Ở Việt Nam, ai cầm mic đi hát cũng là ca sĩ, nhưng ở Hàn Quốc thì không

Tú Oanh,
Chia sẻ

Khác với ở Việt Nam ai cầm micro (míc) đi hát cũng tự nhận mình là ca sĩ, ngành công nghiệp Kpop có những định nghĩa khác nhau để phân biệt giữa thần tượng, ca sĩ và nghệ sĩ. Mỗi danh xưng có tiêu chuẩn đánh giá và địa vị khác nhau trong giới.

Ở Việt Nam, ai cầm mic đi hát cũng là ca sĩ, nhưng ở Hàn Quốc thì không - Ảnh 1.

Hoàng Thùy Linh gây tranh cãi về khả năng hát live trong Vietnamese Concert.

Sau nhiều ngày ồn ào, concert đầu tiên trong sự nghiệp của Hoàng Thùy Linh diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) vào tối 29/9, với sự ủng hộ của gần 7.000 khán giả. Đây cũng là thời điểm người đẹp sinh năm 1988 đưa ra đáp án cho câu hỏi mà cô né tránh trong buổi họp báo ngày 6/9 về khả năng hát live (hát trực tiếp).

Trái ngược với thái độ văn vẻ trước đó, Hoàng Thùy Linh cho thấy sự thiếu hụt lớn về khả năng thanh nhạc. Xuyên suốt Vietnamese Concert, chủ nhân hit Để Mị nói cho mà nghe chủ yếu hát đè trên nền nhạc gốc. Khi thật sự hát live, cô để lộ loạt điểm yếu như không kiểm soát được lấy hơi, hát chênh phô và âm lượng thiếu ổn định.

Màn thể hiện đáng thất vọng của Hoàng Thùy Linh khiến người ta nhớ đến phát ngôn gây tranh cãi vào 6 năm trước của Chi Pu: “Ở Việt Nam, cứ cầm mic lên được gọi là ca sĩ”. Thời điểm đó, hot girl Hà thành một thời hứng chịu vô số lời chỉ trích từ khán giả và nhiều ngôi sao trong giới. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, Chi Pu nói không sai. Chúng ta không có một danh từ nào khác để mô tả những người cầm mic biểu diễn âm nhạc nhưng có thiếu sót về giọng hát.

Nhớ lại hai đêm diễn của BlackPink tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) vào cuối tháng 7, 4 cô gái nhà YG Entertainment cũng chọn cách hát đè trên sâu khấu. Đôi lúc, họ bỏ luôn cả mic để thực hiện vũ đạo, thấy rõ nhất là trong tiết mục solo Money của Lisa.

Tuy nhiên, BlackPink không phải nhận những lời chê bai gay gắt nào về giọng hát như Hoàng Thùy Linh. Họ được truyền thông tung hô biểu diễn đẹp mắt, sân khấu hoành tráng, ngoại hình xuất sắc và tương tác với khán giả thân thiện... Cũng có một số ý kiến về khả năng ca hát nhưng chỉ như hạt cát trên sa mạc, không ai để tâm.

Trong hơn một năm thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới Born Pink , BlackPink duy trì cách thức biểu diễn đó và được khán giả toàn cầu đón chào nồng nhiệt. Họ thiết lập loạt kỷ lục bán vé mà chưa nhóm nhạc nào làm được trong lịch sử.

Rosé là thành viên hát tốt nhất nhóm. Jennie và Lisa thiên về rap, chất giọng không ổn định, lúc được khen, lúc bị chê. Jisoo bị đánh giá hát yếu nhất, thậm chí còn bị khán giả Việt Nam đem ra so sánh với Chi Pu. Dẫu vậy, họ vẫn là nhóm nhạc nữ Kpop nổi tiếng thế giới nhất hiện nay.

Ở Việt Nam, ai cầm mic đi hát cũng là ca sĩ, nhưng ở Hàn Quốc thì không - Ảnh 2.

Cũng hát đè trong concert ở Hà Nội, BlackPink vẫn được khán giả yêu mến.

Bỏ qua danh tiếng, tầm ảnh hưởng hay xuất thân, BlackPink và Hoàng Thùy Linh giống nhau về bản chất nghề nghiệp. Điểm khác biệt lớn nhất giữa họ và cũng là lý do cho việc Hoàng Thùy Linh bị chê còn BlackPink được đón nhận là tên gọi. Trong khi Hoàng Thùy Linh hoạt động với tư cách ca sĩ, BlackPink ra mắt trong vai trò nhóm nhạc thần tượng, các thành viên là idol Kpop.

