Phá vỡ "tư duy lối mòn", nữ sinh Phổ thông Năng khiếu thành công chinh phục học bổng danh giá
Để thực hiện giấc mơ du học, Nguyên Khanh đã phải trải qua không ít những lần đấu tranh tư tưởng, nhằm phá vỡ bức tường vô hình "tư duy lối mòn".
Đinh Nguyên Khanh - nữ sinh 18 tuổi đến từ trường Phổ thông Năng khiếu (TPHCM) đã nhận được lá thư trúng tuyển từ ngôi trường danh giá Mount Holyoke College (ranked #33 LAC). Đồng thời, em đã xuất sắc chinh phục ban tuyển sinh để nhận về khoản hỗ trợ tài chính 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt kéo dài trong 4 năm.
Xuất thân từ địa bàn "vùng sâu vùng xa" tại tỉnh Đắk Lắk, Nguyên Khanh cho biết, bản thân em đã quen với những lối mòn quen thuộc, những định kiến xã hội và những chuẩn mực cố định đến mức chưa từng nghĩ đến việc tìm ra những lối đi khác để khám phá thế giới và bản thân mình.
Nhưng qua 2 năm sống và học tập tại TPHCM với phong phú trải nghiệm tại trường Phổ thông Năng khiếu, Khanh đã dần hình thành lối tư duy mở và tự tin hơn trong việc tự định vị bản thân, từ đó có cơ hội tự tìm kiếm và khai phá những cánh cửa mới trong cuộc sống chính mình.
Một số thành tích học thuật, ngoại khóa của Nguyên Khanh
Giải thưởng học thuật:
+ Giải Vàng Kỳ thi Olympic Toán - Khoa học quốc tế StemCo 2022.
+ Giải nhì Kỳ thi Ngôn ngữ quốc tế WILLKOMMEN.
+ Giải Bạc Kỳ thi SEAMO - Southeast Asian Mathematical Olympiad (National Round).
+ Certificate of Genius & Certificate of Excellence in GC International Mathematics Olympiad.
+ Điểm tuyển sinh lớp 10 top 1,2% tỉnh Đăk Lăk cùng nhiều học bổng đầu vào cấp 3 toàn phần.
+ 1 trong 6 bạn được chọn tham gia STEM High School Internship của Abbott.
Hoạt động ngoại khóa:
+ Phó ban Chuyên môn 1 dự án kinh tế - kinh doanh 7,5k follower; tổ chức cuộc thi kinh tế giúp thí sinh chuẩn bị cho VEO và IEO; dự án dịch 250+ bài viết kiến thức kinh tế trên Wikipedia từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
+ Trợ lý nghiên cứu cho 2 dự án nghiên cứu (1 toàn cầu và 1 từ Abu Dhabi).
+ Founder của 1 dự án về giáo dục giới tính.
+ Operations Manager của 1 dự án khuyến khích người trẻ trở thành công dân toàn cầu mang bản sắc Việt.
+ Điều phối viên của 1 dự án dạy nghiên cứu kết hợp với Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên, chuyên gia từ ĐHQG và TPHCM.
+ Ban tổ chức cuộc thi về du lịch bền vững.
+ Tham gia chương trình exchange giữa PTNK và Takada High School (Japan), mỗi trường chọn 10 người.
+ Biên tập viên của The Elderly of Saigon.
Chọn Nghiên cứu khoa học thay vì thi Học sinh giỏi để tiến gần giấc mơ du học
Nguyên Khanh bắt đầu ý thức được mục tiêu du học từ hè năm lớp 10, sau 1 năm học tại trường Phổ thông Năng khiếu. Em cho biết, ở trường mỗi năm đều có rất nhiều học sinh du học và các bạn đều cố gắng chuẩn bị hồ sơ từ sớm nên em đã tò mò tìm hiểu, sau thấy thú vị nên cũng quyết định du học. Gia đình rất ủng hộ càng khiến cô gái nhỏ này có thêm động lực to lớn.
Nhận thức được mức độ cạnh tranh khốc liệt trong các cuộc thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia, Nguyên Khanh hiểu rằng mình cần tìm một hướng đi an toàn để đảm bảo cho điểm GPA trên lớp và con đường đại học sau này.
Hè năm học lớp 10, Khanh tìm thấy chương trình nghiên cứu khoa học (NCKH) của MiYork Education và ứng tuyển. Đây có lẽ là quãng thời gian vui nhất của Nguyên Khanh trong quãng thời gian cấp 3, khi Khanh gặp gỡ được nhiều người bạn tuyệt vời trên toàn quốc, học hỏi nhiều điều mới ngoài trường lớp.
Thay vì cố gắng tranh được một vị trí trong đội tuyển HSG quốc gia và tận dụng giải thưởng để được tuyển thẳng đại học, Nguyên Khanh đã tìm tới NCKH. NCKH không chỉ giúp em tiến thêm một bước gần hơn với con đường du học, mà còn đảm bảo cho điểm số trên lớp và hoạt động ngoại khóa.
Cô gái nhỏ 16 tuổi bắt đầu hành trình NCKH với chủ đề liên quan đến tác động của loài voi với khu du lịch Bản Đôn. Tuy nhiên, dự án nghiên cứu không thành công vì một vài lí do ngoại cảnh. Dẫu vậy, nó đã mang lại cho Khanh những trải nghiệm, kiến thức và niềm tin về con đường mình đã chọn, với sự khác biệt, từ bỏ HSG quốc gia và tập trung vào GPA và hoạt động NCKH.
