Nuôi dạy được đứa con kiểu này là phước phần cả đời của đấng sinh thành, cuộc đời không còn gì hạnh phúc hơn
Không có ngôn từ hoa mỹ, không có chân lý sâu sắc, chỉ một câu nói thông thường nhưng cũng đủ xoa dịu tấm lòng rối bời của cha mẹ.
Cách đây một thời gian, ở Trung Quốc có một video đặc biệt cảm động.
Khi một người cha đón con gái đi học về, ông đậu xe cách xa cổng trường. Đứa trẻ bối rối hỏi cha tại sao ông lại đỗ xe xa như vậy. Ông áy náy giải thích, mình lo lắng chiếc xe quá cũ sẽ khiến con gái xấu hổ.
Không ngờ, cô bé lại an ủi: "Không có gì đáng xấu hổ. Điều quan trọng nhất là phải hạnh phúc. Đừng quan tâm đến ý kiến của người khác nha bố". Câu nói này đã khiến người cha rơi nước mắt và làm dịu đi sự lo lắng, xấu hổ của ông. Thật là một hành động ấm lòng!
Có người đã nói: "Làm cha mẹ, niềm vui lớn nhất không phải là con cái đã trưởng thành mà là cuối cùng cũng hiểu được mình". Niềm hạnh phúc lớn nhất của cha mẹ là con cái đã trưởng thành có thể hiểu được những khó khăn của cha mẹ, nỗ lực hết mình để hỗ trợ cha mẹ, mang đến cho cha mẹ sự an ủi cả về vật chất lẫn tinh thần.
Cha mẹ hạnh phúc biết bao khi có con cái hỗ trợ
Cũng từng có một video tương tự trước đây: Cặp phụ huynh nọ vừa mới xong việc ở công trường, sợ con lỡ giờ học nên đi đón con mà không thay quần áo. Trang phục của họ bẩn thỉu, từ trên xuống dưới đầy vết bẩn và bụi bặm. Vì lo lắng về hình ảnh luộm thuộm của mình khiến bị bạn cùng lớp cười nhạo nên dọc đường đi, họ thay đổi cách nói chuyện, trở nên dè dặt, xa cách.
Khi người mẹ đang lưỡng lự bày tỏ sự lo lắng của mình, cậu bé bất ngờ buột miệng: "Cha mẹ không trộm cắp, không có gì phải xấu hổ cả". Không có ngôn từ hoa mỹ, không có chân lý sâu sắc, chỉ một câu nói thông thường nhưng cũng đủ xoa dịu tấm lòng rối bời của cha mẹ. Chắc hẳn hàng triệu cha mẹ khác cũng chỉ mong con nói câu này.
Quả thực, cậu bé không hề kiêu ngạo, quan điểm chính trực, có được một đứa con như vậy là điều may mắn.
Trước đây, một cuộc phỏng vấn trên Douyin về một bà mẹ làm công nhân vệ sinh đã được lan truyền rộng rãi.
Người mẹ nhìn vào ống kính rưng rưng khi nói. Hóa ra lớp con gái của bà tổ chức sự kiện và tình cờ đi ngang qua con đường mà mẹ đang dọn dẹp. Hai bạn nữ cùng lớp cười nhạo: "Mẹ cậu là người thu gom rác!". Cô gái nghe xong liền bênh vực mẹ: "Mẹ tôi không lượm rác, không quét đường, làm sao có được những con đường sạch sẽ như vậy? Thật là một phản ứng thông minh.
Công việc của mẹ không thể mang lại vinh quang cho cô nhưng cô vẫn có thể dũng cảm đứng lên ủng hộ mẹ khi gặp phải sự chế giễu. Con gái mà như thế này thì mẹ còn mong gì hơn nữa?
Thật hạnh phúc cho bất kỳ bậc cha mẹ nào khi có được những đứa con hiểu biết, quan tâm và ủng hộ mình.
