Nửa năm sau vụ nữ doanh nhân uống rượu bia lái BMW gây tai nạn liên hoàn ở Sài Gòn: Tang thương vẫn đang đeo bám một gia đình
Sự việc từng gây xôn xao lẫn đau thương lớn trong dư luận rồi cũng tạm đi vào quên lãng, người ta giờ đây chẳng còn nhớ đến cái đêm kinh hoàng đó, nhưng nỗi đau của những người ở lại vẫn âm ỉ khôn nguôi.
Người đàn ông say xỉn cướp đi sinh mạng một nữ lao công đang bám hè phố mưu sinh; 2 người bạn tử nạn ở hầm Kim Liên vì một tài xế có nồng độ cồn cao vượt quá khung xử phạt, và một người phụ nữ, cũng là người mẹ, người vợ trong một gia đình đang ấm êm bỗng một buổi sáng ra khỏi nhà rồi không về được nữa...
Ngày hôm nay chúng ta bàn tán, lo âu, phẫn nộ và muôn vàn cảm xúc với những vụ tai nạn giao thông ám ảnh này. Nhưng rồi 3 tháng, nửa năm, nhiều năm sau nữa, chúng ta cũng bị xoáy vào guồng công việc hiện tại của chính mình mà quên đi những đêm kinh hoàng trên đường phố ấy. Chỉ còn người trong cuộc - những đứa trẻ bơ vơ mất mẹ, những người cha bạc đầu thắp hương con mỗi ngày, người chồng hóa điên vì mất vợ... mãi mãi không thể nào nguôi ngoai.
Đêm kinh hoàng ở ngã tư Hàng Xanh
Đêm 21/10/2018, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại ngã tư Hàng Xanh. Nguyên nhân được xác định là do bà Nguyễn Thị Nga điều khiển xe ô tô hiệu BMW đi hướng Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Sài Gòn, khi đến vòng xoay Hàng Xanh đã tông liên hoàn 5 xe máy đang dừng đèn đỏ. Sau đó tiếp tục lao thẳng vào một chiếc taxi rồi mới dừng lại.
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn tại ngã tư Hàng Xanh vào tháng 10/2018.
Vụ tai nạn liên hoàn đã khiến 1 người tử vong và 5 người bị thương nghiêm trọng. Tại cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Nga có biểu hiện say xỉn đến rạng sáng mới chịu cung cấp lời khai.
Bà Nguyễn Thị Nga - người gây ra vụ tai nạn sau khi uống bia rượu.
Tại cơ quan công an, bà Nga thừa nhận tối hôm đó có uống rượu tại một buổi tiệc tổ chức ở nhà hàng do mình làm chủ (trên đường Pasteur, quận 3, TP.HCM). Mặc dù có "hơi men" trong người nhưng bà Nga vẫn cho rằng mình còn tỉnh táo để điều khiển ô tô về nhà.
Nữ doanh nhân này khai báo: "Khoảng hơn 23h tối 21/10, khi điều khiển xe ô tô trên đường Điện Biên Phủ đến ngã tư Hàng Xanh, tôi thấy tín hiệu đèn đỏ nên đạp thắng xe để dừng lại. Chuyện tồi tệ đã xảy ra trong tích tắc khi tôi dời chân từ cần ga sang cần thắng thì quai hậu chiếc giày cao gót tôi mang bị vướng vào cần ga. Trong lúc quýnh quáng, hoảng quá tôi rút chân lên rồi đạp xuống cần ga khiến chiếc xe lao về phía trước, tông hàng loạt phương tiện đang dừng chờ đèn tín hiệu"
Dù cho rằng chỉ là sự cố "giày cao gót", nhưng tiến hành đo nồng độ cồn của bà Nga, cơ quan chức năng ghi nhận nồng độ cồn của bà là 0,94miligam/1lit khí thở - vượt rất xa so với khung xử phạt theo quy định pháp luật.
Vụ tai nạn gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Sự việc nhanh chóng nhận được sự chú ý của đông đảo dư luận, nhiều người tỏ ra bức xúc với thái độ của nữ tài xế gây ra tai nạn khi bình thản ngồi trên xe gần 20 phút, cho đến khi cơ quan chức năng đến yêu cầu thì người này mới rời khỏi xe.
Vào thời điểm bấy giờ vụ tai nạn như hồi chuông cảnh báo về tình trạng sử dụng rượi bia khi tham gia giao thông. Ngày 24/10, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Nga để tiếp tục các bước tố tụng theo quy định pháp luật. Đến thời điểm hiện tại đã hơn nửa năm trôi qua, những ai quan tâm đến vụ việc này đều muốn biết khi nào vụ án được đưa ra xét xử?
