Nữ xe ôm mưu sinh giáp Tết
Những ngày giáp Tết, nhiều nữ xe ôm quanh khu công nghiệp (KCN) ở tỉnh Bắc Ninh tất bật mưu sinh. Với các chị, Tết năm nay lại thêm chật vật, bởi những “cuốc” xe ôm thưa hơn những năm trước.
Xế chiều, gió mùa đông bắc tăng cường tràn về, trời rét tê tái, khoảng chục phụ nữ ngồi co ro trước cổng Công ty SamSung trong KCN Yên Phong (huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Một vài chị vội vào quán nước trà đá đang nhóm lửa bằng mấy gốc cây khô để ngồi sưởi ấm.
Gánh gia đình trên từng cuốc xe
Mỗi khi có công nhân đi ra khỏi Công ty SamSung, các chị lại chạy đến hỏi: “Xe ôm không em”? “Em đi đâu chị chở”? Thi thoảng, có một công nhân cần đi xe. Một chị vội đến xách đồ cho công nhân, rồi chị xe ôm và khách dần khuất bóng đi về phía cổng khu công nghiệp.
Tôi lân la hỏi chuyện một chị xe ôm ngồi trên chiếc xe máy đối diện trước cổng Công ty SamSung. Chị mặc nhiều lớp áo, đầu bịt khăn kín mít. Mới đầu, chị có vẻ e ngại, sau một hồi làm quen, chị bộc bạch, chị tên là Nguyễn Thị Nhị ở xã Đông Phong (huyện Yên Phong). Năm nay, chị bước sang tuổi 45, chị là người có thâm niên trong nghề xe ôm. Trước kia, chị là một nông dân thực thụ. Nhà chị có vài sào ruộng.
Năm 2005, nhà nước thu hồi hết ruộng của chị làm KCN Yên Phong. Lúc ấy, chị đã hơn 30 tuổi, đi làm nấu ăn trong nhà bếp cho một công ty ở KCN Yên Phong, rồi chuyển sang việc chăm sóc cây, nhưng cũng chỉ làm được vài năm.
“Tôi bắt đầu lớn tuổi, bằng cấp không có nên xin vào làm công nhân rất khó. Bởi vậy, tôi mang xe máy ra trước cổng Công ty SamSung để làm xe ôm. Đến nay, tôi có 7 năm theo nghề này”, chị Nhị trải lòng.
Chị Nhị chia sẻ, không chỉ riêng chị, trong làng cũng có nhiều chị em khác đã đứng tuổi, các công ty không nhận vào làm nên đi theo nghề xe ôm. Riêng trước cổng Công ty SamSung có khoảng 15 chị em chạy xe ôm. Chị làm lâu nhất có hơn chục năm trong nghề, chị làm ít cũng có vài ba năm theo công việc này. Chị già nhất trong nhóm đã gần 60 tuổi. Tất cả các chị đều là lao động chính trong nhà. Cũng như nhiều phụ nữ khác trong nhóm, chị Nhị gánh cả gia đình trên vai bằng nghề xe ôm. Chị Nhị có 5 người con, đứa bé nhất đang học tiểu học, chồng làm nghề thợ xây. Nhiều năm qua, số tiền chị kiếm được từ nghề xe ôm trở thành nguồn thu nhập chính.
Hằng ngày, chị Nhị thức dậy từ hơn 5 giờ sáng để bắt đầu công việc. Những ngày mưa rét, chị vẫn phải có mặt từ sớm đợi khách. Cả ngày, chị rong ruổi ngoài đường cho tối mịt mới về nhà. Mấy năm trước, khi chưa có dịch COVID - 19, chị kiếm được 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Từ ngày có dịch, ảnh hưởng đến sản xuất, công nhân thu nhập giảm nên số tiền chị kiếm được cũng teo tóp theo.
