Nước uống đóng bình có thật sự tốt?
Vô tư uống nước đóng chai, đóng bình mỗi ngày, nhiều người không khỏi lo lắng khi biết được thực tế nhiều loại “nước tinh khiết” trông vậy mà hoàn toàn không phải vậy.
Nước rất cần thiết cho cơ thể con người và sự xuất hiện nước uống đóng chai, đóng bình đã mang lại những tiện lợi mà không ai có thể phủ nhận được. Thật không khó để người tiêu dùng tin rằng những loại nước này là “nước tinh khiết” vì chúng hoàn toàn trong suốt. Chính vì vậy mà nhiều người không biết rằng họ đang uống những chai nước kém chất lượng, có khả năng gây bệnh. Nguyên nhân bắt nguồn từ những cơ sở sản xuất hộ gia đình, sản xuất “chui”, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có kiểm tra, có vi phạm
Trong những năm gần đây, số lượng nhãn hiệu các loại nước uống đóng chai, đóng bình tăng lên nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu “nhà nhà, người người sử dụng nước tinh khiết”. Theo số liệu thống kê năm 2009, tại TP. HCM có 326 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình được cấp phép hoạt động, quản lý. Còn số liệu của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng thì cả tỉnh có khoảng 70 cơ sở sản xuất. Mỗi ngày, có cơ sở xuất xưởng gần 1.000 bình loại 21 lít và hàng ngàn chai nước loại 330ml, 500ml và 1,5 lít giao về khắp các địa phương trong tỉnh tiêu thụ. Trong khi đó, tại An Giang và Đồng Tháp là khoảng 50 cơ sở.
Theo số liệu của Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc thì hiện tỉnh này có 34 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình các loại. Trung bình, mỗi cơ sở tiêu thụ 50-100 bình (20 lít/bình)/ngày, tương đương 1.000 đến 2.000 lít nước. Tuy nhiên, trong số đó, có đến 20% các cơ sở chưa đảm bảo điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, đó chỉ là “bề nổi”, vì ngoài những doanh nghiệp sản xuất nước đóng chai có uy tín trên thị trường thì đa số các loại nước uống đóng chai, đóng bình được sản xuất trong những cơ sở chật hẹp, không có đầy đủ các máy móc thiết bị cần thiết, thậm chí nhiều nguồn nước còn được lấy trực tiếp từ nước máy, giếng khoan chưa được xử lý và cho vào bình. Khi uống những loại nước này sẽ thấy cảm giác khác lạ. Điển hình là tại một khu nhà trọ công nhân nằm trên đường số 10 (phường Tân Thuận, Q.7), một số công nhân sau khi mua bình nước 21 lít được đóng nắp kỹ càng, nhãn hiệu chỉ toàn ghi tiếng nước ngoài với giá 12 ngàn đồng/bình về uống. Tuy nhiên, sau khi uống ngụm nước đầu tiên, người uống đã có cảm giác “tanh tanh” khó chịu, trong khi màu nước hơi đục nên đã không dám mua nước từ cơ sở này nữa.
Nguy hại đến sức khỏe
Lâu nay, ít người quan tâm đến việc nước uống tinh khiết đóng chai, đóng bình có hại gì cho sức khỏe hay không, bởi lẽ người ta hay nghĩ rằng, nước chỉ là nước và bất cứ chai nước, bình nước nào cũng như nhau cả. Do vậy, chính người sử dụng đã vô tình đưa nguồn nước bẩn vào cơ thể khi chúng được sản xuất tại những cơ sở không an toàn.
Để xác định nước có nhiễm bẩn hay không, người ta dựa trên các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh và độc chất – kim loại nặng. Các mẫu nước khi đem đi phân tích sẽ cho biết được nó có an toàn cho người tiêu dùng hay không. Các chỉ tiêu lý hóa thông thường như: độ dẫn, màu, đục, kiềm Mg, Ca…, chỉ tiêu kim loại nặng: Al, Cu, Zn, Cr… hay chỉ tiêu vi sinh như: E.Coli,Clostridium perfringens, Streptococcus faecalis… nếu vượt mức cho phép thì rất nguy hại đến sức khỏe người dùng.
Cụ thể, các loại nước giếng khoan không được đưa qua hệ thống xử lý kỹ càng sẽ dễ dàng có sự xuất hiện của vi khuẩn E. Coli gây tiêu chảy, viêm đường ruột.... Những kim loại nặng như chì, thủy ngân rất độc hại, khi sử dụng lâu ngày và tích lũy trong cơ thể có khả năng gây bệnh ung thư. Các cặn đồng, sắt trong quá trình sản xuất, do máy móc thiết bị thô sơ, cũ kỹ để lại trong nước là điều khó tránh khỏi tại những cơ sở được trang bị sơ sài.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM qua các mẫu nước uống đóng chai, đóng bình từ năm 2009 đến 2011 của một số tỉnh thành phía Nam chuyển đến Viện để kiểm nghiệm thì tỉ lệ đạt tiêu chuẩn dao động từ 44% đến 100%, tùy từng địa bàn và địa điểm cụ thể. Trong các mẫu không đạt, thì tỉ lệ mẫu không đạt về vi sinh thường cao hơn lý hóa. Khi các cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thì đa phần các cơ sở vi phạm thường là do không thực hiện việc khám sức khỏe cho người lao động, nên dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh qua nguồn nước, không mặc trang phục chuyên dụng, không thực hiện công bố an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm hoặc không đảm bảo an toàn trong vận chuyển, bảo quản…
Đừng nghĩ “trong suốt” là “tinh khiết”
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. HCM cho rằng, người tiêu dùng cần sử dụng các thương hiệu nước đóng chai, đóng bình đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đúng theo tiêu chuẩn yêu cầu của Bộ Y tế.
Có nhiều loại nước trông có vẻ “tinh khiết” nhưng nếu chưa qua kiểm nghiệm thì có nhiều khả năng chứa vi sinh vật mà bằng mắt thường không thể nào nhận biết được. Tuy nhiên, đối với một số loại nước đóng chai, đóng bình “đặc bẩn” như có mùi vị, màu sắc lạ hoặc được chứa trong những bình nhựa đã cũ kỹ, bụi bẩn vây bám thì không nên dùng.
Theo các chuyên gia thì nước được gọi là tinh khiết trên thị trường thường được xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược, tiệt trùng bằng Ozone và tia cực tím UV hoặc trao đổi ion nên sẽ lọc đi các khoáng chất. Do đó, nếu sử dụng lâu dài thì cơ thể sẽ thiếu khoáng chất và sinh bệnh thiếu vi chất (do 50% khoáng chất của cơ thể được bổ sung qua đường uống). Chính vì vậy, nước máy đạt tiêu chuẩn đun sôi được cho là tốt nhất cho sức khỏe.
Theo Phương Nam – Thanh Mười
Saigonnews