Nước sạch ở khu đô thị Thanh Hà gây mẩn ngứa: Chuyên gia nói về loại độc tố nguy hiểm đến sức khỏe
Kết quả thử nghiệm mẫu nước cho thấy hàm lượng amoni và Clo vượt ngưỡng cho phép.
Sự việc nguồn nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà, ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội không đảm bảo chất lượng, gây mẩn ngứa, khó thở, tức ngực... khiến người dân lo lắng về sức khỏe.
Đặc biệt, kết quả thử nghiệm mẫu nước do người dân cung cấp từ Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thể hiện, hàm lượng amoni (ở mục 4) trong nước là 11,46 mg/l, gấp 38,2 lần ngưỡng giới hạn cho phép, hàm lượng Clo (mục 7) cũng vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, amoniac (NH3) là hóa chất thường gặp trong đời sống.
Theo TS Thịnh, amoniac là loại độc chất, hít phải với hàm lượng thấp có cảm giác cay buốt, hàm lượng cao có thể làm mù mắt hoặc gây dị ứng nghiêm trọng khi ngửi mùi. Độc tính của chất này tùy thuộc vào nồng độ và dạng tiếp xúc. Chất này được xem là nguyên nhân lâu dài của bệnh viêm cuống phổi.
"Đây là thành phần cấu tạo nên protein và những phân tử phức tạp khác. Cơ thể con người cũng sản xuất chất này và thải qua đường tiểu, đó là lý do nước tiểu có mùi khai đặc trưng", ông Thịnh nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu hàm lượng amoni trong đồng ruộng tưới tiêu thì không vấn đề gì nhưng nếu dùng trong sinh hoạt như ăn uống thì độc hại. Amoni sinh ra từ quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ giàu protein như đậu tương làm ra đậu phụ hoặc nước đậu nành hay giết mổ động vật xả chất thải ra ngoài môi trường. Trong quá trình phân giải các hợp chất sẽ sinh ra amoni.
"Đây là dấu hiệu chứng tỏ nước đã bị nhiễm độc. Chất thải protein do vi sinh vật thải ra gây ảnh hưởng sức khoẻ", TS Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm cho biết thêm, hàm lượng amoni ngấm xuống mạch nước ngầm sau đó có thể theo hệ thống nước giếng khoan khi được bơm lên. Trong trường hợp như vậy phải kiểm soát việc sinh ra amoni và độc tố của nó.
"Để ngăn chặn lượng amoni phải tìm ra nguyên nhân khu vực đó có thải ra hay không mà cụ thể xung quanh khu vực có lò giết mổ động vật, sản xuất đậu phụ không. Nếu có phải giải quyết vấn đề này trước. Còn khi amoni đã ngấm xuống mạch nước ngầm với hàm lượng cao quá sẽ gây ra độc.
Nếu mọi người ngửi nhiều amoni sẽ gây chóng mặt, buồn nôn. Khi đun sôi amoni sẽ bay theo hơi nước ra ngoài, người nào hít vào sẽ cảm thấy rất khó chịu. Tuy nhiên, độc tố sinh vật sinh ra amoni vẫn còn ở trong nước. Việc đun nóng chỉ loại trừ được một phần amoni mà thôi", ông Thịnh nhấn mạnh.
Trước đó, sáng ngày 13/10, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức họp với đại diện nhiều đơn vị liên quan để đưa ra giải pháp khắc phục nguồn nước sau phản ánh của người dân.
Tham dự buổi họp có Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai, Công ty CP nước sạch Nam Hà Nội, nước sạch Thanh Hà, nước sạch Hà Đông… cùng đại diện tổ dân phố Khu đô thị Thanh Hà.
Chị Trần Thị An, đại diện cư dân Khu đô thị Thanh Hà cho biết, kết quả cuộc họp này quyết định đến tính mạng, sức khỏe của hơn 30.000 cư dân tại Khu đô thị Thanh Hà. “Hàng nghìn cư dân hy vọng sau cuộc họp, người dân sẽ được sử dụng nước sạch lâu dài. Chúng tôi không đồng ý Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà là nhà cung cấp nước”, chị An nói.
Chị An cho biết, suốt 7 năm qua Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà không giữ đúng hợp đồng đã cam kết, nhiều lần hứa thay đổi về chất lượng nước và hứa nâng cấp hệ thống nước sạch nhưng không làm được.
Sau khi thấy cư dân đồng loạt bị cay mắt, khó thở, mẩn ngứa nghi do dùng nước sạch thì ngày 6/10, cư dân đồng loạt tập trung dưới tầng 1 và thống nhất lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Vài ngày sau đó, kết quả thử nghiệm mẫu nước từ Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thể hiện, hàm lượng amoni trong nước là 11,46 mg/l, gấp 38,2 lần ngưỡng giới hạn cho phép; hàm lượng Clo cũng vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần.
Liên quan đến kết quả thử nghiệm mẫu nước sinh hoạt do cư dân ở khu đô thị Thanh Hà phản ánh, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kết quả này là một kênh để CDC Hà Nội vào cuộc lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tăng cường giải pháp xử lý nguồn nước được Công ty Thanh Hà cung cấp cho người dân.