Nửa năm nhìn lại: Phim remake có phải mối nguy của điện ảnh Việt?
Trong bối cảnh kịch bản gốc vừa khan hiếm về lượng, vừa kém cỏi về chất như hiện nay thì việc học hỏi cách kể chuyện, cách khơi gợi cảm xúc nơi khán giả thông qua phim remake vẫn là một giải pháp tức thời và hiệu quả.
Trong vài năm gần đây, những bộ phim mua kịch bản của nước ngoài để thực hiện lại ở Việt Nam đã gia tăng đáng kể với một tốc độ đủ nhanh để trở thành một làn sóng mới trong thị trường điện ảnh nước ta. Đây là chủ để tạo ra rất nhiều bàn tán, phân tích, mổ xẻ và tranh luận trong cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng mà chung quy lại, những ý kiến hướng về hiện tượng remake chủ yếu chia làm hai loại tích cực và tiêu cực.
Tháng Năm Rực Rỡ là bộ phim remake đầu tiên của năm 2018
Hoặc đây là một làn sóng tốt giúp phim Việt cải thiện được về chất lượng trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên gốc, hoặc đây là một hiện tượng nhất thời và không đóng góp gì nhiều cho giá trị thực sự của nền điện ảnh nước nhà. Vậy khi đứng trước một tổng thể những luồng ý kiến trái chiều như vậy, chúng ta sẽ nói gì khi nói về remake?
Khái niệm phim remake
Để nói về remake thì trước hết cần phải nắm rõ được remake là gì. Ở môi trường điện ảnh có mật độ remake nhiều như Mỹ, khái niệm này thường hay bị nhầm với Reboot. Phim remake trước hết là phim sử dụng lại một phim đã ra đời trước đó làm nguồn chất liệu chính; thường sử dụng hẳn cốt truyện và nhân vật của phim cũ, chỉ sửa đổi hoặc thêm thắt một số tình tiết, cách thể hiện. Phim remake thường được tạo ra với mục đích cải thiện chất lượng hoặc thay đổi cách thể hiện của phiên bản cũ cho phù hợp với văn hoá và thị hiếu của đất nước thực hiện lại bộ phim.
Trái ngược với phim Reboot là phim dựa theo bộ phim cũ rồi thay đổi một số hoặc toàn bộ cốt truyện, dựng lại theo ý tưởng và góc nhìn hoàn toàn mới của riêng mình. Những ví dụ về phim Remake ở nước ngoài là The Departed của Mỹ đối với bản gốc Infernal Affairs của Hồng Kông hay bộ phim kinh phí khủng Ben-Hur năm 2016 là bản làm lại của tác phẩm cùng tên năm 1959.
Về phía phim Reboot, có thể lấy hai ví dụ là phiên bản The Amazing Spider-Man của Marc Webb là reboot của series phim Spider-Man của Sam Raimi hay phim điện ảnh Star Trek của J.J.Abrams là reboot của series phim truyền hình cùng tên để dễ hình dung.
Ở Việt Nam, khái niệm phim remake bắt đầu được nhắc đến và bàn tán xôn xao sau khi bộ phim Em Là Bà Nội Của Anh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh ra rạp và đạt doanh thu trăm tỉ. Tuy nhiên, không phải chỉ đến khi Em Là Bà Nội Của Anh ra rạp thì remake mới xuất hiện mà khái niệm này đã tồn tại khá lâu trước đó ở địa hạt truyền hình Việt Nam.
Phim truyền hình - kẻ tiên phong trong thể loại remake
Có thể nói phim remake đóng một phần không nhỏ trong sự phát triển của phim truyền hình Việt trong thời gian gần đây. Từ năm 2006 đến nay, màn ảnh nhỏ Việt Nam vẫn mua kịch bản phim nước ngoài về làm lại một cách đều đặn. Khoảng 10 năm trước, hai bộ phim sitcom là Cô Gái Xấu Xí (kịch bản gốc của Colombia) và Nhật Kí Vàng Anh (kịch bản gốc của Bồ Đào Nha) đã làm mưa làm gió trên truyền hình Việt với phong cách nội dung độc đáo, lời thoại sắc nét và thông minh hơn hẳn so với mặt bằng chung của những bộ phim khác chiếu cùng thời điểm.
