Núi lửa phun trào ở Indonesia, 22 người thiệt mạng
Ngày 3/12, núi lửa Marapi (phía Tây đảo Sumatra, Indonesia) đã phun trào khiến cho 13 người thiệt mạng và ít nhất 12 người bị thương. Sau khi quá trình tìm kiếm các nạn nhân tiếp tục vào ngày hôm qua (5/12), lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm 9 thi thể, nâng tổng số người thiệt mạng lên con số 22.
Sau khi công tác tìm kiếm cứu nạn bị tạm hoãn do các nguy cơ về an toàn đối với lực lượng cứu hộ, việc tìm kiếm những người bị mất tích do núi lửa Marapi phun trào đã được tiếp tục trong ngày 5/12.
Lực lượng cứu hộ cho biết sẽ tận dụng những khoảng thời gian “tương đối yên tĩnh” của núi lửa Marapi để tìm kiếm người mất tích còn lại vào ngày hôm nay (6/12).
Ông Ahmad Rifandi, người đứng đầu trạm giám sát tại núi lửa Marapi, cho biết núi lửa này vẫn đang hoạt động rất mạnh và chỉ trong ngày 5/12 đã có 5 lần phun trào. Trong khi đó, vụ phun trào ngày 3/12 đã tạo ra một đám mây tro bụi khổng lồ bao trùm các ngôi làng xung quanh.
Theo BBC , đã có tổng cộng 75 người leo núi ở trong khu vực núi lửa Marapi ở thời điểm xảy ra vụ phun trào hôm 3/12. Hiện, phần lớn trong số họ đã được sơ tán và những người bị bỏng đã được chuyển đến bệnh viện để điều trị.
Các đoạn clip được đăng tải trên không gian mạng đã cho thấy một đám mây tro bụi núi lửa khổng lồ đã lan rộng khắp bầu trời, phủ đầy ô tô và đường sá xung quanh.
Zhafirad Zahrim Febrina (biệt danh Ife), một học sinh 19 tuổi sống sót với khuôn mặt bị bỏng và mái phủ đầy tro bụi đã quay lại một video mô tả tình trạng của bản thân lúc xảy ra sự việc, và gửi cho mẹ mình để cầu cứu trong trạng thái hoảng loạn. Ife đã cùng với 18 người bạn cùng trường đi leo núi và hiện đã được chuyển đến bệnh viện để điều trị.
Được biết, núi lửa Marapi là địa điểm nổi tiếng đối với những người đam mê leo núi ở Indonesia và một số lối mòn mới chỉ mở lại từ tháng 6 năm nay, sau khi xảy ra một số vụ tro bụi phun trào hồi đầu năm.
Trong số 127 ngọn núi lửa ở nước này, đây cũng là một trong số những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất và vào năm 1979 đã xảy ra vụ phun trào “chết chóc” nhất, khi khiến tổng cộng 60 người thiệt mạng.
Theo BBC và The Guardian