Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà

Ở rể có phải là "chui gầm chạn"?

,
Chia sẻ

Có tới 68% đàn ông khẳng định không bao giờ chịu ở “nhà bà ngoại”, 18% cho rằng còn tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể và chỉ có 14% trả lời sẵn sàng ở rể nếu không có nhà.

Tôi là nam giới chứ không phải phụ nữ nên rất ngại ngùng khi hỏi điều này, mong Toà soạn thông cảm. Năm nay tôi 28 tuổi, lớn lên trong một gia đình chỉ có hai anh em trai. Anh tôi đã hơn 30 tuổi và đã cưới chị dâu tôi về sống chung với gia đình. Song, bố mẹ tôi vẫn dành cho tôi một căn phòng riêng và bảo bao giờ tôi lập gia đình thì vợ chồng sẽ sống ở đấy. Nhưng hiện giờ tôi đang gặp một chuyện rất khó nghĩ. Từ một năm nay, tôi yêu một cô gái 24 tuổi là con duy nhất của một gia đình mà bố mẹ đều đã nghỉ hưu. Hai bác ấy thấy tôi hiền lành, chịu khó cũng rất mến tôi. Ngược lại, bố mẹ tôi cũng rất bằng lòng với sự lựa chọn người yêu của tôi. Cả hai chúng tôi đã bàn nhau có thể đến cuối năm nay thì cưới.

Nhưng trong khi mọi việc đang diễn ra tốt đẹp như vậy thì một hôm chủ nhật,  tôi đang ngồi ở nhà người yêu, mẹ vợ tương lai nửa đùa nửa thật hỏi rằng: "Nếu hai đứa chúng mày lấy nhau thì cháu có chịu ở rể nhà bác không?". Thú thật là chưa bao giờ tôi nghĩ đến câu hỏi đó nên rất lúng túng. Tôi ậm ừ mãi không trả lời dứt khoát được. Bác ấy bảo: "Đây là điều hai bác muốn nói trước với cháu. Nếu cháu không chấp nhận điều đó thì chẳng thể nên vợ nên chồng được đâu". Cuối cùng, tôi đành thưa: "Đó là việc lớn, bác để cho cháu suy nghĩ thêm!". Thế rồi từ hôm đó đến nay, tôi cứ nghĩ mãi. Tham khảo ý kiến bạn bè thì có đứa bảo không nên. Đó là chưa kể những cậu độc miệng còn nói: "Thế mày định chui vào gầm chạn nằm à ?". Đó là nó muốn móc cái câu "chó nằm gầm chạn"? Như  thế là xấu lắm phải không? Thực tình hiện nay tôi rất phân vân. Không chịu ở rể thì người yêu và bố mẹ cô ấy không nghe mà ở rể lại sợ xã hội chê cười. Tôi rất mong chuyên gia cho một lời khuyên thẳng thắn trước khi có một quyết định dứt khoát và để còn tranh luận với bạn bè cũng như sẽ thưa chuyện chính thức với cha mẹ hai bên. Được vậy tôi rất cám ơn! (Mạnh Hoàng)
 

Bạn thân mến!                     

Trong xã hội ta hiện nay, đàn ông ở rể không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, không ít người vẫn coi thân phận ở rể như "chó nằm gầm chạn". Trước khi trả lời bạn, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu một chút gốc gác của vấn đề này. Do đâu có quan niệm như thế?
 
Quan niệm coi thường, thậm chí có ý khinh miệt những người đàn ông ở rể thực ra xuất phát từ tư tưởng "trọng nam khinh nữ" trong ý thức hệ phong kiến. Giai cấp phong kiến quan niệm chỉ có con trai mới nối dõi được tông đường. Vì thế nếu con trai sang nhà vợ ở rể thì không thể lập bàn thờ ở đó để thờ cúng gia tiên nhà mình. Bố mẹ già cũng chỉ trông vào con trai phụng dưỡng khi sống, chống gậy khi chết, chứ không trông mong gì con gái. Vì con gái lấy chồng sẽ theo về nhà chồng để làm dâu và phụng dưỡng bố mẹ chồng. Do đó, các cụ xưa quan niệm "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một con trai cũng là có, dẫu đẻ mười con gái vẫn là không). Rõ ràng thời đó, bản thân người con gái còn chẳng có chỗ đứng trong gia đình mình, huống hồ lại còn đem chồng mình về ở rể nữa thì lại càng lép vế. Cho nên thời xưa, chỉ có ai bần cùng mới đi ở rể và người đó sẽ bị dư luận xã hội cũng như chính gia đình nhà vợ coi thường. Sống trong gia đình nhà vợ, họ cũng không có quyền gì cả, như người đi ăn nhờ ở đậu, ai cũng có thể bắt nạt được.

Song tất cả những điều trên đây đã lùi vào  dĩ vãng. Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh cho quyền bình đẳng nam nữ chúng ta mới có được quan niệm coi con trai, con gái cũng như nhau, và trên thực tế, bình đẳng với nhau về mọi phương diện. Cho nên, về lý mà nói, nếu người con trai được đưa vợ về nhà mình làm dâu thì tại sao người con gái lại không thể đưa chồng về làm rể?

Nếu đàn ông thời nay vẫn còn ngại ngùng với chuyện ở rể và dư luận xã hội không thay đổi về cách nhìn nhận người ở rể thì vấn đề sẽ không còn chỉ là mặc cảm cá nhân hay chuyện riêng của mỗi gia đình mà xét trên bình diện xã hội, nó có tác hại rất lớn đến chính sách "kế hoạch hoá gia đình". Bởi vì nếu"mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con" nhưng lại toàn con gái mà không có con trai đến ở rể thì dĩ nhiên khi về già vẫn không có người chăm sóc, thờ cúng. Phải chăng chính vì thế mà có nơi, nhất là ở nông thôn vẫn có những gia đình cố tình đẻ thêm bằng được con trai mới thôi. Có nhà sinh đến ba bốn con gái vẫn còn "khát nước". Có người siêu âm thấy con gái là nạo phá đi. Có người còn dấm dúi lấy thêm vợ lẽ không hôn thú để đẻ bằng được con trai, vi phạm luật hôn nhân và gia đình, vi phạm pháp luật. Hậu quả là chúng ta đang rơi vào nạn trai thừa, gái thiếu rất nghiêm trọng.

Vì thế, chuyện ở rể hay không ở rể chẳng còn là chuyện riêng của mỗi nhà mà là vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến toàn xã hội. Trong thực tế hiện nay, nhất là những năm gần đây, đã có khá nhiều người đàn ông "đi tiên phong" trong việc ở rể và được gia đình nhà vợ yêu quý, nể trọng, được bố mẹ vợ thương yêu như con trai và chàng rể cũng yêu quý, kính trọng bố mẹ vợ như bố mẹ mình. Song không phải không có những nhà vẫn "kỳ thị" con rể, gây ra nhiều chuyện bất hoà lục đục trong gia đình. Quan sát nhiều trường hợp như thế có thể rút ra, việc ở rể có êm thấm, hoà thuận hay không, phụ thuộc vào hai điều kiện sau đây:

Một là tuỳ thuộc vào hoàn cảnh. Nếu gia đình nhà vợ chỉ có con gái mà bố mẹ vợ lại già yếu, trong khi người con rể như bạn đã có người anh ruột trông nom săn sóc bố mẹ già thì việc ở rể của bạn là rất thuận lợi. Vìtất cả các thành viên trong gia đình đều cần nhau. Bố mẹ vợ cần có người đàn ông khoẻ mạnh trong nhà. Vợ cũng cần có chồng để cùng giúp đỡ, chăm sóc bố mẹ già yếu và chính bạn cũng muốn chung sống với gia đình nhà vợ. Khi mọi thành viên đều cần nhau như thế thì dĩ nhiên họ sẽ có tâm lý gắn bó với nhau.

Điều kiện thứ hai là tuỳ thuộc vào con người. Nếu người con rể bản chất hiền lành chịu khó như bạn, yêu vợ và kính trọng bố mẹ vợ thì rất dễ chiếm được lòng yêu thương của bố mẹ vợ. Và nếu người vợ lại là người phụ nữ tế nhị, khéo điều hoà các mối quan hệ trong gia đình thì có khi con rể được gia đình nhà vợ yêu quý hơn cả con trai.

Bạn có thể căn cứ vào hai điều kiện đó mà quyết định trường hợp của mình. Tôi nghĩ rằng dư luận xã hội là rất quan trọng, rất đáng chú ý lắng nghe. Nhưng phải xem dư luận đó là của bộ phận tiến bộ hay lạc hậu trong xã hội? Phải xem những người góp ý với ta là chí tình hay có ý khích bác? Đừng vì những lời châm chọc đặc sệt tư tưởng phong kiến mà bỏ lỡ hạnh phúc của đời mình.

Chuyên  gia tâm lý  Trịnh Trung Hoà

Chia sẻ