Nước Anh rét kỷ lục trong vòng 5 năm, chìm dưới tuyết lạnh vì "Quái vật từ phía Đông"
Khối không khí lạnh từ vùng Siberia mệnh danh là "Quái vật từ phía Đông" đang càn quét khắp châu Âu. Sau khi Ý xuất hiện trận tuyết hiếm hoi, Anh cũng đang khốn đốn vì giá rét.
Xuất hiện vào tuần cuối cùng của tháng 2/2018, khối không khí lạnh cường độ mạnh từ vùng Siberia đã tràn sâu xuống khắp châu Âu, gây nên trận tuyết lớn hiếm hoi tại thủ đô Rome (Ý), khiến cho nhiệt độ tại đỉnh núi cao nhất của Đức giảm sâu -27 độ C, làm nhiều khu vực ấm áp khác lạnh ngang vùng Vòng Bắc Cực (Arctic Circle).
Không chỉ dừng ở đó, theo đúng như dự báo của Trung tâm khí tượng quốc gia Anh Met Office, ngày 28/2, cả nước Anh chìm trong giá lạnh và tuyết rơi nặng nề khi nền nhiệt giảm xuống dưới 0 độ C.
Gió lạnh, tuyết dày (có nơi dày 45cm) và nhiệt độ "cắt da cắt thịt" đã khiến giao thông, đường phố... của Anh hỗn loạn. Hàng trăm ngôi trường đã phải đóng cửa, nhiều tuyến quốc lộ giao thông không thể vận hành, trong đó, phía đông bắc Anh, Kent và East Anglia là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các công ty đường sắt và hãng hàng không ở Anh đã phải đưa ra những thông báo có thể hủy bỏ nhiều lịch trình do tuyết rơi quá dày.
"Kể từ năm 2013, đây là đợt lạnh mạnh nhất ảnh hưởng lên phần lớn nước Anh. Dự báo, không khí lạnh có thể gây tuyết rơi đến hết tuần này. Nhiệt độ phổ biến từ 0 độ C vào ban ngày và -8 độ C vào ban đêm.", bà Laura Patterson, Giám đốc Met Office cho biết.
Lý giải nguyên nhân về khối không khí lạnh mạnh, khiến toàn châu Âu chìm trong giá rét, các chuyên gia thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết:
Nguyên nhân: Hiện tượng ấm lên toàn cầu (nguyên nhân phần lớn đến từ con người) đã khiến băng Bắc Cực dần tan chảy -> hiện tượng này sinh ra những dòng nước ấm hơn, do đó, giải phóng nhiệt cao hơn ra khí quyển -> Điều này dẫn đến sự phân tách của xoáy cực bắc, khiến cho dòng không khí lạnh thì tràn xuống miền nam, còn không khí nóng hơn thì hướng về phía bắc.
Chùm ảnh " Xứ sương mù " chìm trong tuyết lạnh vì " Quái vật từ phía Đông ":
Bài viết sử dụng nguồn: CNN/Ảnh: Nhiều nguồn