Ôn lại cả mùa Tết tay xách nách mang, gần hết ngày mùng lại có giỗ, mẹ trẻ này đòi bỏ Tết đi

Min,
Chia sẻ

"Hết Tết rồi. Thật sự em oải quá. Chỉ mong hết Tết cho khoẻ người. Các chị nghĩ có nên bỏ Tết âm lịch không chứ em thấy sợ Tết. Tốn kém, mệt mỏi...".

Một mùa xuân nữa lại đang trôi qua và chúng ta đang tận hưởng những cái mồng cuối cùng của Tết 2018. Nói về ý nghĩa của Tết, thì chắc có lẽ ai ai cũng biết đó là "sum vầy", "nghỉ ngơi" và "vui chơi" sau một năm làm việc vất vả, bon chen giữa dòng đời hối hả. Ấy vậy mà không hẳn ai cũng cảm nhận được hết ý nghĩa của Tết đâu, hay đúng hơn là họ không hề có cơ hội để cảm nhận, để rồi Tết của họ như một hơi thở dài thượt, mệt mỏi và uể oải.

Cả mùa Tết ngày nào cũng tay xách nách mang, chạy về nội về ngoại phụ nấu nướng dọn dẹp, mẹ trẻ này than thở đòi bỏ Tết đi - Ảnh 1.

(Ảnh: Facebook)

Hệt như chị gái vừa đăng đàn than thở đòi bỏ Tết cổ truyền dưới đây. Chị kể trong một hội nhóm chị em phụ nữ có rất đông thành viên như sau: "Hết Tết rồi. Thật sự em oải quá. Chỉ mong hết Tết cho khoẻ người. Các chị nghĩ có nên bỏ Tết âm lịch không chứ em thấy sợ Tết. Tốn kém, mệt mỏi. 30 cúng giao thừa, mùng 1 về quê chồng, sáng về tối lên, nấu nướng, cho con ăn, rồi mùng 2 lại về quê chồng, sáng về tối lên Hà Nội, về quê lại nấu nướng, ăn uống đi chúc Tết các kiểu. Mệt mỏi lắm.

Mùng 3 lại tay nải đầy ặc về mẹ đẻ, mùng 4 lên lão bà em, lại cỗ bàn, mùng 5 nhà đẻ em cúng tạ, lại cỗ. Mùng 6 được nghỉ tí thì lại tay nải tay bị lên Hà Nội. Mùng 7 đưa con đi tiêm, cơ quan bố chồng qua chúc Tết, lại nấu nướng, thật sự em oải lắm rồi. Mai tưởng được nghỉ thì mẹ chồng mới thông báo, mai lại về quê có giỗ. Nhưng may thay mai em không phải nấu, thuê người nấu rồi. Tết của em đấy. Vui mỗi khoản thu được nhiều lì xì của con thôi. Tết của các mẹ như thế nào?".

Cả mùa Tết ngày nào cũng tay xách nách mang, chạy về nội về ngoại phụ nấu nướng dọn dẹp, mẹ trẻ này than thở đòi bỏ Tết đi - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Quả thật tình cảnh này không phải của riêng mình chị, mà còn của rất nhiều chị em khác. Bởi mỗi khi Tết về, hầu như những chuyện từ nấu nướng bếp núc, cho tới lễ nghĩa hai bên nội ngoại đều nằm trọn trong tay của giới phụ nữ. Nếu không xấc bấc xang bang chạy tới chạy lui đến mức như chị gái trong câu chuyện trên, thì cũng ngổn ngang công việc tại gian bếp của gia đình mình, nào là lo cho con cái, nào là quét dọn nhà cửa, nào là bày soạn cúng kiếng…

Mà hình như, giới đàn ông cùng lắm cũng chỉ phụ giúp được đôi chút với lý do "chuyện bếp núc là của đàn bà", "chuyện lo cho con cái là của đàn bà", "chuyện sắm sửa phụ giúp mẹ chồng, mẹ đẻ cũng là của đàn bà". Mọi thứ đều của đàn bà, phụ nữ thì hỏi sao không mệt, không uể oải rụng rời chân tay. Thế nên, cái ý nghĩa ngày Tết là được nghỉ ngơi sum vầy, gần như chẳng thấy đâu trong ký ức bao mùa xuân đã trôi qua, kể từ khi rời nhà theo chồng, sinh con đẻ cái của "500 chị em".

Cả mùa Tết ngày nào cũng tay xách nách mang, chạy về nội về ngoại phụ nấu nướng dọn dẹp, mẹ trẻ này than thở đòi bỏ Tết đi - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Chị gái Phạm Lý cũng thở dài chia sẻ: "Mình thì có khác gì. Từ 29 Tết cho tới mồng 4, cứ sáng về nhà chồng tối lại lên nhà mình. Mà nào có sướng, sáng nào cũng dậy sớm sắp mâm cúng nhà mình và nấu cháo các thứ cho con, 9h bố con nó dậy lại cho 2 thằng ăn xong lại tay nải tay bị về quê làm cỗ tiếp (bố mẹ chồng thì già ngoài 70 lại con 1 nên phải làm hết không ai phụ) tối lên đến nơi lại hạ mâm cỗ nhà mình cất đi rồi lại lau dọn nhà cửa, xong lại dỗ con nhỏ ngủ, đi giặt giũ dọn dẹp tới hơn 1h mới xong".

Cô nàng Phạm Kiều Anh cũng ngắn gọn chia sẻ cảm xúc tương đồng của mình như sau: "Mình gần như bạn. Tết năm nào cũng bù đầu bù cổ lo cho chồng con, nội ngoại. Sang năm thề là bốc cả nhà đi du lịch, khỏi làm nhiều nữa vì mệt quá rồi".

Nhưng nói thì nói vậy, mệt thì có mệt nhưng thật tình như cái câu nhiều chị em vẫn hay bảo với nhau là "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Cũng có nhiều gia đình, vì hiểu tình cảnh của vợ, của mẹ, của các cô, các dì nên thay vì cứ tổ chức Tết thật linh đình thì càng ngày càng giản lượt bớt để có thời gian cho những người phụ nữ tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ Tết quý giá hàng năm này. Nhưng giản lược chứ không bỏ vì theo nhiều chị em thì Tết vẫn trọn vẹn ý nghĩa nếu biết cách sắp xếp và dung hòa.

Cả mùa Tết ngày nào cũng tay xách nách mang, chạy về nội về ngoại phụ nấu nướng dọn dẹp, mẹ trẻ này than thở đòi bỏ Tết đi - Ảnh 4.

(Ảnh: Facebook)

"Mình nghĩ không nên bỏ Tết, cả năm mới có cái Tết được nghỉ dài ngày để đi thăm ông bà bố mẹ với anh em họ hàng. Nhà mình thì Tết chỉ đi chơi thôi chứ không nấu nướng ăn uống gì. Bố mẹ chồng cũng thoải mái, đến bữa ai ăn thì ăn, không ăn thì đi chơi. Năm sau mom thử sắp xếp thời gian hay khuyên nhủ nội, ngoại làm đơn giản thôi xem như nào" – chị gái Phương Lê chia sẻ.

Bạn gái Thủy Trúc cũng nói thêm vào: "Thử năm nào các mẹ cứ vất hết lễ nghi truyền thống này nọ qua 1 bên. Tận dụng được nghỉ Tết dài ngày không phải đi làm mà ôm con, rủ chồng trốn đi du lịch vài ngày thử đi. Chứ nghe các mẹ than thở Tết nhất thương quá".

Vậy đó, Tết có lẽ đâu có tội tình gì mà đòi bỏ đúng không chị em, chẳng qua là chúng ta chưa biết cách để hưởng trọn ý nghĩa của Tết mà thôi. Nên nhớ một chân lý như thế này, nếu các chị vui vẻ thích làm công chuyện nhà ngày Tết thì cứ làm, còn nếu các chị nào không thích thì hãy tìm cách để thay đổi nó đi. Năm nay không được thì năm sau, hãy "đấu tranh" cho đến khi nào mình đỡ mệt mỏi và uể oải hơn thì thôi, nhé!

Chia sẻ