Nhật Ký Vàng Anh là cái tên gây sốt nhất trên truyền hình tại thời điểm ra mắt
Không chỉ sitcom mà phim truyện dài tập như Cầu Vồng Tình Yêu, Lối Sống Sai Lầm, Anh Em Nhà Bác Sĩ, Vòng Xoáy Tình Yêu cũng được đánh giá là có chất lượng tốt và có được lượng khán giả nhiệt thành đông đảo. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng "remake" không phải là ấn tượng chủ yếu của khán giả với những bộ phim này bởi vì bản gốc đều không phải là những bộ phim nổi tiếng hoặc được xuất thân từ những nước có nền văn hoá xa lạ với Việt Nam. Và hơn hết là những bộ phim này cũng chưa phải là vượt trội hơn hoàn toàn so với những phim có kịch bản gốc khác như Hoa Cỏ May, Lập Trình Cho Trái Tim, Dốc Tình...
Thế nhưng mãi đến năm 2017, remake mới chính thức khiến màn ảnh nhỏ Việt Nam bùng nổ khi Người Phán Xử (mua kịch bản gốc từ Israel) tạo thành cơn sốt lớn cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời, góp phần giúp phim truyền hình giật lại vị trí số một sau nhiều năm bị gameshow và truyền hình thực tế lấn át.
Người Phán Xử là bộ phim truyền hình thành công nhất năm 2017
Ở đây có thể nhận ra một thực tế rằng những phim có bản gốc ít nổi tiếng hơn thì khả năng thành công cũng sẽ cao hơn trong khi bản gốc càng hoành tráng thì khả năng remake thất bại càng cao. Trường hợp điển hình là phim Ngôi Nhà Hạnh Phúc của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bị đánh giá là quá đuối so với bản gốc và chất Việt vẫn còn mờ nhạt trong khi hai bộ phim khác do chính anh viết kịch bản là Bỗng Dưng Muốn Khóc và Vừa Đi Vừa Khóc thì thành công vang dội.
Sân chơi remake có phù hợp cho phim điện ảnh?
Thực ra hiện tượng sử dụng kịch bản nước ngoài đã âm thầm xuất hiện từ phim Yêu của Việt Max năm 2015. Tuy nhiên, yếu tố nguồn gốc kịch bản không chiếm vai trò nổi bật trong kế hoạch truyền thông của bộ phim và sự thật này chủ yếu chỉ được giới chuyên môn biết đến. Bộ phim đầu tiên khiến khái niệm remake trở nên nổi bật trong giới mộ điệu Việt Nam là Em Là Bà Nội Của Anh như đã nói ở trên. Bộ phim xác lập kỷ lục mới về doanh thu phòng vé với con số 102 tỷ đồng và là một cú hích mạnh mẽ đối với thị trường điện ảnh trong nước, giúp đẩy lùi thời kỳ của thể loại hài nhảm, hài thô đang thịnh hành lúc bấy giờ.
Từ đó đến nay, rất nhiều những cái tên khác của nước ngoài được đưa về Việt Nam như Bạn Gái Tôi Là Sếp (bản gốc ATM Errak Error của Thái Lan), Sắc Đẹp Ngàn Cân (bản gốc 200 pounds beauty của Hàn), Yêu Đi Đừng Sợ (bản gốc Spellbound của Hàn)... Đi kèm với hàng loạt những dự án được công bố này là những lời bình luận đầy e ngại về loại hình remake và sự ảnh hưởng của nó đến "chất Việt" của nền điện ảnh trong nước. Ngoài ra, nhiều người cũng chỉ coi remake là phong trào mang tính nhất thời chứ không đem lại giá trị thực lâu dài cho điện ảnh Việt.
