Ô kìa, lâu lắm rồi mới có một bộ phim “sính ngoại” như “Chị đẹp”!
Tuy nhiên, "Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi" do Son Ye Jin và Jung Hae In đóng chính vẫn khéo léo lồng vào những nét văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc.
Nếu là một fan phim Hàn chân chính, hẳn khán giả đã quen với việc nhà làm phim, từ khéo léo tới lộ liễu, lồng các sản phẩm vào để quảng cáo. Hơn nữa, điều dễ thấy là một số sản phẩm ấy do Hàn Quốc sản xuất, nhằm giúp đẩy lượng tiêu thụ hàng nội địa. Bộ phim càng nổi tiếng, số lần sản phẩm được quảng cáo càng nhiều khiến đôi lúc người xem cũng phải khó chịu.
"Hậu duệ mặt trời" tranh thủ quảng cáo cho chức năng chạy xe tự động trên một hãng xe Hàn Quốc.
"Doctor Strange" của Lee Jong Suk quảng cáo điện thoại chống nước.
"Vì sao đưa anh tới" cũng quảng cáo quá đà cho điện thoại.
Tuy nhiên, Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi (tựa gốc: Something In The Rain) dường như không nằm trong trường hợp này. Sau 4 tập lên sóng, những sản phẩm đắt tiền như xe hơi, điện thoại di động hay đồ điện tử thông minh… được sản xuất tại Hàn Quốc được quảng cáo gần như là không có.
Muốn tìm thấy quảng cáo đồ dùng Hàn Quốc trong "Chị đẹp", khán giả cần căng mắt hơn nữa!
Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi xoay quanh câu chuyện tình yêu của "bà cô" tuổi băm chưa chồng Yoon Jin Ah (Son Ye Jin) và cậu em trai của bạn thân Seo Joon Hee (Jung Hae In). Ngay từ những tập đầu tiên, bộ phim đã có khá nhiều chi tiết rất… ngoại quốc. Điển hình nhất là phần nhạc nền được lồng vào các khung cảnh lãng mạn của cặp đôi chính. Giai điệu nhẹ nhàng, dễ thương cũng như lời nhạc cực kì ăn khớp với diễn biến phim khiến cảm xúc của "Chị đẹp" càng được đẩy lên cao. Điều này hoàn toàn khác với thường lệ, bởi vốn dĩ đây sẽ là lúc thích hợp để họ giới thiệu một ca khúc OST (tiếng Hàn) dành riêng cho cặp đôi.
"Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi": Nhạc nền của Seo Joon Hee và Yoon Jin Ah là nhạc tiếng Anh
Bên cạnh đó, Yoon Jin Ah lẫn cậu em Seo Joon Hee không hề sử dụng điện thoại nội địa mà "máu" đến mức chuyển sang hãng điện thoại của Mỹ. Bạn trai cũ của cô cũng không dùng hãng xe của Hàn Quốc mà lại chọn hãng xe của Đức. Ngoài ra, không chỉ thích những món ăn truyền thống, Yoon Jin Ah còn thích ăn Phở, uống bia và rượu vang. Đồng nghiệp của cô – Kang Se Young (Jung Yoo Jin) khi mời Joon Hee đi ăn tối cũng không rủ anh đi ăn mì đen, mà đích đến của họ lại là một tiệm pizza.
"Chị đẹp" dùng điện thoại iPhone của Mỹ.
Thay vì ăn đồ Hàn thì chị đẹp lại cùng sếp thưởng thức đồ ăn Trung Quốc...
Chị đẹp mời cậu em trai một bữa mì Ý.
Thứ gần như không thể thiếu trong mỗi tập – bia.
Tất nhiên, Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi không hề bỏ qua những nét văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc như thịt nướng và rượu so-ju, liên hoan và karaoke. Việc thêm vào nhiều món ăn các nước cũng là điều dễ hiểu, bởi theo đúng tên gọi của phim, cặp đôi chính phát triển tình cảm nhờ đi ăn cùng nhau. Thực đơn các món ngon Hàn Quốc hoàn toàn có thể lấp đầy những bữa ăn này, tuy nhiên, một chút đổi gió cũng không có gì là đáng ngại.
Một bàn ăn tối hoành tráng và cầu kì là phong cách ăn quen thuộc của người Hàn Quốc.
Thịt nướng và so-ju cũng không bị bỏ quên.
Cho tới thời điểm hiện tại, việc "sính ngoại" của Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi không những không làm khán giả cụt hứng, mà còn tạo ra nét riêng và có phần… tây tây cho bộ phim. Hơn nữa, các khán giả Việt cũng vô cùng hào hứng khi thấy món Phở truyền thống của Việt Nam được quảng bá miễn phí trên phim này. Phải chăng, đây là một chiến thuật lấy lòng người hâm mộ các nước?
Bộ phim vẫn tiếp tục lên sóng vào tối thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần.