Pagpag: Từ "cơm thừa canh cặn" trong thùng rác biến thành món ăn không thể chối từ của những người sống dưới đáy xã hội ở Philippines
Pagpag có thể được làm từ thịt, cá, rau đông lạnh đã hết hạn sử dụng trong các siêu thị hoặc nhặt được ở những xe rác.
Pagpag từ lâu đã là một món ăn chính của ẩm thực khu ổ chuột Philippines, nhưng trong những năm gần đây, nó cũng đã trở thành một ngành kinh doanh sinh lợi cho cả những người nhặt rác và chủ nhà hàng nhỏ mua thịt bỏ đi với giá rẻ và tái chế thành nhiều món ăn khác nhau. Những người nhặt rác trước đây chỉ quan tâm đến kim loại và nhựa có thể tái chế giờ tập trung vào thức ăn thừa và hết hạn đến từ các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và siêu thị, quét sạch nó cùng với mèo và chuột hoang, đóng gói trong túi nhựa và bán với số tiền nhỏ cho những người nghèo.
Một túi thịt pagpag thường được bán cho các chủ nhà hàng với giá khoảng 20 peso (khoảng 11 nghìn đồng), sau đó, nhà hàng chế biến thành các món ăn giá rẻ và bán với giá 10 peso (Khoảng 6 nghìn đồng). Trước khi túi thịt thừa được đem chế biến, nó sẽ được rửa sạch để loại bỏ rác, xương cũng được bỏ đi. Tiếp theo, chỗ thịt đó sẽ đem trộn với nhiều loại nước sốt, rau, gia vị để phục vụ người nghèo.
Pagpag đã từng là phương án cuối cùng đối với cư dân khu ổ chuột, khi mà họ rơi vào những ngày tồi tệ nhất, những ngày họ không kiếm đủ tiền để mua một ít gạo. Nhưng với tình hình lạm phát lương thực hiện nay, người dân khu ổ chuột Philippine rất khó có thể mua được gạo và thức ăn, vì vậy pagpag trở thành bữa ăn hàng ngày của nhiều người.
Theo nghĩa đen hoàn toàn, chỗ thịt tái chế này là những miếng thịt bị bỏ đi, thậm chí có những miếng đã bị cắn một phần. Nhiều người vẫn tin rằng chỗ thịt này an toàn để ăn vì nó được rửa sạch, thậm chí có người còn cho rằng món này ngon và bổ dưỡng.
Salome Degollación, một người cao tuổi từ khu ổ chuột Helping Land, ở Manila, nói với CNN rằng: "Nhiều người đã chết vì ăn pagpag, nhưng khi bạn không còn lựa chọn nào khác, tôi đoán rằng rủi ro là đáng để chấp nhận."
Pagpag là một món ăn dành cho người nghèo thành thị đang tồn tại bên dưới tầng lớp trung lưu của Philippine.
Felipa Fabon đứng đợi bên ngoài một cửa hàng đồ ăn nhanh ở Manila. Cô là một trong những người vô gia cư sống trong khu phố ổ chuột ở Philippne. Cô đứng gần những chiếc thùng rác, không phải là để chờ gặp một ai đó mà đang tìm kiếm những đồ ăn thừa của thực khách nhà hàng.
Cô nói với CNN: "Tôi đang phân loại rác, tìm kiếm thịt thừa để làm món pagpag".
Một bát pagpag đã được chế biến
Trong tiếng địa phương, "pagpag" có nghĩa là bụi bẩn khi rũ bỏ quần áo hoặc chăn, thảm. Nhưng trong thế giới của người nghèo ở thủ đô Philippine, từ đó có nghĩa là những miếng thịt thừa được lấy ra khỏi thùng rác.
Trong làn khói mờ ảo của đèn đường, Felipa Fabon giơ lên một miếng gà bị cắn dở. Cô nói: "Đây là một miếng thịt thừa. Bây giờ những gì chúng tôi làm ở nhà là làm sạch nó, đặt vào tô và sau đó chế biến và bán lại vào buổi sáng. Món ăn này rất dễ bán vì nó rẻ. Mọi người trong khu tôi sống chỉ muốn ăn đồ ăn rẻ."
Pagpag có thể được làm từ thịt, cá, rau đông lạnh đã hết hạn sử dụng trong các siêu thị hoặc nhặt được ở những xe rác. Pagpag có thể được ăn ngay lập tức sau khi tìm thấy trong thùng rác nhưng cũng có thể được nấu chín bằng nhiều cách.
Sau khi đóng gói những mẩu vụn gà, Fabon trở về Tondo, một khu phố ổ chuột nghèo nhất Manila. Sáng hôm sau, khoảng 6h, cô chuẩn bị món pagpag, đặt nó trên một chiếc xe đẩy và đi rao khắp khu ổ chuột.
Morena Sumanda, một bà mẹ 27 tuổi có 2 đứa con nhỏ là vị khách hàng đầu tiên. Sumanda sống trong một khu nhà tồi tàn ở rìa một bãi rác lớn nhất Manila. Cô thậm chí còn không có 0,2 đô để trả tiền cho Fabon mà phải chờ chồng mình trở về vào tối đó. Đối với chồng Sumanda, 0,2 đô là tiền lương cả ngày của anh.
Con trai bé bỏng của Sumanda tên là Nino, thằng bé rên rỉ khi cô rửa sạch những miếng gà, làm nóng nồi và thêm rau vào đó.
Bệnh tật đến từ những món thức ăn thừa
Melanda Alipalo, một chuyên gia phát triển xã hội và là tình nguyện viên của Quỹ cộng đồng Philippine (PCF) cho biết, Sumanda và những người khác như cô, không có lựa chọn nào khác ngoài việc ăn pagpag.
Tổ chức phi chính phủ này có trụ sở tại Manila và đã xây dựng một trường tiểu học ở trung tâm khu ổ chuột Tondo. Trường học của PCF đào tạo 450 trẻ em nghèo nhất ở Tondo, với mục đích giải thoát các gia đình khỏi đói nghèo. Nhà trường tồn tại nhờ sự quyên góp của các nhà hảo tâm và cung cấp cho học sinh viên bữa ăn mỗi ngày.
Maria Theresa Sarmiento, giám đốc sức khỏe và dinh dưỡng của PCF, nói rằng khi trường mới mở, cô phải điều trị cho một phần lớn những đứa trẻ địa phương bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Cô nói rằng: "Mặc dù họ đã làm sạch và nấu lại những thức ăn thừa, nhưng mầm bệnh vẫn ở đó."
Cô nói thêm, các bậc cha mẹ biết rằng pagpag không phải là nguồn thực phẩm tốt cho con cái họ, nhưng họ không có sự lựa chọn nào khác.
Từ món ăn trong những ngày túng thiếu thành món ăn hàng ngày trong bữa cơm
Salazar Abrera, một nhân viên thu gom rác của Joe's Junk Shop đã ở trong nghề thu gom thịt thừa nhiều năm đến mức có thể phân biệt được loại nào ăn được, loại nào đã hỏng và phải bỏ đi. Cô cũng thường xuyên lấy thịt thừa về làm thức ăn cho gia đình. Cô nói: Nếu bạn có một hệ thống miễn dịch tốt, hiếm khi bạn bị bệnh. Chúng tôi không cần phải bỏ tiền ra để mua thực phẩm ở chợ. Đôi khi chúng tôi tìm thấy gạo, dầu ăn, nước tương trong thùng rác, hoàn toàn miễn phí.
Trong một căn bếp nhỏ, Salazar rửa thịt thật sạch rồi trộn cùng với gia vị, hành tây, tỏi, ớt, nước tương. Cô đun nóng chảo bằng dầu rồi cho thịt vào chiên. Salazar nói rằng mình đã rửa nó 3 lần và nấu ăn rất thận trọng. Nếu món pagpag có vị và mùi chua thì có nghĩa là thịt đã hỏng và cô sẽ cho chó hoặc lợn.
Salazar Abrera nói rằng cô chuẩn bị pagpag bốn ngày một tuần. Nếu không có pagpag , họ ăn cá và rau xào, mặc dù rau đắt hơn vì cô phải mua riêng các nguyên liệu khác.
Salaza có 4 đứa con. Chồng của cô cùng làm việc tại Joe's Junk Shop, một cửa hàng phân loại rác tái chế. Cặp vợ chồng có thể kiếm được 1000 peso (khoảng 450 nghìn) mỗi ngày, đôi khi nhiều hơn, tùy thuộc vào khối lượng chất thải.
Vấn nạn của xã hội và Chính phủ Philippine
Theo Cristopher Sabal, một cán bộ kỹ thuật cấp cao của Ủy ban chống đói nghèo quốc gia (NAPC), việc tiêu thụ pagpag là biểu hiện của nhiều mặt vấn đề. Rất nhiều người đang sống trong những khu ổ chuột, bãi rác, nơi dễ bị tổn thương nhất, nguy hiểm nhất. Họ không có quyền truy cập vào những nhu yếu phẩm cơ bản. Chủ yếu những người này là nạn nhân của lạm dụng ma túy và bạo hành. Họ luôn có cảm giác bất an trong cuộc sống và không được hỗ trợ để có thể đánh bại được đói nghèo. Đó là thực tế đáng buồn.
Nhân viên của NAPC cũng thừa nhận tình trạng nghèo nàn lương thực ở Philippine: 2,4 triệu gia đình vẫn phải chịu cảnh đói nghèo đến cực đoan vào năm ngoái. Và việc tiêu thụ pagpag đã trở nên cố thủ đến mức nó không thể được coi là một hiện tượng kinh tế thuần túy. Người dân khu ổ chuột đã duy trì món ăn này lâu đến mức nó đã được đưa vào văn hóa nhóm của khu. Nếu chính phủ không can thiệp, vấn đề này sẽ vẫn luôn tồn tại.
(Tổng hợp)