Vậy thì remake có đúng là nguy hại cho nền điện ảnh Việt không? Những lo lắng này đã được nhóm lên nhanh đến nỗi giải Cánh Diều Vàng và LHP Việt Nam đều ra thông báo chính thức rằng phim remake không có chỗ trong phạm vi các ứng viên tranh giải trong sân chơi của mình. Tuy nhiên, những động thái phòng vệ này lại khá là thừa thãi bởi trên thực tế, phim remake hiện nay tuy nhiều nhưng vẫn chưa thể bằng được so với số lượng các phim nguyên bản.
Làm lại từ phim gốc chất lượng nhưng Sắc Đẹp Ngàn Cân vẫn thất bại ê chề
Số lượng phim nguyên gốc Việt Nam thành công cũng nhiều hơn phim remake thành công. Sau những thất bại của hàng loạt phim remake gần đây như Sắc Đẹp Ngàn Cân, hoặc không nổi bật lắm như Yêu Đi Đừng Sợ, Ngày Mai Mai Cưới, Ông Ngoại Tuổi 30, Yêu Em Bất Chấp... người ta hiểu được rằng không phải cứ là phim remake là sẽ ngồi rung đùi đếm tiền. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người đã tạo ra phiên bản Việt của Sunny (Tháng Năm Rực Rỡ) cực kì thành công mới đây cũng đã thừa nhận "không phải phim remake nào cũng là phim hay" mà còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, kịch bản Việt hoá phải "sạch sẽ"....
Ngoài ra, remake cũng đang là một giải pháp cứu cánh cho hiện tại bởi nền điện ảnh Việt hiện nay chưa có nhiều kịch bản nguyên gốc chất lượng trong khi số phim mỗi năm tăng khoảng 30%. Một khi rạp chiếu phim tăng, lượng khán giả cũng tăng thì lượng phim cũng phải tăng như một nhu cầu thiết yếu. Nhưng cầu thì có mà cung thì chưa. Số lượng biên kịch không tăng kịp so với nhu cầu hiện có mà các nhà làm phim thì không thể bỏ lỡ cơ hội khi thị trường đang phát triển. Remake chính là chìa khoá để giải quyết sự thiếu cân bằng này.
Chiến thắng của Tháng Năm Rực Rỡ tạm thời khiến cho phim remake chưa bị thoái trào
Ở Hollywood, số lượng các phim được làm lại vẫn gia tăng mỗi năm với nguồn gốc, thể loại đa dạng. Từ remake phim trong nước cho đến phim nước ngoài, phim nghệ thuật cho đến phim thương mại. Điều quan trọng là phiên bản remake có tạo ra sự phát triển thích hợp với thời đại hoặc bối cảnh mới hay không. Nếu có, khán giả của họ hoàn toàn vui vẻ chấp nhận những bộ phim này.
Bên cạnh những lợi thế về mặt thương mại thì phim remake cũng có một đặc tính khác mà ở Hollywood không có. Đó là tính học hỏi. Thông qua việc Việt hoá những tác phẩm có tầm của nước ngoài, biên kịch Việt cũng học hỏi thêm được nhiều điều từ cách xây dựng cốt truyện của những nền điện ảnh tiên tiến hơn và lấy đó làm kinh nhiệm cho các tác phẩm về sau của mình.
Trong bối cảnh kịch bản gốc vừa khan hiếm về lượng, vừa kém cỏi về chất như hiện nay thì việc học hỏi cách kể truyện, cách khơi gợi cảm xúc nơi khán giả thông qua remake là một giải pháp sáng nước. Do đó, nói phim remake đang gây hại cho ngành biên kịch trong nước hoặc đe doạ làm mất chất Việt trong điện ảnh nước nhà được ở thời điểm này thì vẫn còn quá sớm. Chúng ta cần những phim chất lượng được sản xuất trong nước để tăng ngạch doanh thu cho phim nội, tạo được tỉ lệ tương ứng với lượng khán giả ra rạp cứ tăng lên liên tục trước đã.