Tài xế Nga tại hiện trường vụ tai nạn.
"Tan nát cả gia đình, mất, mất hết..."
Chịu nhiều mất mát nhất trong vụ tai nạn đêm 21/10 là gia đình của chị Nguyễn Thị Kim Phụng (39 tuổi). Vụ tai nạn đã khiến chị tử vong tại chỗ, chồng chị - anh H.H.Đ bị chấn thương nghiêm trọng, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương (chấn thương sọ não, chấn thương cột sống và gãy xương bàn chân trái).
Con gái của anh chị đang học lớp 10, trong phút chốc mất mẹ, bố nguy kịch, cô nữ sinh vẫn chưa đủ trưởng thành để đối diện với biến cố quá lớn của gia đình.
Một ngày đầu tháng 5/2019, chúng tôi tìm đến nhà của chị Phụng, ngôi nhà nhỏ trong con hẻm chật chội vùng ngoại ô thành phố, cũng đã vơi đi phần nào những đau thương, duy chẳng còn những tiếng cười nói như trước.
Ông Minh bên di ảnh của con gái.
Trò chuyện với chúng tôi là bố ruột của chị Phụng - ông Nguyễn Văn Minh (59 tuổi), từ ngày con gái qua đời, con rể bị chấn thương nặng phải về nhà mẹ ruột để tiện bề chăm sóc thì ông Minh phải lên Sài Gòn thay các con quán xuyến ngôi nhà này, cũng như chăm sóc cho cô cháu nhỏ đang còn đi học.
Nhớ lại đêm kinh hoàng, ông Minh kể: "Đêm bị tai nạn, tôi ở Đồng Nai nên không biết gì. Sáng hôm sau hàng xóm gọi điện báo tin mới tức tốc chạy lên. Làm thủ tục rồi tối mới đưa thi thể của con gái về quê để mai táng. Trước khi về Đồng Nai, gia đình có ghé qua hẻm để con gái tôi được thăm ngôi nhà nhỏ lần cuối".
Con hẻm nhỏ một đêm mưa lớn đón chị Phụng trở về lần cuối.
Đêm hôm đó mưa nhiều, lòng người ai cũng trĩu nặng, dân trong xóm người một tay cầm dù che cho quan tài, thương cho người xấu số, thương cả người ở lại.
Ông Minh trầm ngâm bảo: "Thời gian trôi qua, nỗi đau cũng vơi dần. Nhưng con mất thì đau làm sao tả cho hết. Đùng một cái gia đình tan nát, mất, mất hết..".
Có những nỗi đau không chảy theo dòng nước mắt
Từ ngày chị Phụng mất, ông Minh là người thay chị chăm sóc con gái. Nhưng ông ngoại đã lớn tuổi làm sao chu toàn được như người mẹ. "Cháu tôi buồn nhiều lắm. Cũng may là con bé nó vững tâm lý, chứ gặp đứa khác chắc không vượt qua nỗi" - ông Minh nói, hơn ai hết ông hiểu cái khoảng trống khi mất đi một người thân nó khủng khiếp đến nhường nào.
Cũng vì vậy mà trong một thời gian dài, gia đình luôn giấu anh Đ. rằng vợ anh đã mất trong vụ tai nạn. Ông Minh kể: "Lúc nó nằm trong bệnh viên còn yếu, tâm lý còn không ổn định nên cả nhà giấu không cho biết. Sau đó thì nó vô tình nghe mấy người trong bệnh viện nói chuyện với nhau...".
Theo thông tin từ ông Minh, hiện tại ông vẫn đang đợi để thương lượng dân sự với phía gây ra tai nạn.
Hiện tại anh Đ. về nhà mẹ ruột sống, dù đã phục hồi nhiều nhưng đi lại còn rất hạn chế, mỗi ngày anh phải đến bệnh viện Gia Định để tập vật lý trị liệu. Hôm nào có thời gian rảnh rỗi thì đi xe ôm qua thăm con gái. Chúng tôi đã liên lạc để ngỏ lời hỏi thăm anh Đ., nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Anh không hề muốn nhớ lại những đau thương của đêm hôm đó. Mọi thứ. Và chúng tôi tôn trọng điều đó.
Người ta nói nếu có thể khóc thật lớn rồi quên hết tất cả thì nhẹ nhàng biết bao, nhưng có những vết đau cứ âm ỉ trong lòng người ở lại, giày vò và ám ảnh con người ta suốt cả phần đời còn lại.
Anh Đ. may mắn thoát khỏi cánh tay tử thần nhưng chuỗi ngày phía trước còn quá nhiều gian truân.