Ông lão cả nghìn ngày ra nghĩa địa làm “vườn yêu” tặng vợ đã mất
Vướng vào bạo bệnh, người vợ thảo hiền của ông bỏ chồng con về bên kia thế giới. Nghĩ bà dưới suối vàng cô quạnh, ông đã ngày ngày ra mộ vợ, dựng vườn yêu...
Ông Thiệp bên mộ vợ.
LTS: Ba năm nay, ông Nguyễn Tài Thiệp (Liễu Nội, Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội) “định cư” ngoài nghĩa địa để được gần người vợ thân yêu của mình.
Ở chốn quạnh hiu ấy, ông đã tỉ mẩn tạo dựng khu vườn với đủ loại cây trái, những thứ mà vợ ông còn sống vẫn thường ưa thích.
Với nhiều người, nghĩa địa là nơi ẩn chứa nhiều ám ảnh rợn người. Nhưng, với ông thì đó là vườn địa đàng, là vườn yêu ấm áp.
Ngày vui qua mau
Từ nông trường Mộc Châu về quê nhà nghỉ hưu năm 1987, ông cố gắng bù đắp cho bà những thiệt thòi bởi bao năm xa vắng.
Người ta bảo bát đĩa còn có lúc xô, vợ chồng khó tránh khỏi những lần to tiếng nhưng vợ chồng ông thì khác. Những người sống xung quanh nhà ông (làng Liễu Nội, Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội) chẳng bao giờ thấy vợ chồng ông to tiếng dù chỉ một lời.
Sau này có tuổi, con cháu đầy nhà nhưng ông bà vẫn “gọi anh, xưng em” ngọt ngào, tình tứ.
Về hưu nhưng ông vẫn cố gắng lao động để giúp vợ con cải thiện kinh tế gia đình. Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, trời chưa tỏ thì ông đã kẽo kẹt xe đạp thồ bao đinh nặng mấy chục cân đi bán khắp Bắc Ninh, Thái Nguyên.
“Sáng sớm đi thì tối mịt tôi mới về. Cứ về đến ngõ là tôi đã thấy bà ấy ra đón rồi”, ông Thiệp nhớ lại “những ngày xưa thân ái”.
Ông Thiệp bên luống cây thuốc vừa để tặng vợ vừa để làm phúc cho dân làng.
Mặn nồng với nhau được ngót hai chục năm thì bà vướng vào trọng bệnh. Khi ấy, ông chẳng rời bà nửa bước. Suốt ngày quanh quẩn bên vợ, chăm cho bà từng li từng tí.
Các con ông khá giả muốn thuê người chăm sóc mẹ nhưng ông gạt phăng. Ông bảo, chỉ tự tay mình làm ông mới thấy an tâm.
Thu năm 2008, ông thấy có những dự cảm chẳng lành. Ba ngày trước khi mất, bà bảo bà muốn ở bên ông muôn kiếp. Nghe bà nói vậy, nước mắt giàn giụa, ông bảo, ông cũng muốn mãi mãi bên bà.
“Tôi nói với bà ấy rằng nếu bà không may mắn mà đi trước thì tôi cũng sẽ làm mộ đôi để được sống chết có nhau”, xúc động ông nhớ lại.
Đêm ấy, có lẽ bởi sợ cảnh chia lìa mà những đầy nước mắt đã tự hiện về trong tâm trí ông. “Chữ tình cùng với chữ duyên; Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền; Bây giờ cách trở âm dương; Sau này xum họp lại chung một mồ” .
Đọc cho bà nghe những lời trái tim ấy, ông thấy bà cười dù mắt ngân ngấn nước.
Bà mất, ông thấy tim mình héo hắt. Ông vốn vui tính, dí dỏm nhưng từ ngày bà không còn thì chẳng ai thấy ông cười, ông nói.
Bà được an táng ở đồng xa nhưng cứ hễ khi rảnh là ông lại lụi cụi lên thăm. Mồ bà ông chăm không có lấy một cọng cỏ. “Mãi đến năm 2013, khi bà ấy được đưa về đây thì vợ chồng tôi mới được ở bên nhau đấy”, ông chia sẻ.
“Vườn yêu” có thật
Nơi bà yên nghỉ vĩnh hằng là gò đất của làng. Nơi ấy chỉ dành cho những nấm mồ đã sang cát. Ông bảo, khi đưa bà về “nhà mới”, ông mới bắt đầu thực hiện mơ ước bấy lâu ấp ủ của mình.
Dốc sạch “ngân khố” dành dụm suốt mấy năm, ông cùng con cháu thuê thợ dựng ngôi mộ đá cầu kỳ để bà nằm. Mộ thiết kế hai ngăn, khum hình mái nhà, bên trái dành cho bà, bên phải cho ông.
Ông bảo, thiết kế như vậy là để ông bà muôn kiếp được sống trong “ngôi nhà hạnh phúc”.
Phía sau ngôi mộ, nơi ông Thiệp sẽ "vào với vợ mình" khi nhắm mắt xuôi tay.
Mộ xây vừa xong thì ông cũng từ biệt căn phòng trống trải để… di cư. Sáng tinh sương, dân trong làng đi giao hàng qua nghĩa địa dân trong làng đã thấy ông lom khom ở đó.
Tối mịt, khi đã có nhà dùng bữa thì ngoài nghĩa địa, ông vẫn loay hoay thổi lửa.
“Khi còn sống, bà nhà tôi chỉ ước có một ngôi nhà xung quanh là vườn cây, hoa cỏ. Làng đất chật người đông nên ước mơ đó không thành”, ông Thiệp chia sẻ.
Thực hiện mơ ước của bà, như kiến tha mồi, ông tẩn mẩn nhặt nhặt những cành cây, que củi rồi những đoạn sắt thép người ta bỏ đi đem về nghĩa địa để dựng “khu vườn tình yêu”.
Khi sống bà thích thứ gì thì ông trồng thứ đó. Cây giống ông đi xin, thậm chí dành tiền tìm mua cho kỳ được.
Cách ông trồng cây cũng chẳng giống ai. Ông bảo cây ông trồng tặng bà là có mang hồn cốt chứ không phải vật vô tri nên phải nâng niu, chiều chuộng.
Ông nhặt nhiều vật dụng chứa nước (hộp sữa, hộp sơn người ta bỏ đi) ở quanh khu vườn. Hộp nào cũng chứa đầy nước.
Ông bảo, nước ấy ông dành để tưới cây. Sở dĩ ông phải chứa nước vào nhiều thùng, hộp là để phần cặn bẩn có lẫn trong nước lắng xuống.
“Tình yêu của tôi dành cho bà ấy là thuần khiết nên quà tặng bà ấy cũng phải thuần khiết, trắng trong”, ông thổ lộ.
Vật dụng ông Thiệp dùng để tích nước tưới cây ở "vườn yêu".
Bây giờ, mộ vợ ông tứ bề xanh ngắt. Cứ chỗ nào dư ra phần đất là ông cắm cây vào. Cây nào khi sống bà đặc biệt thích thì ông cắm biển rồi nắn nót ghi rõ là tặng vợ nhân ngày nọ, ngày kia.
Sau ba năm cần mẫn gieo trồng, giờ “vườn yêu” mà ông tặng bà đã có cả trăm loại cây. Ông bảo, cứ nhìn cây thì lại thấy người. “Cây nào cũng gợi cho tôi những kỷ niệm với bà ấy”, ông thổ lộ.
Trọn đời không chia
Ở làng, ông có nhiều bạn. Mấy năm nay, muốn thăm hỏi ông, thay vì tới nhà, bạn bè ông cứ ra nghĩa địa. Ngày nào cũng vậy, như lịch trình sắp sẵn, ông có mặt bên bà từ lúc tờ mờ sáng và đến khi tối nhọ mặt người mới chịu về nhà.
Trưa, trời thanh mát, ông ngả lưng luôn ngoài mộ. Nơi ông nằm là tấm bê tông to như manh chiếu ông đặt ngay dưới tán chuối xanh rì.
Chuối ông Thiệp trồng ở đây rất lạ. Khóm nào cũng có một cây to và 5 cây con lần lượt nhú xung quanh. Ông Thiệp bảo, thân chuối to chính là vợ ông còn 5 cây nhỏ chính là hình ảnh của 5 người con mà bà đã tảo tần chở che, nuôi nấng.
