Nuôi một đứa con vô ơn, là nỗi bất hạnh lớn nhất của gia đình: Cha mẹ nên dùng phương pháp "nửa mật ngọt, nửa đắng cay; vừa làm thoả mãn, vừa biết chối từ!"
Hạnh phúc lớn nhất trên đời là tình yêu tới từ cả hai phía.
Hai ngày trước, tôi đã xem được một video khá cảm động: Một người đàn ông đang mắc nợ, vì nhờ một người bạn làm kinh doanh giúp đỡ nên anh đã chủ động mời bạn mình đến một nhà hàng nhỏ để ăn tối.
Vì mới ly hôn cách đây không lâu nên anh chỉ có thể đón con đi học về và đưa cậu bé đi cùng. Trong bữa tiệc, người lớn bàn việc, cậu con trai lặng lẽ ăn cơm.
Gần cuối bữa ăn, trong lúc người lớn vẫn đang trò chuyện, cậu bé lén đi đến quầy thu ngân, lấy tiền Tết trong túi ra, nhỏ giọng hỏi: "Cô ơi, bàn của bố con hết bao nhiêu tiền?".
Tuy còn nhỏ nhưng biết rằng cha đang mắc nợ, mẹ lại bỏ hai bố con đi, cậu bé nghĩ bố hẳn đang rất khó khăn. Một lúc sau, khi bữa ăn kết thúc, đứa trẻ đứng lên đi vệ sinh.
Lúc này người cha đứng dậy đi thanh toán thì ông chủ nói rằng hóa đơn đã được thanh toán. Người cha bối rối và hỏi ông chủ: là bạn tôi thanh toán ư?
Ông chủ nói với người đàn ông rằng cậu con trai là người đã thanh toán hóa đơn vừa rồi, không ngừng khen ngợi con trai của người đàn ông. Người đàn ông sửng sốt một lúc, trong lòng có nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Một nửa là tội lỗi, vì bản thân nợ nần, để con mất đi tình yêu thương của mẹ, một nửa là cảm động, có một đứa con trai như thế này, vậy thì còn đòi hỏi điều gì hơn?
Sững sờ một lúc, khi quay lại nhìn thấy cặp sách của con trai mình, anh không kìm được cảm xúc, cúi xuống bật khóc. Người con trai từ nhà vệ sinh đi ra trông thấy bố đang ôm đầu ngồi trên ghế, tưởng bố say rượu, không thoải mái nên vội vàng tiến tới hỏi han. Sau đó, người đàn ông điều chỉnh lại tâm trạng, xoa đầu con trai và nói: "Con trai, chúng ta về nhà thôi".
Video này khiến nhiều người rơi nước mắt, có người an ủi, có người lại động viên.
Có một bình luận khiến tôi rất đồng tình rằng: Có được một cậu con trai ngoan ngoãn và thông minh như vậy chính là gia tài cả đời của anh, anh thực ra đã giàu lắm rồi.
Đúng vậy, đối với những người trung niên như chúng ta, nuôi dạy những đứa con có lòng biết ơn, có lẽ chính là tài sản lớn nhất.
01
Có một chương trình truyền hình thực tế bàn về mối quan hệ giữa thành công cá nhân và gia đình. Một trong những người được phỏng vấn là sinh viên đại học tới từ một vùng nông thôn, sau khi tốt nghiệp, anh làm việc ở Thâm Quyến với thu nhập hàng tháng gần 30 triệu, tương đương với thu nhập gần như cả năm của cha mẹ.
Người dẫn chương trình hỏi anh, anh nghĩ việc vào đại học và có thu nhập cao phải liên quan đến bố mẹ bao nhiêu? Chàng trai trả lời rằng đó chủ yếu là nỗ lực của cá nhân, họ chỉ làm những gì cha mẹ nên làm. Người dẫn chương trình lại hỏi, anh có cần bố mẹ giúp mua nhà và lo cả việc kết hôn không?
Anh nói không chút do dự: "Điều đó chắc chắn là cần thiết. Cha mẹ nuôi nấng tôi, cho tôi đi học, lo việc kết hôn và mua nhà cho tôi, đó là việc họ phải làm. Tôi vào đại học và kiếm được mức lương đó, tất cả là nhờ nỗ lực của bản thân, không liên quan gì đến cha mẹ".
Là cha mẹ, ai không cảm thấy buồn khi nghe những lời đó?
Làm việc cật lực để nuôi nấng đứa trẻ, để chúng ra bên ngoài ngắm nhìn thế giới, nhưng lại không nhận lại được sự biết ơn từ chúng.
Tôi không khỏi nghĩ đến một câu nói của Shakespeare trong tác phẩm "King Lear": "Vết cắn của những đứa con vô ơn còn đau hơn cả hàm răng sắc nhọn của rắn độc".
Tôi xem một bản tin kể về một cặp vợ chồng kinh doanh thất bại, để cho con trai tiếp tục học ở trường quốc tế, họ thậm chí còn dự định bán nhà để con được tiếp tục đi học. Tuy nhiên đứa trẻ lại phớt lờ những điều này và không tập trung vào việc học. Khi trở về nhà, không cần biết tình hình tài chính của gia đình ra sao, cậu luôn xin bố mẹ một khoản tiền rất lớn để thỏa mãn sở thích của mình.
Người mẹ bất lực nói: "Nhà của mình sắp bán rồi. Cha mẹ không có nhiều tiền, còn đang tính đi thuê nhà để ở." Sau khi bị từ chối, cậu con trai tức giận: "Lúc nào cũng nói muốn nuôi nấng con nhưng bố mẹ nuôi con cái kiểu gì đây? Có chút vậy cũng không đáp ứng được mà gọi là nuôi à?". Sau đó, cậu đá chiếc ghế đẩu rồi đóng sầm cửa lại.
Cha mẹ dùng hai từ "cha mẹ" như trách nhiệm và cho đi mọi thứ mà không hề dè dặt. Biết bao người con lại dùng hai chữ "cha mẹ" để tự tin đòi hỏi mọi thứ. Những đứa con ích kỷ, thiếu hiểu biết là điều khiến cha mẹ tổn thương nhiều nhất. Chúng luôn đặt nhu cầu cá nhân lên hàng đầu, không biết cảm thông với nỗi khổ và cả những khó khăn của cha mẹ.
Nuôi một đứa con vô ơn, là nỗi bất hạnh lớn nhất của một gia đình.
02
Một đứa con ngoan chính là tài sản lớn nhất của một người
Có người ở độ tuổi 30 nhưng vẫn tự cho mình là trung tâm như một đứa bé khổng lồ, không để ý tới cảm xúc của cha mẹ.
Một số người dù chỉ là thanh thiếu niên nhưng lại giống như những "ông cụ non", gánh vác trách nhiệm gia đình và giải tỏa những lo lắng của cha mẹ.
Giống như cậu bé 11 tuổi được nhiều cư dân mạng khen ngợi. Vì biết bố gặp khó khăn trong việc kiếm tiền nên khi kỳ nghỉ hè đến, cậu chạy đến cửa hàng giúp bố trông coi quầy hàng. Hàng ngày, từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, bố làm bánh xèo ở phía sau, cậu trông coi ba gian hàng dưới cái nắng như thiêu như đốt.
Từ cắt bánh, cân bánh đến đóng gói, toàn bộ quá trình đều được thực hiện chỉ trong một lần, khéo léo như người lớn.
Có người hỏi cậu có mệt không? Cậu nói: "Có mệt đến mấy, con cũng không mệt bằng ba, không có cay đắng sẽ không có ngọt bùi".
Có người khen cậu là một cậu bé ngoan. Cậu thẳng thắn nói rằng, không có đứa con nào sinh ra đã ngoan ngoãn, tất cả chỉ là kết quả của việc dạy dỗ, cháu làm điều này vì nó có thể giúp ba chia sẻ gánh nặng.
Khi nói về suy nghĩ tương lai của mình, cậu bé chia sẻ: Cậu muốn học tập chăm chỉ và muốn tìm ra cách để ba có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những đứa trẻ có lòng biết ơn là cánh tay phải của chúng ta. Chúng biết cảm thông với bạn, hiểu niềm vui nỗi buồn của bạn và luôn muốn giúp bạn bằng tất cả khả năng của mình.
Năm Dương 10 tuổi, mẹ của cậu bé được chẩn đoán mắc bệnh ALS. Bởi vì ba phải ra ngoài kiếm tiền nên Dương phụ trách việc chăm sóc mẹ. Cứ như vậy, cậu dần dần học được cách giúp mẹ tắm rửa, cho mẹ ăn uống, xoa bóp... Cứ như vậy, thấm thoắt 12 năm đã trôi qua. Giờ đây, cậu bé Dương năm ấy đã trở thành một người đàn ông có trách nhiệm. Để giúp mẹ tìm lại niềm vui cuộc sống, dù không biết gì, cậu vẫn học cách trang điểm và buộc tóc cho mẹ. Thỉnh thoảng cậu cũng đưa mẹ đi mua sắm và ăn lẩu.
Dương kể: "Mẹ tôi mới 21 tuổi khi sinh tôi. Bà lựa chọn đi bộ thay vì bắt xe buýt đi làm trong những ngày hè nóng nực, chỉ để tiết kiệm tiền mua sữa bột tốt hơn cho tôi, tôi của hiện tại có lý do gì để buông tay bà?".
Hạnh phúc lớn nhất trên đời là tình yêu tới từ cả hai phía.
Chúng ta yêu thương con cái và không muốn chúng phải chịu bất kỳ sự bất công nào, con cái cũng trân trọng và đáp lại tình yêu thương này.
Một đứa con ngoan chính là tài sản lớn nhất của một người, vì đứa con ấy chính là nguồn dinh dưỡng cho cuộc đời chúng ta.
03
Tôi từng đọc được một bảng câu hỏi từ một tổ chức nghiên cứu: Ai là người bạn kính trọng nhất?
