi tiếng từ thế kỷ XIX trong tác phẩm mang tên Tâm lý bệnh tình dục (1886), mô tả những hiện tượng tình dục quái đản. Ông trở thành “cha đẻ” của ngành khoa học này và là người đầu tiên đưa những lý thuyết để giải thích nguyên nhân. Người ta còn hiểu biết hơn về hành vi tình dục sai lạc nhờ những nghiên cứu của Freud Bloch và nhiều người khác. Người ta coi hành vi tình dục sai lạc là những triệu chứng của sự đồi trụy. Tình dục suy đồi là có thực nhưng chỉ là một số nhỏ so với vô vàn những hành vi sai lạc ở những mức độ khác nhau. Những biểu hiện của hành vi tình dục sai lạc rất đa dạng, dùng bạo lực để đạt được khoái cảm, chịu đựng sự hành hạ để có khoái cảm, bái vật, phô bày những vật thể liên quan đến quan hệ tình dục, tình dục đối với trẻ em, loạn luân... Ngoài ra, còn có những biểu hiện khác trong quan hệ tình dục như bạo lực trong tình dục, thú tính, hành hạ để có khoái cảm...

Có thể nói rằng trong thế giới ngày nay một bộ phận giới trẻ có thể sống theo ý mình mong muốn nhưng lại không biết yếu tố phòng ngừa để giảm thiểu được tai hại trước những hoạt động tình dục thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết.
 
Ý thức trẻ em Việt Nam thua Thái Lan và Lào
 
Th.s Nguyễn Thị Mỹ Linh (Viện NCPT TP.HCM) cho biết kinh nghiệm của một giáo viên trong thực tế giảng dạy và tiếp xúc của mình thì hơn 60% học sinh cấp II, đặc biệt là khối lớp 8-9, đã hiểu biết thế nào là quan hệ nam nữ; và trong cuộc khảo sát của báo Tuổi trẻ thực hiện trên 408 bạn từ 16 - 21 tuổi (độ tuổi lớp 10 đến năm thứ 2 đại học), hiện đang học ở 3 trường trung học phổ thông và 3 trường đại học ở TP.HCM, chiếm 16% tỷ lệ các em có quan hệ tình dục. Trong số bạn “có”, thì học sinh cấp trung học phổ thông chiếm đến 90,32%, với tỷ lệ nam là 74,19%, nữ là 25,81%.
 
Hiện tượng sống thử, sống trước hôn nhân trong giới trẻ cũng rất phổ biến; nhóm nghề nghiệp nào cũng có những người trẻ đang chung sống trước hôn nhân, nhưng hiện tượng này rõ nét và tập trung hơn ở giới công nhân trẻ, chiếm 42,5%, kế đến là giới nhân viên văn phòng, trí thức chiếm 33,8%. Nhà xã hội học và văn hóa học người Mỹ, bà Barbara Dafoe Whitecheas, đã viết trên tờ U.S.NEWS And WORLD REPORT: “Tình yêu lén lút và tình dục bất cập vốn là hai trong những thuộc tính lâu đời nhất của loài người, đặc biệt ở tuổi vị thành niên. Từ đó sẽ nảy sinh nhiều tệ hại về giới tính nói riêng và xã hội nói chung. Xét dưới góc độ giáo dục, những điều đó có nguyên nhân trực tiếp từ việc chưa coi trọng hoặc chưa làm tốt việc giáo dục giới tính ở nhà trường, gia đình và xã hội”.

Một khảo sát mới đây của Văn phòng châu Âu thuộc Tổ chức Bảo vệ sức khỏe thế giới - VOZ (công bố vào tháng 8/ 2008) cho thấy sự bùng nổ của yêu đương tự do và tình dục bất cập trong giới trẻ vị thành niên ở các nước châu Âu. Theo đó, xấp xỉ 53% các nữ sinh tuổi 15 ở nhiều nước (Áo, Tây Ban Nha, Ba Lan, Nga, Ukraina...) đã thành thạo chuyện chăn gối (năm 1994, điều đó chỉ ở mức 10%; năm 2004 là 40%). Với nam sinh, lứa tuổi ấy tham gia chuyện tình dục có tỷ lệ trên 57% (năm 1994 chỉ ở mức 25%, năm 2004 trên 41%).

Gần đây, báo The Straits Times cho hay tại khu vực Đông Nam Á chỉ có vài nước như Lào, Thái Lan là ít có tình trạng mang thai ở tuổi teen. Trẻ em Thái Lan thuộc lòng khẩu hiệu “No condom, no sex” (Không bao cao su, không quan hệ tình dục). Người Thái ý thức được rằng trẻ vị thành niên cũng cần được giáo dục cách tránh thai và cách phòng lây bệnh qua đường tình dục.

Nhưng tại nhiều nước khác ở Đông Nam Á thì tình trạng lỡ mang thai và lỡ biến thành “bà mẹ trẻ em” ở độ tuổi trên dưới 15 là rất phổ biến. Có nước đạt tới con số trên 70% trẻ em đã từng quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su! Nhiều cô gái tuổi 15 - 16 ở Singapore, Malaysia, Philippine từng mơ một lần lên giường với thần tượng là ca sĩ, diễn viên hoặc ngôi sao bóng đá! Với họ, không chỉ sống vội, sống cuồng mà còn vô tư hơn khi sống cẩu thả, sống buông thả cả trong quan hệ tình yêu và tình dục. Và, người ta không lạ gì khi biết đa phần trong họ là những cậu ấm, cô chiêu được bao bọc trong tiền bạc và của cải.

Việt Nam cũng ở trong tình trạng tương tự. Theo báo cáo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2007 có 17.231 trẻ vị thành niên ở tuổi 13 - 14; 174.376 trẻ ở tuổi 15 - 16; 148.834 trẻ ở tuổi 17 đã thành vợ thành chồng trước tuổi pháp luật cho phép, vì đã “lỡ có bầu” hoặc đã “ăn nằm với nhau” (những con số tương ứng của năm 2003 là 16.660 - 125.400 - 407.755... nói chung là so với 4 năm trước thì năm 2007 tăng 16% các cặp “vợ chồng trẻ con”. Riêng bệnh viện Từ Dũ TP.HCM năm 2003 có 911 ca nạo phá thai dưới 18 tuổi, đến năm 2007 thì con số này lên tới 1.412 (tăng gấp rưỡi), và đây chỉ là con số bề nổi, bởi ngay chính Sở Y tế cũng không quản lý xuể!?

Bác sĩ Diễm Tuyết (Phó trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình - Bệnh viện Phụ sản TP.HCM) cho biết: So với những năm 90 của thế kỷ trước thì từ năm 2000 tới nay, số lượng trẻ vị thành niên đến “giải quyết hậu quả” ở đây đã tăng gấp 3 lần, khiến cho phòng khám và xử lý kế hoạch hóa ở khoa này càng hết sức quá tải. Tâm trạng của nhiều em thiếu nữ đến đây để “kế hoạch hóa” nhìn chung là thanh thản, có em lại vô tư đến mức “kế hoạch” xong còn hỏi “em còn có thể sớm có thai lại được không?”. Rất ít em tỏ thái độ day rứt, bồn chồn và ân hận vì lầm lỡ!
 
 (Còn nữa)
 
Theo Nguyễn Hoài
TT&VH
Chia sẻ