Nước tương Tamari và những lời quảng cáo thổi phồng công dụng chữa bệnh, kể cả đột quỵ, tim mạch
Những lời quảng cáo có cánh về nước tương Tamari, cùng loạt "bài thuốc chữa bệnh" cụ thể từ loại nước tương này, khiến dân tình không khỏi xôn xao.
Nước tương Tamari khác với nước tương truyền thống
Theo Healthline, nước tương Tamari khác với nước tương truyền thống do cách chế biến. Trong khi nước tương truyền thống được làm bằng 4 nguyên liệu chính là đậu nành, nước, muối và lúa mì, nước tương Tamari sử dụng koji và moromi được lên men trong vài tháng, sau đó đem ép lấy chiết xuất chất lỏng.
Để dễ hình dung, nước tương Tamari thường được sản xuất như một sản phẩm phụ của tương miso, được làm từ đậu nành, muối, nước, koji và moromi. Nó cũng trải qua quá trình lên men, nhưng không giống như nước tương truyền thống, ít hoặc không thêm lúa mì. Đây là loại gia vị thơm ngon, lành mạnh hơn so với nước tương truyền thống. Tuy nhiên, loại nước tương này không được ghi nhận có khả năng chữa bất cứ bệnh nào.
Nước tương Tamari và những lời quảng cáo thổi phồng công dụng chữa bệnh
Vào năm 2018, một bài viết quảng cáo sản phẩm nước tương Tamari đăng trên trang Nam An market chia sẻ, nước tương Tamari là sản phẩm cực tốt cho sức khỏe, trong đó nó đặc biệt "có tác dụng trong việc cải tạo sức khoẻ và cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể mà khoa học đã chứng minh và thực nghiệm".
Theo thông tin đưa trên trang thì điểm đặc biệt của loại nước tương này là với sản phẩm để lâu "có thể chữa được nhiều loại bệnh và có tác dụng giải độc". Không chỉ có tác dụng trị bệnh, nước tương Tamaii còn được quảng cáo rất hữu ích với cơ thể khi mệt mỏi do làm việc nhiều hoặc bị suy nhược. Đặc biệt, "nước tương Tamari ngâm tỏi để lâu năm là một trợ phương hữu hiệu cho tất cả các bệnh tim mạch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giảm mệt mỏi". Không những thế, dùng nước tương Tamari pha với nước trà để uống sẽ "có hiệu quả tức thì với chứng đột quỵ, ngất xỉu, cảm cúm".
Chưa dừng lại ở những lời quảng cáo có cánh, thổi phồng công dụng chữa bệnh, bài viết còn chia sẻ hàng loạt các công thức dùng nước tương Tamari để trị bệnh. Từ ngộ độc thực phẩm đến động kinh, suy tim..., loại nước tương này đều có thể chữa được dễ dàng.
Chỉ cần tìm kiếm "nước tương Tamari" trên mạng, bạn sẽ thấy hàng loạt bài chia sẻ về công dụng chữa bệnh của sản phẩm này. Không chỉ chữa bệnh tim mạch, đột quỵ, nhiều người bán hàng quảng cáo sản phẩm có công dụng thải độc gan, chữa bệnh vặt thường gặp trong thời tiết hiện nay như cảm cúm, cảm lạnh... rất tốt. Điều này khiến nhiều người khá bất ngờ vì sản phẩm ăn uống lại được quảng cáo công dụng chữa vô số bệnh, kể cả những bệnh khó chữa trị.
Chỉ cần tìm kiếm "nước tương Tamari" trên mạng, bạn sẽ thấy hàng loạt bài chia sẻ về công dụng chữa bệnh của sản phẩm này.
Đánh vào khả năng chữa bệnh thần thánh, nước tương Tamari được quảng cáo như là sản phẩm có công dụng siêu tuyệt vời, khác biệt hoàn toàn các sản phẩm nước tương ngoài thị trường, nhằm thu phục sự nhẹ dạ cả tin của người mua hàng. Trừ những người nhẹ dạ cả tin, nhiều người tiêu dùng hẳn sẽ đặt ra câu hỏi liệu có loại thực phẩm ăn uống với công dụng thần thánh như vậy hay không.
Nước tương Tamari có khả năng chữa nhiều bệnh, có cả tim mạch, đột quỵ - chuyên gia lên tiếng phản bác
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt (chuyên gia đầu ngành về bệnh tim mạch tại Việt Nam), việc quảng cáo nước tương Tamari hay bất cứ sản phẩm nào có công dụng chữa bệnh nói chung đều rất nguy hiểm. Đối với người bị bệnh tim mạch, đột quỵ thì càng tai hại.
"Việc quảng cáo thổi phồng, quảng cáo sai sự thật về sản phẩm có công dụng chữa bệnh, dù là bệnh nào cũng rất nguy hiểm. Đối với bệnh tim mạch, đột quỵ thì càng đáng sợ hơn vì đây là những bệnh cần được kiểm soát, cấp cứu kịp thời. Bỏ qua thời gian vàng để gặp bác sĩ, vào bệnh viện cấp cứu... có thể gây ảnh hưởng tính mạng người bệnh", chuyên gia khẳng định.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, sản phẩm có thể tốt cho sức khỏe nói chung, cũng có thể tốt cho sức khỏe tim mạch nói riêng. Tuy nhiên, không có chuyện một sản phẩm ăn uống hàng ngày như một loại nước tương, lại được quảng cáo tốt ngang thuốc, thậm chí hơn cả thuốc chữa bệnh như vậy được. Do đó, với những sản phẩm được quảng cáo thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật như này, người dân tuyệt đối không nên tin và mua dùng.
"Người bị đột quỵ, bệnh nhân tim mạch... hay có bất cứ vấn đề sức khỏe nào nên đi thăm khám và điều trị bệnh kịp thời bởi các bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không nên tin và mua những sản phẩm chỉ được tung hô quảng cáo, đem về dùng để chữa bệnh, tránh những hậu quả đáng tiếc", chuyên gia nhấn mạnh.
Bệnh tim mạch, đột quỵ nói chung, nếu không được khám chữa và điều trị kịp thời thì rất nguy hiểm. Nhất là người bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim, lên cơn đau tim... Việc bỏ qua thời gian vàng để sơ cứu, cấp cứu sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng. Người dân tuyệt đối không nên tin dùng theo những quảng cáo sai sự thật, táng tận lương tâm như này.
Chia sẻ về công dụng chữa bệnh của nước tương Tamari, ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Nguyên Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, trong Đông y hiện không áp dụng những cách chữa bệnh này.
Chuyên gia nhận định, nước tương Tamari chính hãng được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, là một trong những món gia vị tốt cho sức khỏe nếu dùng điều độ, đúng cách. "Tuy nhiên, thổi phồng công dụng nước tương Tamari đến nỗi chữa được bách bệnh thì thực chất chỉ là chiêu trò lừa đảo của người bán hàng", chuyên gia khẳng định.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong (Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói chung có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Đáng nói, tình trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội hiện nay diễn ra tràn lan. Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và "thổi phồng" như thuốc chữa bệnh hiện nay như: sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan..., thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, trong thực tế đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân.
Chuyên gia nhấn mạnh, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo "nổ" vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật.