Nước rau má vừa ngon lại mát vào mùa nắng nóng nhưng đừng uống theo những cách này kẻo thành công cốc!
Nước rau má vừa ngon mát lại bổ dưỡng, được nhiều người mê mẩn, nhất là vào mùa hè. Nhưng chuyên gia nhấn mạnh, điều đó chỉ đúng nếu bạn uống nước rau má đúng cách.
Mùa hè trở lại và chúng ta bắt đầu đối mặt với những cơn nắng nóng đỉnh điểm, nguy cơ say nắng, say nóng cực cao. Những lúc như này, mọi người, nhất là hội chị em phụ nữ lại say mê tìm kiếm những món ăn, thức uống giải nhiệt từ bên trong để cân bằng cơ thể cũng như giúp ngăn chặn mụn, làm đẹp từ trong ra ngoài. Nước rau má chắc chắn không thể nằm ngoài danh sách đồ uống giải nhiệt, làm đẹp da lại siêu ngon - bổ - rẻ.
Nghiên cứu từ y học cổ truyền đến y học hiện đại đều công nhận công dụng siêu tuyệt vời của rau má. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh Đông y, rau má có tính hàn (lạnh), tân (cay), khổ (đắng) có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu, thường được sử dụng để bồi bổ cơ thể, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, mụn nhọt, rôm sảy…
Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, trong rau má có chứa rất nhiều beta caroten, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, Fe, Mg, Mn, P, Kali, các loại vitamins B1, B2, B3, C và K. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, rau má thường được sử dụng nhiều vào mùa hè với tác dụng chính để giải nhiệt cơ thể.
Bởi những công dụng giải nhiệt tuyệt vời ấy, nhiều người tăng cường uống nước rau má vào mùa hè. Nhưng cũng vì thế mà gặp phải vô số những sai lầm đáng tiếc, biến một loại đồ uống ngon bổ thành thuốc độc. Trước vấn đề này, chuyên gia khuyên hãy uống nước rau má đúng cách. Muốn vậy hãy loại bỏ những thói quen dùng tai hại sau:
Uống nước rau má sau đó đi ra ngoài trời nắng
Nhiều người có suy nghĩ trước khi ra ngoài trời nắng nóng nên uống một thứ gì đó mát mẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Đây là suy nghĩ cực sai lầm.
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), khi uống nước rau má xong, bạn cần hạn chế ra nắng vì trong rau má có hoạt chất phản ứng rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
Nếu uống nhiều nước rau má rồi đi ra ngoài nắng, bạn có thể bị bất tỉnh, mê man. Điều này rất nguy hiểm, nhất là khi đang đi xe dưới trời nắng nóng.
Tốt nhất, nếu xác định phải ra ngoài trời nắng thì bạn không nên uống nước rau má trước đó nữa. Nên uống khi cơ thể đang muốn nghỉ ngơi, thư giãn là tốt nhất.
Ngày nào cũng uống nước rau má như uống nước lọc
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), việc uống nước rau má quá nhiều như uống nước lọc sẽ khiến bạn bị đầy bụng, tiêu chảy, tình trạng nghiêm trọng hơn với người có thân nhiệt thấp, hay bị lạnh bụng.
Không những thế, uống nước rau má nhiều mỗi ngày sẽ khiến cholesterol tăng cao, khiến bạn nhức đầu, mất ý thức thoáng qua, giảm khả năng mang thai và tăng nguy cơ sảy thai.
Để uống nước rau má giải nhiệt lại làm đẹp da vào mùa hè đúng cách, với người khỏe mạnh bình thường chỉ nên dùng 40g rau má mỗi ngày và không được dùng quá một tháng. Sau mỗi đợt dùng cần nghỉ ít nhất nửa tháng rồi mới tiếp tục dùng đợt tiếp theo.
Uống nước rau má khi đang mang thai
Với những người chuẩn bị làm mẹ, cần tránh xa loại nước này. Theo lương y Bùi Hồng Minh, uống nước rau má khi đang mang thai là điều cấm kỵ vì có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, khả năng sảy thai cao. Với người đang có ý định mang thai mà sử dụng nước rau má, ăn rau má thường xuyên cũng sẽ làm giảm khả năng thụ thai.
Do đó, nếu bạn thuộc giai đoạn "tiền bỉm sữa", chắc chắn cần loại bỏ ngay nước ép rau má ra khỏi thực đơn hàng ngày của mình để đảm bảo sức khỏe nhé!
Dùng nước rau má để uống thuốc
Đây là hành động kết hợp vô cùng nguy hiểm. Rau má có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ và các thuốc chống trầm cảm... Nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của insulin và thuốc tiểu đường uống khác, cũng như các thuốc hạ cholesterol.
Uống nước rau má khi đang sử dụng một số loại thuốc này có thể gây họa cho tình trạng sức khỏe của bạn. Do đó, nếu đang uống thuốc, tốt nhất bạn không nên uống nước rau má để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, tránh ảnh hưởng sức khỏe.