Nữ tiếp viên trưởng Vietnam Airlines tiết lộ về 2 chiếc vali đặc biệt luôn mang theo mỗi khi đi bay "giải cứu" người Việt đợt Covid-19 khiến ai cũng sững sờ
Những câu chuyện của họ làm người xem đi hết từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác.
Trong lúc cả thế giới mà cụ thể là những nước lớn như Mỹ hay cộng đồng các quốc gia châu Âu còn đang vật lộn khó khăn để đối phó với đại dịch Covid-19 thì ở Việt Nam, ngay lúc này, chúng ta đã bước vào thời kỳ "bình thường mới". Mọi công việc, hoạt động giải trí hay thậm chí là du lịch trong nước đều đã quay lại guồng quay như trước khi dịch bệnh tấn công. Thành tích này quả là khiến cho tất cả công dân Việt đều cảm thấy tự hào, hạnh phúc và cực kỳ may mắn.
Và khi nhìn lại, trong khoảng thời gian đối diện với dịch bệnh lên đến đỉnh điểm, có rất nhiều câu chuyện đẹp đã được viết ra về những người hùng thầm lặng giữa thời bình. Họ là những bác sĩ, bộ đội, nhân viên hậu cần trong khu cách ly… hay những tiếp viên hàng không ngày ngày đi trên những chuyến bay giải cứu đồng bào từ nước ngoài về nước.
Mới đây nhất, trong show trò chuyện có tên Bar Stories của anh chàng Dustin Nguyễn đã mời đến 2 nhân vật. Một là bác sĩ Anthony Thuận, người trực tiếp đi vào vùng dịch tễ và có công rất lớn trong việc điều trị cho các bệnh nhân và hai là tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines chị Bạch Nga – người có mặt trên chuyến bay thẳng đầu tiên đến Mỹ giải cứu đồng bào Việt. Cả hai người đã mang đến chương trình những nụ cười và giọt nước mắt để ai khi xem cũng thấy được rằng việc vượt qua được dịch bệnh đối với Việt Nam mà nói không hẳn là kỳ tích, đó là sự nỗ lực và hi sinh của không ít người.
Câu chuyện của hai nhân vật, bác sĩ Anthony Thuận và chị Bạch Nga.
Anthony Thuận là một bác sĩ rất nổi tiếng ở Sài Gòn vì vừa có chuyên môn giỏi và lại rất tận tâm với nghề. Hơn thế nữa, phong cách sống phóng khoáng, hiện đại cùng mối quan hệ với nhiều nghệ sĩ cũng khiến cho trang cá nhân của anh được rất nhiều người theo dõi. Đến với chương trình, bác sĩ Thuận đã chia sẻ cảm xúc của mình ngay từ những ngày đầu tiên phát hiện ra bệnh và cả những chuỗi ngày làm việc trong khu cách ly điều trị.
Theo đó, ngay từ đêm Giao Thừa của năm Canh Tý, anh Thuận đã đọc được những tin tức về tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán và bắt đầu chia sẻ những thông tin, kiến thức trên trang cá nhân. Những ngày sau đó, khi Việt Nam còn chưa có bộ dụng cụ để test bệnh thì anh phải khám bằng cảm tính và đôi khi phải đưa ra những quyết định vô cùng khó khăn. Sau đó, anh Thuận cũng là một trong số rất nhiều bác sĩ tình nguyện đi vào vùng dịch tễ.
"Tôi muốn là người phải đi vào vùng dịch để biết nó là cái gì. Tôi là bác sĩ, tôi phải biết nó là cái gì. Gặp ca dương tính là phải lao vào để mà chuyển bệnh nhân xuống bệnh viện Củ Chi… Tôi nghĩ đây là phần rất là quan trọng trong sự nghiệp của người bác sĩ.
Ở trong đó, chúng tôi phải sắp xếp quy trình ăn uống, xét nghiệm cho mọi người. Người Việt có tình đồng đội nên mọi sinh hoạt đi vào nề nếp rất nhanh. Tuy nhiên, chỉ có điều là ở một số trại cách ly có lẫn những người âm tính, những người dương tính và cả những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao thì cảm giác của mọi người sẽ hơi lo lắng. Còn bác sĩ thì phải cẩn thận hơn trong quá trình làm việc".
Còn về nữ tiếp viên trưởng Bạch Nga, chị là một trong số 16 thành viên phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay thương mại đầu tiên xuất phát từ Việt Nam đến Mỹ. Quả thật, không ai có thể ngờ rằng, việc mở một đường bay lại có thể được quyết định trong hoàn cảnh như thế này.
Thời điểm bùng dịch, tiếp viên hàng không chính là những người nhận nhiều ánh mắt kỳ thị nhất vì bị cho là mầm bệnh từ nước ngoài mang về. Tuy nhiên, phía sau đó lại là sự hi sinh không hề nhỏ của cả đoàn để giúp cho càng nhiều người an toàn càng tốt.
"Lúc đi bay, bọn mình đã xác định là khi về sẽ có thể nhiễm bệnh và phải cách ly với người nhà nhưng tất cả vẫn rất đồng lòng. Trước chuyến bay, bọn mình không ai ngủ được không phải vì lo lắng cho bản thân mà vì lo không biết chuyến bay có thuận lợi hay không. Và khi đến Mỹ, cả đoàn đã nhận được tình cảm đặc biệt và khi các hành khách lên máy bay, họ đã khóc trước sự chuẩn bị của chúng tôi với những lá cờ đỏ sao vàng cắm trong khoang và lời bài hát "Xin chào Việt Nam" được phát trên loa hành trình. Bởi khi nhìn thấy lá cờ thì cũng như thấy Tổ Quốc ở ngay trước mắt vậy".
Vượt qua chuyến bay định mệnh đó, chị Nga trở về nhà và đi cách ly. Cho đến hiện tại, chị vẫn tiếp tục bay những chuyến bay chở người Việt ở nước ngoài về. Mỗi lần đi như vậy, chị luôn chuẩn bị 2 chiếc vali, 1 chiếc đi bay và 1 chiếc đi cách ly. Chồng chị chính là người mang chiếc vali thứ hai cho chị.
Và có một điều ở chị Nga khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ đó là chị chính là tiếp viên đầu tiên xung phong không nhận lương trong những chuyến bay giải cứu người Việt. Sau chị, rất nhiều người khác cũng viết thư, gửi mail cho lãnh đạo để không nhận lương nhằm đóng góp chút sức lực nhỏ bé trong công cuộc chống dịch của cả dân tộc.
Khi nói đến những điều này, cả chị Nga, cả anh Thuận và chàng host Dustin đều rơm rớm nước mắt. Họ tin với nhau rằng, dịch bệnh rất đáng sợ nhưng nỗi lo tâm lý sẽ còn kinh khủng hơn, và điều tiên quyết để chiến thắng mọi thứ chính là tinh thần đồng lòng và cùng nhau chia sẻ khó khăn.
Cuối cùng, dù chưa có tên trên bảng xếp hạng nào nhưng cả 3 nhân vật đều đồng ý với nhau rằng: "Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới".