Ở nhà chồng nuôi liệu có sướng?

Đinh Liên,
Chia sẻ

Chấp nhận từ bỏ sự nghiệp để ở nhà chăm chồng, nuôi con là quyết định của không ít phụ nữ hiện đại. Tuy nhiên, đối với họ, việc ở nhà chồng nuôi có sướng?

“Tôi hạnh phúc vì được dành thời gian cho gia đình”

Là một người phụ nữ khá thành đạt, lại được tín nhiệm trong công ty, chị Nguyên (Hà Đông, Hà Nội) khiến không ít nhân viên phải ngỡ ngàng khi chính thức nộp đơn nghỉ việc. Nhiều người không khỏi băn khoăn khi thấy sự nghiệp đang lên thì chị lại bỏ dở. Nhưng bản thân chị Nguyên lại khẳng định, chị đã suy nghĩ rất lâu mới đi đến quyết định chín chắn đó. “Tôi là một nhân viên kế toán, công việc chi li với từng con số khiến tôi khá mệt mỏi, đau đầu. Cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, việc chăm sóc tốt cho gia đình và làm tốt việc cơ quan khiến tôi bị stress trong khoảng thời gian dài. Tôi hay cáu bẳn và bực bội trong lòng, hai vợ chồng thường xảy ra xích mích cũng vì thế. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi muốn có thời gian chăm chút cho gia đình nhỏ. Vì kinh tế cũng không phải là việc quá quan trọng với hai vợ chồng,” chị tâm sự.

Nghỉ việc được một thời gian dài, chị Nguyên như trẻ ra, vui vẻ hơn với những lo toan chỉ riêng cho gia đình. Hàng ngày, chị thong thả đi chợ, cho con ăn, đưa con tới lớp, làm việc nhà. Thời gian rảnh rỗi chị dành để trồng rau, đọc sách, hoặc làm công việc mình yêu thích. Đến tối cơm canh sẵn sàng đợi chồng về ăn tối. Anh chị cũng có nhiều thời gian đi chơi cùng nhau: “Làm một bà nội trợ không dễ, nhưng thật tuyệt vời. Tôi tham gia lớp học làm bánh, offline cùng hội làm bánh và thường xuyên làm các món bánh mới cho chồng và con ăn. Đó thật sự là niềm vui, sự đam mê của tôi. Cho đến giờ, tôi thấy việc từ bỏ sự nghiệp không khó khăn như tôi vẫn nghĩ.”
 
Nhiều phụ nữ thành đạt cảm thấy hạnh phúc vì được ở nhà chăm sóc gia đình
(ảnh: internet).

Cũng giống như bao nhiêu người phụ nữ yêu công việc, chị Thu Hà (Đại Từ, Hà Nội) được đánh giá là mẫu người phụ nữ hiện đại, năng động. Thành công của chị được nhiều người nể phục. Tuy nhiên, công việc của một nhân viên kinh doanh chiếm hết thời gian. Đôi lúc, muốn có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình cũng không được.

Hai đứa con của chị vào tuổi mới lớn, những thay đổi tâm lý đòi hỏi chị phải quan tâm nhiều hơn tới các con, trong khi công việc của một phó phòng kinh doanh  khiến chị thường xuyên mệt mỏi, áp lực. Xin nghỉ việc một thời gian để chăm sóc gia đình, chị cảm thấy vui hơn hẳn. “Việc đầu tiên tôi làm là cho cô giúp việc nghỉ việc, một mình tôi dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng. Tôi đăng kí một lớp học nấu ăn, để làm được những món ăn ngon hơn cho chồng, và con. Thời gian còn lại, tôi quan tâm nhiều hơn đến các con của mình. Tôi cảm thấy thật may mắn vì mình đã có những quyết định đúng đắn,” chị Hà cho biết.

Trong cuộc sống hiện đại, có không ít phụ nữ thành công trong sự nghiệp lại muốn bỏ dở công việc của mình để ở nhà chăm sóc gia đình. Khi chưa thể cân bằng được gia đình và sự nghiệp, thì lựa chọn ở nhà để trở thành một người phụ nữ đảm đang luôn là ưu tiên số một.
 
