Nước biển dâng cao, triều cường bất thường phá nát nhiều hàng quán, công trình ven biển TT-Huế
Ngày 19/10, thông tin từ UBND huyện Phú Lộc (tỉnh TT-Huế) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 6, nước biển dâng cao, triều cường bất thường đã phá hủy nhiều hàng quán, công trình ven biển thuộc xã Lộc Vĩnh.
Trong ngày, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hiện trường sạt lở, xâm thực bờ biển tại địa phương này để có phương án ứng phó, đề xuất giải pháp xử lý an toàn khu vực bờ biển bị xâm thực.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 6, từ đêm 18 đến sáng 19/10, khu vực ven biển qua các thôn Bình An, Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) xuất hiện triều cường cao bất thường, nước dâng cao từ biển kết hợp sóng lớn tràn vào bờ gây nên tình trạng sạt lở, xâm thực nghiêm trọng. Sóng biển, triều cường đã phá hủy nền móng, đánh sập hơn 20 hàng quán ven biển của người dân, làm hư hỏng các công trình hạ tầng giao thông nông thôn, gây xói lở nặng khu vực rừng phòng hộ của xã.
Cùng ngày, nhiều địa phương ở vùng thấp trũng ven biển tỉnh TT-Huế như tại phường Thuận An (TP Huế) đã bị triều cường dâng cao làm ngập đường, gây khó khăn, nguy hiểm cho hoạt động đi lại của người dân, đặc biệt là tại tuyến Quốc lộ 49B. Nhiều đoạn quốc lộ bị ngập sâu từ 20-30 cm, người dân phải dùng ghe thuyền để di chuyển, đi lại.
Trước tình hình này, nhiều trường học tại Thuận An, Phú Thanh (TP Huế) đã cho học sinh khối mầm non, tiểu học và THCS nghỉ học để ứng phó mưa bão, triều cường.
Tập trung ứng phó bão số 6
Để ứng phó với bão số 6, trong ngày 19/10, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương đã có công điện gửi các địa phương, cơ quan ban ngành liên quan yêu cầu kiểm tra và tổ chức sơ tán ngay các hộ dân ra khỏi các khu vực sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu; có phương án phòng, chống ngập úng đô thị.
Các địa phương, đơn vị phải bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hạn chế thiệt hại về người, đặc biệt là các tai nạn thương tích đuối nước trước và sau lũ. Nghiêm cấm người không có áo phao cứu sinh lưu thông trên các phương tiện nổi trên sông, hồ, đầm phá.
Tổ chức gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thủy sản, các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển. Có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại chăn nuôi đảm bảo an toàn; bảo vệ diện tích hoa màu chưa thu hoạch xong.
Các địa phương chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói. Xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển báo cảnh báo sạt lở, ngập sâu.
Khẩn trương thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến xấu của thời tiết trên biển để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn về người và tài sản. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, bao gồm tàu bãi ngang ven biển, đầm phá.