“Nếu làng cho phép thì có lẽ tôi cũng dựng lều để cả đêm ở với bà ấy. Nói thật, nằm ở nhà tôi cũng chỉ mong trời mau sáng để ra với bà ấy thôi”, ông thật thà chia sẻ.
Phiến bê tông nơi ông Thiệp nghỉ ngơi.
Những ngày đầu, thấy ông cứ suốt ngày hí hoáy ngoài nghĩa địa, dù biết nỗi lòng nhưng lo cho sức khỏe của ông, các con ông cũng lựa lời khuyên bảo. Tuy nhiên, ông bảo, chỉ khi được gần bà thì ông mới thấy mình mình khỏe hơn.
“Đúng như thế các anh ạ. Không biết do lao động hay do bà ấy phù hộ độ trì mà mấy năm nay tôi chẳng thấy ốm đau gì cả”, mắt rạng rỡ, ông Thiệp khoe.
Sau 3 năm tỉ mẩn bón chăm, “vườn yêu” của ông Thiệp bây giờ đã lác đác cho thu hoạch. Vườn rau, vườn thuốc thì nhiều gia đình trong làng đã được thụ hưởng, mùa nào thức ấy. Ai cần thứ gì, ra xin, ông đều hái cho, chẳng giữ.
“ Dân trong làng thích nhất là vườn thuốc của tôi đấy. Nhiều thứ cần mà không biết tìm đây, cứ ra đây là có hết, tôi đặt tên là “vườn làm phúc cứu người” mà” , ông Thiệp nói.
Tuy gần làng nhưng ngày trước nghĩa địa vắng vẻ, cỏ rậm lút chân người. Từ khi ông Thiệp ra “định cư” ở đây thì nơi chỉ gợi những đau thương, chết chóc đó đã tràn sinh khí.
Đám trẻ con trong làng còn thích ra nghĩa địa chơi. Cứ kiếm được ở đâu củ khoai, củ sắn là chúng lại kéo nhau ra để nhờ ông vùi than nướng.
Cứ khi thăm hỏi, thay vì đến nhà, bạn bè ông Thiệp lại ra nghĩa địa tìm.
Đang trò chuyện thì như chực nhớ ra điều gì, ông Thiệp kéo tôi dậy rồi dẫn ra phía sườn phải của ngôi mộ. “Anh ra đây, anh xem tôi đặt tên khu mộ thế này có được không?” , chỉ vào tấm bảng đen, ông Thiệp hỏi bằng giọng sốt sắng.
Tấm bảng ghi dòng chữ “Đây là Trang Phúc Hậu của cụ Thiệp”.
“Tôi nghĩ mãi rồi, tình yêu của vợ chồng tôi không giống như tình yêu thông thường. Tình yêu gắn với nghĩa vợ chồng nên ngoài sự đằm thắm nồng nàn ra thì nó có cả sự bao dung, đôn hậu, nhân từ nữa. Nghĩ thế nên tôi mới lấy chữ phúc hậu đấy”.
Khi tôi còn chưa kịp nói gì thì ông Thiệp đã cắt nghĩa. Nghe ông Thiệp giải thích vậy tôi cũng chẳng biết nói gì hơn. Tình yêu thì không ai định nghĩa được và nó là thứ thiêng liêng nằm riêng trong tim mỗi người.
“Soái ca” có thật và thơ tình cay sống mũi Ông Thiệp hay thơ. Thơ ông làm chỉ dành riêng tặng vợ. Nhiều buổi, khi việc vườn tược đã xong, ông có thói quen gầy đống lửa và ngồi… đọc thơ cho cho vợ mình nghe. Thơ ông chân chất, mộc mạc nhưng chan chứa nghĩa tình. Chỉ vào miếng bìa giấy để khuất sau bát hương của vợ mình, ông khoe sáng tác mới của mình. Đọc những câu thơ ấy rồi trông dáng ông lũi cũi, bất cứ ai cũng thấy sống mũi mình cay. “Vợ tôi đã mất lâu rồi/ Mà tôi thương nhớ đứng ngồi không yên/ Tôi ra thăm mộ tổ tiên/ Thăm em ngắm cảnh cho yên cõi lòng/ Trồng hoa, cam quýt, bưởi bòng/ Em ơi, em để lạnh phòng, mình anh/ Đêm đêm gió mát trăng thanh/ Anh thương, anh nhớ, nhưng đành vậy thôi”. |