PGS.TS Đào Duy Hiệp nhận xét đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2021: Không lắt léo, nhưng vẫn có chỗ... "lạc"
Dưới góc nhìn của 1 người có chuyên môn, 1 nhà sư phạm kỳ cựu, PGS. TS Đào Duy Hiệp đã bày tỏ góc nhìn của mình về đề Ngữ Văn tốt nghiệp PTTH năm 2021...
PGS.TS Đào Duy Hiệp, nguyên giảng viên khoa Ngữ Văn trường ĐHKHXH&NV, đã có những nhận xét cho đề Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH 2021 dưới góc nhìn của mình. Theo PGS thì dù rằng đoạn trích rất hay, nhưng vẫn có những cái "lạc".
Theo đánh giá của thầy Đào Duy Hiệp thì đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay "không lắt léo và thí sinh trước sau gì cũng làm được, chỉ vấn đề là làm đến đâu thôi".
Thầy cũng nói vui: "Trong thời tiết nắng nôi thế này, đề ra toàn về "nước", nước lênh láng, tràn trề, mát mẻ, thí sinh tha hồ "múa bút". Chúc mừng các bạn!"
Tuy nhiên, thầy cũng có vài ý kiến dưới góc nhìn cá nhân góp với những người ra đề thi như sau.
Đoạn trích đọc hiểu khá hay nhưng câu hỏi thì hơi bị "lạc"
"Đoạn trích trong câu Đọc - Hiểu khá hay. Các câu hỏi thí sinh đều có thể men theo đoạn trích để trả lời. Tuy nhiên, riêng câu hỏi 3 thì chính người ra đề bị "lạc" hoặc bản thân họ chắc cũng không cảm thụ được!
Đầu đoạn văn là mô tả khách quan sự hình thành của nước, nước thành sông. Đoạn tiếp đó "Khi nước gặp con người, nó còn được chứng kiến nhiều chuyện hơn..." là sự di chuyển điểm nhìn sang dòng sông, có tác dụng làm cho trần thuật sinh động, tránh sự kể lể, liệt kê một chiều, đơn điệu.
Trong đoạn này sông đã "chứng kiến" đời sống của con người: một ông lão, một cô gái đi xe đạp, một đôi tình nhân, những đứa trẻ,... tức là nhân hóa dòng sông để thấy nó cũng mang hơi thở và tâm hồn như con người trên thế gian. Và như thế nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ sông, luôn giữ gìn sự trong sạch, sinh thái của nó, nó cũng cần một không gian thoáng đãng, trong sạch như con người để rồi chính sông sẽ trở lại, mang nguồn sống cho nhân loại. (Mở ngoặc xin thưa trước: cách đây trên 20 năm, các con tôi thi tốt nghiệp, trong nhà trường các thầy cô đã dạy về vấn đề điểm nhìn...).
Tôi nói câu lệnh "lạc" vì đoạn văn rất đẹp đó lại bị hỏi: "Những câu văn sau giúp anh/chị hiểu gì về dòng chảy của nước và cuộc sống của con người?".
Kể ra, cứ cố trả lời vẫn được, rằng em "hiểu" dòng chảy của nước là miên man, muôn đời, bất tận và em "hiểu" rằng cuộc sống của con người (già, trẻ, gái, trai, nam, phụ, lão, ấu) là vĩnh hằng! Trả lời như thế thì sự vật và con người vẫn ai đi đường nấy, chả có gì "yêu thương", bảo vệ nhau cả!
Và nếu các thí sinh trả lời "hiểu" như trên rồi thì sang câu hỏi 4, có lẽ không còn gì nhiều để viết nữa.
Sao không đặt câu lệnh là "phân tích": Từ "phân tích" ít mơ hồ hơn từ "cảm nhận"
"Nhận xét cuối cùng, rất nhiều năm tôi thấy đã câu lệnh "cảm nhận" quen quen về thơ. Vậy, trong "cảm nhận" này có phải phân tích không? Nếu có, sao không đặt câu lệnh là "phân tích"? Về quán tính hiểu ngôn ngữ, tôi tin rằng từ "phân tích" ít mơ hồ hơn từ "cảm nhận", bởi bản thân "cảm nhận" là tù mù mới dừng ở trực giác mà chưa kinh qua phân tích khoa học.
Trong "phân tích", sẽ có nhiều thí sinh đi vào hướng nghệ thuật để chỉ ra cái đẹp của ngôn từ và chuẩn bị trả lời cho câu "vẻ đẹp nữ tính" ở sau. Cả cái câu "vẻ đẹp" này cũng thấy quen quen!
Lúc nãy trên Facebook có một bạn nữ nhà báo phỏng vấn thí sinh vừa thi xong, nhìn chung các bạn ấy làm được, nhưng có bạn nam bảo câu về "vẻ đẹp nữ tính" em khó làm vì phụ nữ khó hiểu lắm! Tôi comment vui, bảo sao em không nói: "Đến thầy của cô còn không hiểu nữa là!".Còn chuyện về nhận xét "vẻ đẹp nữ tính" trong thơ Xuân Quỳnh, thầy cũng nói vui rằng nó có phần mơ hồ vì "đến thầy cũng khó hiểu phụ nữ".
Dù có nhiều người cho rằng đề thi năm nay khá hay nhưng với góc nhìn rất riêng PGS.TS Đào Duy Hiệp đã có những đóng góp với người ra đề thi để dùng câu từ và hướng tiếp cận "trúng" vấn đề hơn. Đây có lẽ cũng là 1 góc nhìn để chúng ta cùng ngẫm ngợi và suy nghĩ cho những đề thi năm sau được hoàn thiện đi "trúng và đúng" vấn đề hơn.