Trong suy nghĩ của trẻ em Nhật Bản, người đầu tiên là bố, người thứ hai là mẹ và người thứ ba là Sakamoto Ryoma (một nhà lãnh đạo phong trào chống đối Mạc Phủ Tokugawa trong thời kỳ Bakumatsu tại Nhật Bản). Trong suy nghĩ của trẻ em Trung Quốc, kết quả hoàn toàn ngược lại, bố xếp thứ 10, mẹ xếp thứ 11.
Một tờ báo đã bình luận về điều này: "Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc cho rằng họ là những nhà giáo dục gia đình giỏi nhất thế giới, nhưng họ không thể ngăn được việc địa vị của mình trong tâm trí con cái ngày càng suy giảm".
Tại sao lại có tình trạng như vậy?
Tôi đồng ý với một câu: Tất cả những đứa trẻ vô lễ, vô ơn đều do cha mẹ chiều mà ra.
Nếu muốn con cái cảm thấy biết ơn, trước tiên bạn phải thay đổi phương pháp giáo dục của mình.
1. Nửa mật ngọt, nửa cay đắng
Một cặp cha mẹ thuộc tầng lớp lao động trung lưu luôn thắt lưng buộc bụng để mang lại cho con cái họ một cuộc sống tốt nhất có thể.
Một lần, khi con trai muốn mua một con chó thuần chủng, họ cắn răng mua cho con, nhưng phản ứng đầu tiên của đứa trẻ không phải là biết ơn mà là tức giận.
Theo quan điểm của cậu con trai, việc cha mẹ anh có thu nhập không cao, đó chính là cái tội.
Lại chẳng hạn, một cặp cha mẹ kinh doanh luôn giữ quan niệm này: khó khăn phải tự mình gánh chịu, con cái phải được hưởng những điều tốt đẹp nhất.
Kết quả là?
Đứa trẻ từ nhỏ sống trong nhung lụa, không biết việc kiếm tiền khó khăn ra sao, gần như làm mất hết tài sản của gia đình vì nghiện cờ bạc.
Vì vậy, tôi đã suy nghĩ rất lâu: Là cha mẹ, chúng ta nên giáo dục con mình ra sao?
Tôi quyết định để các con tôi lớn lên trong xã hội thực tế.
Chỉ khi ngâm mình trong biển đắng của xã hội, nếm trải thăng trầm, con cái mới có thể đồng cảm với sự vất vả của cha mẹ.
2. Nửa làm thỏa mãn, nửa từ chối
Một cư dân mạng đã chia sẻ câu chuyện này:
Khi các con lớn lên, anh phát hiện ra một vấn đề: Con gái anh tin rằng điều tốt nhất trong gia đình nên dành cho con bé.
Anh cảm thấy cần phải điều chỉnh suy nghĩ của con gái mình.
Có lần con gái vì mải xem phim hoạt hình nên khi mọi người ăn được nửa bữa, cô bé mới ngồi vào bàn ăn.
Con gái anh vốn rất thích ăn đùi gà nên mỗi lần gia đình làm món gà rán, cả nhà sẽ dành nguyên một chiếc đùi gà cho con gái.
Lần này anh cũng làm món gà.
Vì vậy, ngay khi ngồi vào bán, cô con gái liền hỏi: "Đùi gà của con đâu?".
Bình thường, anh sẽ lập tức gắp đùi gà đưa cho con gái.
Nhưng lần này, anh lấy hai chiếc đùi gà đã ủ ấm trong nồi cơm ra và nói: "Hôm nay bà nội nấu ăn vất vả nên đùi gà này sẽ là của bà".
Khi con gái anh bật khóc, anh nói với con:
"Ba mẹ rất thương con, nhưng không phải mọi thứ trong nhà, con đều được đặt lên hàng đầu.
Gia đình chăm sóc con, con nên tôn trọng lòng tốt của cả nhà đối với con và cảm thông cho sự vất vả của người khác".
Nói "làm ơn" khi yêu cầu giúp đỡ.
Sau đó, cô con gái xin lỗi gia đình vì đã khóc lóc vô lý.
Kể từ đó, con gái anh không còn tranh giành đùi gà nữa.
Chiều chuộng không phải là một loại yêu thương, mà là một loại tổn hại.
Việc đáp ứng một cách mù quáng những yêu cầu của trẻ sẽ chỉ nuôi dạy nên một đứa trẻ ích kỉ.
Hãy là bậc cha mẹ biết nói không, để con hiểu được quy tắc và tôn trọng cha mẹ, thay vì chỉ tập trung vào bản thân.
▽
Gần đây tôi thấy một thuật ngữ rất thú vị: "nguyên quyền".
Có nghĩa là trong mắt nhiều đứa trẻ, chúng sinh ra đã là chủ nợ của bố mẹ, bố mẹ mắc nợ chúng khi sinh ra chúng.
Ngày nay những đứa trẻ như vậy rất nhiều.
Phải nói rằng, khi đến tuổi trung niên, người ta không sợ cuộc sống vất vả mà chỉ sợ cho đi tất cả, nhưng lại nuôi dạy nên những đứa con vô ơn.
Nếu con cái có lòng biết ơn, hiếu thảo thì sự vất vả của cha mẹ, dù cay đắng tới mấy, cũng đáng, và cuộc đời, cũng vì vậy, mà vẫn có tương lai.