Ở Hàn Quốc, cầm mic chưa chắc là ca sĩ

Trên diễn đàn Reddit, chủ đề "Sự khác biệt giữa thần tượng và ca sĩ là gì?" thu hút cư dân mạng tham gia thảo luận.

Một cư dân mạng đưa ra câu trả lời khá cụ thể và nhận được nhiều sự đồng tình: "Trọng tâm chính của ca sĩ là sử dụng giọng hát của họ để sáng tạo nghệ thuật. Trọng tâm của thần tượng là bán hình ảnh. Họ duy trì ngoại hình và hình ảnh hoàn hảo để mọi người có thể thích họ. Có những thần tượng hát hay và có niềm đam mê ca hát, nhưng đó không phải là trọng tâm chính. Đặc biệt, với thế hệ mới, người ta tập trung nhiều hơn đến sự hiện diện trên sân khấu và khả năng vũ đạo.

Ca sĩ sẽ tập trung vào âm nhạc của họ như nguồn tương tác chính với người hâm mộ. Thần tượng phụ thuộc vào việc khiến người hâm mộ yêu mến họ với tư cách hình mẫu. Đó là lý do họ tổ chức các cuộc gọi với fan, sự kiện bắt tay, thử thách nhảy TikTok… Quá trình quảng bá nhằm mục đích khiến người hâm mộ say mê hình tượng xây dựng cho thần tượng, chứ không phải tài năng ca hát của họ.

Nhiều thần tượng có khả năng thanh nhạc ở mức bình thường đến kém, họ ra mắt ở vị trí visual (hình ảnh), rapper hay dancer và vẫn cực kỳ nổi tiếng. Tôi biết có thể làm phật lòng nhiều người nhưng không ít thần tượng nổi tiếng nhất không có khả năng ca hát”.

Ngành âm nhạc Hàn Quốc có sự phân chia thành phần rõ ràng, bao gồm idol, ca sĩ và nghệ sĩ. Mỗi danh xưng có khái niệm và tiêu chuẩn đánh giá khác nhau. Mặc dù đều cầm mic biểu diễn trên sân khấu âm nhạc, tên gọi khác nhau cho thấy đẳng cấp khác nhau.

Theo quan niệm thông thường của công chúng Hàn Quốc, idol bị đánh giá thấp hơn so với ca sĩ và ở vị trí cao nhất là nghệ sĩ. Những ai từng theo dõi các chương trình tìm kiếm tài năng như Show Me The Money , Unpretty Rapstar ... dễ dàng chứng kiến cảnh tượng các idol dù nổi tiếng đến đâu đến đăng ký tham gia vẫn bị những thí sinh khác nhìn với ánh mắt coi thường. Mỗi lần có thần tượng nào biểu hiện tốt trong vòng tuyển chọn, mọi người đều chung biểu cảm không thể tin được. Nguyên nhân có thể hiểu là kỳ vọng đặt vào các idol không cao.

Một người trước khi ra mắt với tư cách thành viên trong nhóm nhạc thần tượng phải trải qua quá trình làm thực tập sinh, kéo dài vài năm hoặc thậm chí hơn chục năm. Xuyên suốt thời gian đó, họ được đào tạo trong môi trường khắc nghiệt để đáp ứng toàn vẹn các yêu cầu từ công ty quản lý như ca hát, vũ đạo, ngoại hình, tương tác với ống kính, chụp ảnh thời trang, diễn xuất... Chỉ những người phù hợp nhất mới được lộ diện trước công chúng.

Nhóm nhạc thần tượng xây dựng hình tượng theo chiến lược của công ty quản lý. Họ có thể theo phong cách đáng yêu, gợi cảm hoặc cá tính, tuy nhiên điểm chung là phải hoàn hảo không tì vết. Mỗi thành viên trong nhóm đảm nhận vị trí riêng, thông thường chia thành hát, rap, nhảy và visual (hình ảnh). Ví dụ như trong BlackPink, Rosé là hát chính, Jennie phụ trách rap, Lisa nhảy và Jisoo là visual. Số lượng người đảm nhiệm các vị trí trên nhiều hơn tuỳ thuộc vào quy mô nhóm.

Đa số nhóm nhạc thần tượng không sáng tác hoặc sáng tác ít. Họ có ê kíp hùng hậu phía sau hỗ trợ về mọi mặt. Nhiệm vụ chính của các idol là xuất hiện lung linh, ấn tượng nhất. Họ được đào tạo để trở thành hình mẫu, mục tiêu theo đuổi của khán giả, chủ yếu là giới trẻ.

Ở Việt Nam, ai cầm mic đi hát cũng là ca sĩ, nhưng ở Hàn Quốc thì không - Ảnh 3.

BTS và BlackPink là hai nhóm nhạc thần tượng Kpop nổi tiếng nhất thế giới.

Trên các trang báo mạng, tiêu đề về các idol thường là khoảnh khắc "bùng nổ" visual trên sân khấu, cơ bụng "6 múi", hình thể như tạc tượng, thời trang sân bay hay biểu cảm hài hước nào đó. Tương tự, chủ đề được cư dân mạng đưa ra thảo luận về idol cũng là trang phục biểu diễn có đẹp không, trình diễn vũ đạo ra sao, có mắc lỗi nào trên sân khấu không... Giọng hát cũng được nhắc đến nhưng không nhiều. Dĩ nhiên, idol nào có khả năng thanh nhạc tốt sẽ ghi điểm với người hâm mộ, nhưng nếu họ hát không ổn cũng không phải vấn đề lớn.

Đó là lý do khi Jisoo phát hành sản phẩm solo đầu tiên, dù cô bị chê hát yếu, Flower vẫn nổi đình đám toàn cầu, thiết lập các kỷ lục ấn tượng. Một phần nhờ danh tiếng của BlackPink, phần còn lại đến từ giai điệu gây nghiện, vũ đạo dễ thành xu hướng, MV đầu tư và Jisoo đẹp.

Năm 2018, trên sân khấu MAMA 2018, Jimin (BTS) bị hụt hơi, lạc giọng trong lúc trình diễn Fake Love . Tuy nhiên, cư dân mạng Hàn Quốc và quốc tế vẫn dành nhiều lời khen cho Jimin. Họ cho rằng vừa nhảy vừa hát khó tránh khỏi mắc lỗi. Không chỉ thế, nhiều fan còn cảm động vì thần tượng cố gắng hát live hoàn toàn trong suốt màn trình diễn bất chấp lịch trình dày đặc, từ chuyến lưu diễn thế giới đến các sự kiện cuối năm.

Tương tự, HyunA bị đánh giá hát yếu, giọng rap kỳ lạ nhưng cô tự tin phát triển sự nghiệp solo, được ca ngợi là "nữ hoàng gợi cảm Kpop".

Năm 2016, chương trình sống còn Produce 101 tạo ra nhóm nhạc nữ dự án I.O.I gồm 11 thành viên. Đa số họ là các idol hoặc thực tập sinh từ các công ty giải trí khác nhau, riêng thành viên Kim So Hye vốn được đào tạo để làm diễn viên. Lúc mới tham gia chương trình, cô không biết hát, cũng không biết nhảy, bị gắn mác bất tài. Qua từng tập, kỹ năng trình diễn sân khấu của So Hye cải thiện dần nhưng giọng hát vẫn là điểm yếu. Tuy vậy, cô vẫn sống sót qua từng tập và cuối cùng được ra mắt với tư cách thành viên I.O.I. Nguyên nhân được cho là câu chuyện của So Hye thú vị, mang đến hình ảnh một cô gái bình thường nhất vẫn có thể tỏa sáng và thành thần tượng.

Một yếu tố khác khiến giọng hát ít quan trọng với idol là không ít nhóm nhạc Kpop được thành lập với tiêu chí "càng nhiều càng ít" như SNSD và Twice có 9 thành viên, Treasure và EXO có 12 thành viên, Seventeen có 13 thành viên... Số lượng idol trong nhóm đông đồng nghĩa với bài hát càng bị chia nhỏ ra, có những trường hợp chỉ hát một câu trong cả tiết mục. Kỹ năng thanh nhạc gần như không có đất dụng võ.

Thanh nhạc không phải yếu tố quan trọng với idol Kpop nhưng họ bị soi xét kỹ về mặt hình ảnh. Một lỗi trang điểm hay trang phục không phù hợp cũng bị khán giả và truyền thông đưa ra mổ xẻ. Thần tượng công khai hẹn hò ở thời kỳ đỉnh cao bị cho là phản bội người hâm mộ. Họ chỉ cần đi chệch khỏi hình mẫu định hình trong đầu khán giả đều dễ dàng trở thành tâm điểm chỉ trích.

Thời gian gần đây, Lisa biểu diễn tại Crazy Horse khiến cộng đồng mạng "dậy sóng". Người đẹp Thái Lan bị chỉ trích nặng nề với cáo buộc gợi dục hóa hình ảnh idol Kpop trong sạch.

Sulli cũng bị bạo lực mạng trong thời gian dài trước khi tìm đến cái chết. Cư dân mạng ghét bỏ cô vì thích "thả rông", lộ khoảnh khắc say xỉn, hẹn hò với nam ca sĩ hơn nhiều tuổi và vô số lý do khác.