Năm nay càng thêm khó khăn, tình hình đơn hàng giảm, công nhân ít việc hơn, bởi vậy công nhân cũng ít đi xe ôm, thu nhập của chị cũng giảm nhiều. Có ngày, chị không có nổi một “cuốc” xe, chị không kiếm được một đồng. “Phụ nữ theo nghề xe ôm vất vả hơn nam giới, chưa kể nghề này còn đối mặt với nhiều nguy hiểm”, chị Nhị tâm sự.
Vui buồn
Trời nhá nhem tối, chị Nguyễn Thị Mười tranh thủ ăn gói xôi lót dạ sau “cuốc” xe ôm. Vừa ăn xong, chị lại vội đón khách. Chị Mười làm nghề xe ôm lâu năm ở KCN Yên Phong. Năm nay, chị gần 60 tuổi. Chị có hơn chục năm gắn bó với nghề xe ôm. Chị người ở xã Đông Phong, gần KCN Yên Phong. Chị có mấy sào ruộng bị thu hồi, nên đành hành nghề xe ôm kiếm tiền lo cho gia đình.
Chị Mười bảo, phụ nữ theo nghề xe ôm có những lúc nguy hiểm rình rập. Các chị suốt ngày phải chạy xe trên đường nên thường xuyên đối mặt với nguy cơ về tai nạn giao thông. Có những “cuốc” xe ôm đi hàng trăm cây số, nếu không có sức khỏe tốt, các chị khó có thể di chuyển an toàn trên đường. Chị Mười từng có những chuyến xe ôm chở công nhân về Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Không chỉ có nguy cơ gặp trắc trở trên đường, các chị còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khi chẳng may gặp kẻ gian. Chị vẫn còn “giật mình” khi nhớ lại chuyện một nữ đồng nghiệp từng bị sát hại mấy năm trước. Cuối năm 2017, một nữ xe ôm ở gần KCN Yên Phong chạy chở một người đàn ông về Thái Nguyên và người đàn ông này đã giết nữ xe ôm để cướp của.
Chị Mười cho biết, nghề xe ôm mang lại cho các chị những giây phút xúc động về tình người. Tại cổng Công ty SamSung có 20 người làm nghề xe ôm, trong đó phần lớn là phụ nữ. Mỗi người ở một nơi khác nhau, nhưng tuyệt đối không có chuyện tranh giành khách. Các chị tự bảo ban nhau, sắp xếp lần lượt từng người chở khi có khách. Chị này đi xong một “cuốc” xe, lượt tiếp theo đến chị khác. Các chị em yêu thương, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn trong nghề và cuộc sống. Trong lúc đi làm gặp những công nhân gia cảnh khó khăn, không có việc, trong túi không còn tiền, các chị cũng sẵn sàng chở họ đi bắt xe về quê mà không lấy tiền. Cũng có khi trên đường chở khách, gặp người bị tai nạn giao thông, các chị cũng sẵn lòng đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Theo chị Mười, quanh KCN Yên Phong có hơn 100 phụ nữ làm nghề xe ôm, đa phần các chị đều đã đứng tuổi, khó xin được việc ở các công ty, gia đình lại ít hoặc không còn ruộng.
Khi tôi hỏi các chị bao giờ nghỉ Tết, chị Mười, chị Nhị và hơn chục chị xe ôm trước cổng Công ty SamSung đều thở dài. Chị Mười bảo, các chị chưa dám nghĩ về Tết , bởi bận mưu sinh lo cho gia đình. Các chị cũng không nghĩ đến nghỉ Tết, bất kể ngày nào có khách, các chị sẵn sàng lên đường. Có năm, các chị làm đến 30 Tết, tranh thủ lúc vắng khách lại đi thu vén, mua bán Tết cho gia đình. Có những công nhân làm thông Tết, bởi vậy vào những ngày Tết Nguyên đán có khách quen gọi, các chị vẫn lên đường.
“Năm nay, kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm khiến thu nhập của công nhân không được rủng rỉnh nên công nhân đi xe ôm ít hơn. Bởi vậy, chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện sắm Tết”, chị Mười vừa dứt lời, rồi vội mời công nhân tan ca tối đi xe ôm.