Học chuyên Anh, chọn theo đuổi Kinh tế và bài luận về bảo tồn động vật
Quá trình Nguyên Khanh chinh phục con đường du học không hề dễ dàng khi cô bạn chia sẻ gia đình chỉ có thể chu cấp 10.000$/năm - một con số rất khiêm tốn để có thể chạm chân tới nước Mỹ đắt đỏ. Khanh cũng nhận thức được việc với ngân sách như vậy em phải quyết tâm chinh phục học bổng toàn phần hoặc hơn 100% học phí.
Mối lo về tài chính chưa dứt, Khanh phải đối diện với thách thức quan trọng hơn là quyết định ngành học tương lai của mình.
Dù là dân chuyên Anh, nhưng trong quá trình tự hướng nghiệp cho bản thân, Khanh đã tìm hiểu về ngành Kinh tế và các kiến thức cần thiết cho ngành, trong đó có Toán. Để xác định năng lực bản thân có phù hợp với ngành hay không, em đã tìm tòi và tham gia các cuộc thi Toán trong và ngoài nước.
"Điều bất ngờ là dù không mạnh ở các dạng Toán truyền thống thường học trên lớp, em lại có thể giải các bài toán logic mà không gặp nhiều khó khăn. Theo em thì Toán cấp 3 của các nước như Mỹ khá dễ so với Việt Nam, rào cản lớn nhất đối với các bạn Việt Nam khi tham gia cuộc thi là tiếng Anh (đây lại là thế mạnh của em). Kinh nghiệm của em là ôn thật kỹ các dạng bài được cung cấp trong đề mẫu và tham gia thi thử để tính toán thời gian và làm quen dạng đề", Khanh cho biết.
Ngoài ra, Khanh cùng 2 người bạn của mình là Kiều Thanh và Hoàng Nguyên đã lập lên một dự án với mục tiêu: Dịch bài báo, nghiên cứu tiếng Anh về Kinh tế học để truyền đạt những kiến thức "khó nhằn nhất" trở nên dễ hiểu tới các bạn trẻ. Cô bạn ngày càng năng nổ và say mê tham gia các hoạt động ngoại khóa liên quan đến Kinh tế học. Kết hợp với personal branding (thương hiệu cá nhân) của mình là sự kiên trì, khai phá và tự định vị, Nguyên Khanh dần hoàn thành bộ hồ sơ du học của mình.
Khanh chia sẻ: "Em cứ làm và em cứ thử thách bản thân trên nhiều khía cạnh, lĩnh vực. Cũng từ đó, chữ "Economics" hình thành lên trong tâm trí em lúc nào không hay. Mọi thứ em làm từ hoạt động ngoại khóa cho đến bài luận du học đều gắn chặt với "Economics". Và em quyết định mình sẽ theo đuổi ngành Kinh tế".
Khanh cho biết, hồ sơ của em cũng giống như đa số các bạn apply ĐH Mỹ khác, bao gồm hoạt động ngoại khoá, các chứng chỉ, giải thưởng học thuật, hồ sơ tài chính, bài luận chính và luận phụ, thư giới thiệu,…
Trong bài luận chính, em đã viết về một loài vật nổi tiếng ở quê hương em - loài voi. Em sinh ra và lớn lên ở Buôn Đôn, Đăk Lăk và đã sống ở quê nhà tới hết lớp 9 nên có cơ hội tiếp xúc với voi rất nhiều lần. Vì vậy, khi đi tìm chủ đề cho bài luận chính, em đã không mất nhiều thời gian suy nghĩ.
Em đã viết về những trải nghiệm ở khu du lịch sinh thái, từ đó nói lên mối quan hệ giữa các hoạt động kinh tế bền vững và bảo tồn động vật. Bài luận chính cũng giải thích cho động lực đã khiến em chọn ngành và theo đuổi các dự án được nêu trong hồ sơ của em.
Không đánh giá yếu tố nào nổi bật nhất trong hồ sơ của mình, Khanh nghĩ rằng mọi yếu tố trong hồ sơ đều nên thống nhất và kể được một câu chuyện về bản thân.
"Việc "kết dính" các yếu tố này lại với nhau rất quan trọng và cần có người hướng dẫn. Với khả năng tài chính thấp hơn hầu hết các bạn du học sinh Mỹ, em đã rất may mắn được các anh chị, bạn bè nhiều kinh nghiệm tin tưởng, nhận làm mentor, cũng như giúp đỡ em rất nhiều trong quá trình làm hồ sơ", Khanh nói.
Với các bạn có ý định săn học bổng du học, Khanh khuyên nên tìm cho mình 1 người mentor phù hợp về tính cách và phương pháp hướng dẫn. Đừng chỉ quan tâm đến thành tích của mentor, vì một mentor giỏi chưa chắc đã là người thầy giỏi. Ngoài ra, các bạn hãy cố gắng chuẩn bị sớm nhất có thể để thể hiện được đầy đủ tiềm năng của mình đến với ban tuyển sinh.
Khanh cho biết, khó khăn lớn nhất với em là việc cân bằng cuộc sống và sức khoẻ. Khi tập trung, em rất dễ bị cuốn theo một việc mà bỏ quên vấn đề khác, đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Sắp tới em sẽ cố gắng cân bằng hơn để có sức khỏe hoàn thành 4 năm học tại Mount Holyoke College và học Cao học.