Nuôi con theo mẹ hay theo vợ?

Võ Trần,
Chia sẻ

Cách nuôi dạy trẻ khác nhau giữa 2 thế hệ là nguyên nhân khiến nhiều gia đình “lục đục”, mẹ chồng thì tự ái, con dâu thì ấm ức, để lại sự khó xử cho những... đức ông chồng.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Nguyệt (29 tuổi, Hải Dương), có mẹ chồng đã từng sinh sống ở Đức nên cách sống của bà rất thoải mái và tâm lý, gia đình vì thế mà hoà thuận êm ấm. Tuy nhiên, khi sinh đứa cháu đầu tiên cho bà, nhiều mâu thuẫn đã nảy sinh, vợ chồng Nguyệt có nhiều phen hậm hực trong lòng mà không thể giải toả. Gặp bạn bè được chăm con theo ý mình là Nguyệt bức xúc giãi bày: “tao xác định nuôi đứa con này là nuôi cho bà”.
 
Chị Nguyệt nhiều khi phải hậm hực với cách nuôi con của mẹ chồng.

Sinh mổ nên sau 2 ngày Nguyệt mới có sữa, do sữa ra không đều mà lại ít nên bà nhất quyết không cho cháu bú mẹ vì sợ cháu đói. Dần dần, bé chỉ thích bú bình mà rất lười “ti” mẹ. Mặc dù đã được 6 tháng, nhưng bao giờ phải có mẹ ở nhà thì bà mới tắm cho bé. Lý do là bé tắm xong phải được ti mẹ ngay, “ngay” đến nỗi là khi nào ti xong bé mới được mặc quần áo. Nhiều khi đi làm về muộn, con bị tắm muộn mà Nguyệt không biết làm cách nào để có thể thay đổi được quan điểm của bà. Nguyệt ý kiến với mẹ chồng nhiều lần không được, Nguyệt chỉ biết cằn nhằn với chồng, để cho gia đình yên ấm, hai vợ chồng bảo nhau bấm bụng theo ý của bà.
 
Hay như Hồng, giữa cái nóng hơn 40oC như thiêu như đốt của đợt nắng nóng đỉnh điểm, hai vợ chồng phải căn ke để lắp điều hoà cho con đỡ bị ốm. Tuy nhiên, nói thế nào bà cũng không chịu ở trong nhà nếu bật điều hoà, vì bà sợ cháu bị viêm họng, viêm phổi. Lúc nào bà cũng bế cháu trên tay và cũng muốn Hồng phải bế con như vậy, bà bảo “để nó nằm một mình khổ thân, vì vậy mà mỗi lần bé ngủ 1 mình đều không ngon giấc, hay bị giật mình và khóc thét. Rất nhiều đêm hai vợ chồng Hồng phải thay nhau “trực chiến” bế con trên tay cho con được giấc ngủ no say. Mệt lử vì làm cả ngày, tối về lại phải sinh hoạt theo cách của bà, nhưng vì biết tính bà hay tự ái nên hai vợ chồng Hồng không dám nói thêm gì nữa.
  
Bất đồng trong quan điểm nuôi con dẫn mâu thuẫn trong gia đình (Ảnh minh họa)

Trường hợp của Hoà (28 tuổi, Hà Nội) thì ngược lại, mẹ chồng Hoà rất hiền lành, khéo léo trong cách nuôi dạy con cháu nhưng bà phải chăm cháu hoàn toàn theo sự “chỉ đạo” của con dâu. Không bằng lòng với cách nuôi cháu của con, góp ý mà con không nghe theo nên mỗi khi bà đưa cháu sang hàng xóm chơi là lại than phiền về cách nuôi cháu của con dâu.

Mẹ chồng Hoà muốn lên chăm cháu phải theo đúng lịch của Hoà mà không thể thay đổi suy nghĩ của Hoà trong cách nuôi con. Hoà làm kế toán nên cũng có thời gian lướt web, tìm hiểu thông tin nuôi dạy con trên mạng mà Hoà không biết chắt lọc, lựa chọn. Cứ thấy lời khuyên nào được nhiều người cho là đúng, hợp lý là Hoà áp dụng ngay. 7 tháng tuổi mà con Hoà cứ khoảng chưa đầy 30 phút lại ăn một lần.

Theo lịch của Hoà, 2 tiếng bé ăn bột một lần, ăn bột xong bé ăn 1 hộp váng sữa, sau đó ăn hoa quả và cuối cùng là 1 hộp sữa chua. Do bị ép ăn quá nhiều nên bé rất hay nôn, trớ và sợ khóc thét mỗi khi được ăn. Bé càng trớ thì Hòa lại càng nhồi nhét để mong sao bù đắp lại được chỗ thức ăn con vừa mới nôn ra. Khi trời nóng, Hoà luôn bật quạt thốc thẳng vào con, mẹ bảo thì Hoà đưa ra lý do: sợ con đổ mồ hôi nhiều bị cảm nên nhất quyết không thay đổi quan điểm.

Theo vợ hay theo mẹ?

Hương (26 tuổi, Phú Thọ) thường chiều con thái quá, bé đòi bất cứ thứ gì cũng được mẹ đáp ứng ngay lập tức, dù gần đến bữa ăn mà bé đòi ăn gì Hương cũng dẫn con ra ngoài ăn, để rồi bé lại bỏ bữa, bé chỉ vừa mếu máo thôi là mẹ đã cuống quýt bế lên dỗ nựng. Mẹ chồng Hương khuyên bảo con dâu, lo sợ nuông chiều quá sẽ khiến cháu hư, nhưng Hương luôn bao biện: "trẻ con nó biết gì". Mẹ chồng Hương chỉ biết phàn nàn với con trai nhưng vì quá bận bịu với công việc, vợ lại quá bảo thủ nên chồng Hương đành phó mặc việc nuôi dạy con cho vợ.
 
Cần có sự cân đối để con trẻ có thể phát triển toàn diện (Ảnh minh họa)

Việc nuôi dạy con cháu không phải là chuyện riêng của bố mẹ hay ông bà, cũng không phải trong một sớm một chiều mà có thể thay đổi quan điểm của mỗi người. Nếu trống cứ đánh xuôi, và kèn thì cứ thổi ngược thì sẽ làm hư trẻ. Khi trẻ đã có nhận thức, sẽ không biết nên nghe theo lời ai, thậm chí sẽ ỉ lại vì đã được người kia "vẽ đường".

Trong cách nuôi dạy trẻ, người lớn trong nhà nên tôn trọng cách dạy của nhau, biết kết hợp và hỗ trợ các ưu điểm trong đường lối giáo dục của nhau, điều đó sẽ giúp bé phát triển toàn diện. Nếu như ông bà hoặc bố mẹ có những sai lầm trong cách dạy trẻ thì chỉ nên góp ý nhẹ nhàng chứ đừng chỉ trích gắt gỏng sẽ gây tự ái, căng thẳng cho mối quan hệ trong gia đình.

Chia sẻ