Ngày nay, idol Kpop vươn tầm quốc tế, trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng có tác động toàn cầu như BlackPink, BTS. Thậm chí các giải thưởng âm nhạc lớn như VMAs hay EMAs có thêm hạng mục giải thưởng Best Kpop. Tuy nhiên, trong ngành âm nhạc Hàn Quốc, idol có vị thế thấp nhất.

Không phải idol nào cũng được công nhận là ca sĩ

Trên idol là ca sĩ. Danh từ này chỉ những người có hoạt động solo, sở hữu chất giọng và khả năng ca hát vượt trội. Họ có thể sáng tác hoặc không. Hầu hết idol sau thời gian hoạt động nhóm có xu hướng phát triển theo solo và phấn đấu trở thành ca sĩ. Đương nhiên, không phải ai cũng làm được điều đó.

Taeyeon (SNSD) và Hyorin (SISTAR) là hai trong số những idol "lột xác" thành công. Trong khi đó, HyunA (4Minute) hay Jeon Somi (I.O.I) phát triển sự nghiệp solo nhiều năm vẫn chỉ là idol do giọng hát không thực sự nổi bật.

Được coi trọng nhất trong ngành là nghệ sĩ. Họ hát hay xứng tầm ca sĩ, ngoài ra còn có khả năng về sáng tác và sản xuất âm nhạc. Mục tiêu duy nhất của họ là theo đuổi đam mê nghệ thuật. Họ tự do thể hiện cái tôi, suy nghĩ cá nhân trong sản phẩm âm nhạc, không bị thị hiếu số đông ảnh hưởng.

Một trong những nghệ sĩ thành công nhất của âm nhạc Hàn Quốc là IU. Cô sở hữu lượng fan đông đảo không kém các idol hàng đầu nhưng không bị gò bó trong các tiêu chuẩn khắt khe dành cho idol. Nữ diễn viên Khách sạn ma quái thoải mái thừa nhận hẹn hò với tài tử Lee Jong Suk và được công chúng ủng hộ. Năm 2015, IU phát hành MV Twenty Three , trong đó có ảnh uống sữa trong bình dành cho em bé. Một bộ phận khán giả chỉ trích hình ảnh gợi dục. Đáp lại, IU tuyên bố dù có nội dung gì, cô vẫn thích MV đó.

Tháng 5 vừa qua, IU bị cáo buộc đạo nhạc loạt ca khúc hit gồm The Red Shoes, Good Day, Bbibbi, Pitiful, Boo Celebrity. Ngoài phát ngôn phủ nhận từ công ty quản lý, IU giữ thái độ im lặng. Đến nay, danh tiếng của IU không bị ảnh hưởng gì. Phim tài liệu IU Concert: The Golden Hour công chiếu vào cuối tháng 9 thu hút hơn 70.000 người xem tại các rạp phim Hàn Quốc.

Ở Việt Nam, ai cầm mic đi hát cũng là ca sĩ, nhưng ở Hàn Quốc thì không - Ảnh 4.

IU là nghệ sĩ hàng đầu ngành âm nhạc Hàn Quốc hiện nay, được các thế hệ idol mới kính trọng.

Những idol được công nhận là nghệ sĩ còn có G-Dragon (Big Bang), Junsu (JYJ), Taeyang (Big Bang), BoA... Họ không lộ diện thường xuyên trước công chúng, lâu lâu tung sản phẩm âm nhạc mới hoặc không. Thế nhưng, chỗ đứng của họ trong ngành âm nhạc Hàn Quốc luôn vững chắc.

Ngày nay, ranh giới giữa idol, ca sĩ và nghệ sĩ trong Kpop không còn quá quan trọng như trước. Thần tượng mạnh dạn hơn trong việc thể hiện cá tính riêng, không bị người hâm mộ tác động quá nhiều như Jisoo công khai bạn trai, Lisa biểu diễn thoát y, Jennie đóng phim 18+ hay Hwasa mặc đồ gợi cảm... Trong khi đó, nghệ sĩ dù tự do sáng tạo nghệ thuật vẫn phải có ý thức tuân thủ các quy chuẩn riêng của ngành, không để bản thân phóng túng quá mức.

Tuy nhiên, sự phân chia tên gọi không phải dư thừa. Mỗi nhóm có chức năng, vai trò và đối tượng khán giả riêng. Từ đó, tiêu chuẩn đánh giá của công chúng và truyền thông dành cho họ cũng khác biệt để tránh trường hợp như Hoàng Thùy Linh - có ngoại hình, vũ đạo tốt, ê kíp hỗ trợ mạnh, âm nhạc có độ phủ sóng cao nhưng hứng "gạch đá" chỉ vì mang danh ca sĩ mà hát live yếu.

Chia sẻ