Con thành không biết ơn, lỗi tại cha mẹ
Tục ngữ có câu: Con không khinh mẹ xấu, chó không khinh chủ nghèo. Nhưng một số đứa trẻ xem với mọi thứ mà cha mẹ tạo ra như một điều đương nhiên, đồng thời cũng coi thường cuộc sống kém cỏi của cha mẹ. So với lòng nhân ái, yêu thương cha mẹ thì thể diện của chúng luôn được đặt lên hàng đầu.
Nỗi đau lớn nhất của cha mẹ không phải là thành tích học tập của con tầm thường, không thể đem lại vinh quang của gia đình, mà là nuôi dạy một đứa con ích kỷ, vô ơn. Đáng buồn là ngoài đời, không ít đứa trẻ "sói mắt trắng" được nuôi dưỡng vì cha mẹ chiều chuộng không giới hạn và luôn vâng lời con cái.
Tuy nhiên, con cái không phải sinh ra đã không biết kính trọng, biết ơn cha mẹ, có tính phù phiếm, đòi hỏi. Điều này xuất phát từ quá trình nuôi dạy.
Khi con muốn chia sẻ việc nhà nhưng bạn lại ép con học bài với lý do đừng trì hoãn việc học; Khi con thô lỗ với bạn, bạn không ngăn cản mà khen ngợi sự mạnh mẽ của nó; Khi con bạn chỉ theo đuổi những thương hiệu nổi tiếng mà bỏ qua sự vất vả của bạn, bạn sẽ cố gắng hết sức để làm hài lòng con...
Ở đâu có nhân thì ở đó có quả, cha mẹ vô tình không tiếc công sức nuôi dưỡng một con "sói mắt trắng" mà không biết. Việc trẻ có thể đặt mình vào vị trí của cha mẹ và hiểu, quan tâm đến cha mẹ đều là nhờ sự giáo dục tốt của cha mẹ.
Cha mẹ muốn nuôi dạy con tự lập, thấu hiểu có thể làm như sau
1. Đừng che giấu cuộc sống thực trước mặt con cái
Cha mẹ luôn mong muốn con mình có một cuộc sống thư thái, thoải mái nên cố tình giấu đi nỗi đau, sự mệt mỏi nhưng điều này chỉ khiến con cái ảo tưởng rằng mọi việc đều đến dễ dàng. Con cái không thể nhìn thấy nỗi vất vả của cha mẹ nên đương nhiên không có cách nào cảm thông.
Chỉ khi cho con thấy sự vất vả của cha mẹ, con cái mới có cơ hội hiểu một cách sâu sắc và trân trọng tất cả những gì cha mẹ đã dành cho mình.
2. Biết thể hiện điểm yếu khiến trẻ có trách nhiệm hơn
Có những lúc cha mẹ mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần, tâm trạng không tốt, không cần thiết lúc nào cũng phải đóng vai chiến binh thép trước mặt con cái. Thỉnh thoảng tỏ ra yếu đuối và nhờ trẻ giúp đỡ sẽ khiến trẻ cảm thấy được cần đến và ý thức về giá trị của trẻ sẽ tự phát sinh. Một đứa trẻ có trách nhiệm dần dần được nuôi dưỡng theo cách này.
3. Làm gương tốt cho con bạn
Người ta nói cha mẹ là nguyên bản, con cái là bản sao, lời nói, việc làm của con cái đều mang bóng dáng của cha mẹ. Muốn con cái hiểu và quan tâm đến mình khi lớn lên, phụ huynh phải bắt đầu từ chính mình, không phàn nàn về nguồn gốc gia đình hay công việc không "sang chảnh" của cha mẹ.
Chỉ bằng cách này, con cái mới không bị bao bọc bởi những cảm xúc tiêu cực và tránh được hành vi xấu "ghét cha mẹ" được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con cái lớn lên khi không còn phàn nàn vô lý về cha mẹ nữa.