Ngửa tay xin tiền chồng… chẳng sướng

Khác với những người phụ nữ có công việc thành đạt, muốn dừng sự nghiệp để chăm chút cho gia đình, chị Hoàng Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) xác định ở nhà nội trợ khi mới lập gia đình. Chồng chị, anh Lâm là một người đàn ông thành đạt, nhưng có phần gia trưởng, anh muốn một người vợ phải lo chu toàn cho chồng con, trước khi lo cho công việc của bản thân mình. Hiểu và yêu anh, chị chấp nhận từ bỏ công việc của một cô giáo mầm non để chăm chút cho gia đình nhỏ.
 
Ở nhà nội trợ, chồng nuôi không hề sướng như nhiều người vẫn nghĩ (ảnh: internet)

Chị sinh hai đứa con liền nhau, mất đến 5 năm chẳng hề nghĩ đến việc gì khác ngoài chăm con mọn. Chỉ việc nhà thôi cũng khiến đầu óc chị lu bù, chẳng còn thời gian để nghĩ đến những đam mê như thưở còn con gái. Nhưng khi các con đã lớn  hơn chút, chị cảm thấy cuộc sống của mình có phần tẻ nhạt. Tệ hại hơn nữa, chồng chị dạo này thường hay kêu ca về các khoản chi phí. “Mỗi lần đi chợ về, chồng tôi lại kêu vợ chẳng biết mua sắm, chẳng có gì ngon để ăn, mà lại tốn tiền. Đến tháng thường thâm hụt vào ngân quỹ và chồng tôi phải thường xuyên đưa thêm tiền chợ. Anh là đàn ông, đâu có quan tâm tới chuyện giá cả bây giờ “nổi bão”, chi tiêu đâu có dễ dàng như xưa,” chị Hoàng Anh bức xúc nói.

Mọi việc chi tiêu đều phải thông qua chồng, thậm chí muốn mua một bộ quần áo mới, một chiếc váy đẹp, hay một bộ mỹ phẩm… chị cũng ngần ngại không dám mua. Vì nếu lỡ… có thích quá, mà chồng không muốn cho mua thì cũng đành chịu.
Cùng cảnh “ở nhà chồng nuôi”, song cũng cần khoản riêng để làm đẹp như bao phụ nữ khác, chị Yến (Kim Giang, Hà Nội) đôi khi, tự ái vì phải “ngửa tay” xin tiền chồng. Bình thường, chồng Yến xởi lởi, dễ tính, vợ tiêu gì không tiếc. Nhưng khi “canh chẳng ngọt”, anh bắt đầu căn vặn những lời khó nghe: “lương đưa bao nhiêu mà cơm không đủ ăn. Suốt ngày quần với áo” hoặc “sắm gì mà nhiều thế. Mặc đến bao giờ cho hết”.
 
Tệ hơn, có lúc Yến không được chồng tin tưởng. Tiền kiếm được, ngoài khoản sinh hoạt phí cho gia đình, còn lại bao nhiêu chồng Yến tự giữ, Yến cũng không được biết.

Đã hơn 7 năm nay, cứ ở trong nhà, làm bạn với mấy bức tường và cái bếp đã khiến tôi mệt mỏi. Nhìn những người phụ nữ thành đạt, có địa vị, tôi thấy thèm khát được như họ. Nhưng khi nói với chồng ý định muốn đi làm, thì đổi lại tôi nhận được những lời cáu gắt. Sống phụ thuộc vào kinh tế, dù là kinh tế của chồng, chẳng sướng gì. Đi chơi với bạn cũng phải xin tiền chồng, tôi cảm thấy mình không có được chút tự do cho riêng mình”, chị Yến than thở.
 
Nhiều bất hòa cũng chỉ vì việc phải... ngửa tay xin tiền chồng (ảnh: internet)

 Trong cuộc sống hiện  đại, nhiều tổ ấm hạnh phúc với mô hình chồng đi làm, vợ ở nhà chấp nhận hy sinh để có thời gian chăm sóc cho đức lang quân và con khá phổ biến.

Nhưng nhiều anh chồng không coi việc chăm con, nội trợ của vợ là một nghề để trân trọng và yêu thương vợ. Cũng với mô hình đó, không ít gia đình đã rơi vào bi kịch khi một trong hai người không hiểu và chia sẻ được vai trò của người kia.

Giải pháp tốt nhất là người phụ nữ nên có một công việc phù hợp với hoàn cảnh, trừ khi vì lý do bắt buộc nào đó phải ở nhà. Công việc không chỉ có thêm thu nhập đóng góp cho ngân sách gia đình, mà điều này còn phòng xa mọi rủi ro, bất trắc lúc chồng bị tai nạn, ốm đau, thất nghiệp... 
Chia sẻ