Nữ sinh được giáo viên chấm điểm hào phóng hơn?
Một nghiên cứu ở Italy đăng trên Tạp chí Xã hội học GD Anh cho thấy, nữ sinh thường được giáo viên cho điểm cao hơn nam khi học lực như nhau.
Một nghiên cứu ở Italy đăng trên Tạp chí Xã hội học GD Anh cho thấy, nữ sinh thường được giáo viên cho điểm cao hơn nam khi học lực như nhau.
Thực tế này khiến các nhà nghiên cứu cảnh báo về tác động đến các vấn đề như vào đại học, lựa chọn nghề nghiệp và thu nhập sau này của nam sinh.
Theo nghiên cứu gần đây đối với hàng chục nghìn học sinh và giáo viên, nữ sinh thường được cho điểm cao hơn so với nam sinh có cùng khả năng học tập. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy vấn đề này mang tính hệ thống và tồn tại trong nhiều môi trường giáo dục bất kể đặc điểm của giáo viên.
Sự chênh lệch giới tính trong thành tích giáo dục đã phổ biến trên toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ của sự khác biệt thay đổi tùy thuộc vào cách đo lường thành tích.
Nữ sinh thường vượt trội so với nam sinh trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn có hệ thống tính điểm cố định ở các môn học nhân văn, ngôn ngữ và đọc. Trong khi đó, nam sinh đạt điểm cao hơn ở môn Toán. Tuy nhiên, khi giáo viên cho điểm, nữ vượt trội hơn nam ở mọi môn học.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Trento đã bắt đầu xem xét bằng cách so sánh điểm của gần 40 nghìn học sinh nhận được trong các bài kiểm tra trên lớp với điểm họ đạt được trong những bài kiểm tra tiêu chuẩn về ngôn ngữ và số học. Họ xác định được rằng cách đánh giá của giáo viên có xu hướng thiên vị nữ giới.
Nghiên cứu trên được tiến hành với 38.957 học sinh lớp 10, độ tuổi từ 15 - 16. Các bài kiểm tra tiêu chuẩn quốc gia được chấm điểm ẩn tên học sinh, nhưng các bài kiểm tra trong lớp không ẩn tên khi giáo viên của các em chấm điểm.
Giáo viên chấm điểm cao hơn cho học sinh nữ ở cả 2 môn học Ngôn ngữ và Toán. Điểm trung bình môn Ngôn ngữ của học sinh nữ là 6,6/10 điểm, so với 6,2/10 của nam sinh. Ở môn Toán, điểm trung bình của nữ sinh là 6,3/10, trong khi của nam sinh là 5,9/10 - thấp hơn điểm chuẩn là 6/10.
Phân tích cũng chỉ ra rằng, khi một cậu bé và một cô bé có năng lực tương đương nhau ở một môn học, cô bé thường sẽ nhận được điểm cao hơn. Sau đó, các nhà nghiên cứu xem xét liệu các yếu tố, như loại trường học, quy mô và thành phần giới tính của các lớp học, có dẫn đến khoảng cách liên quan đến giới tính hay không.
Họ cũng điều tra xem liệu các đặc điểm của chính giáo viên, như thâm niên, kinh nghiệm hay giới tính có giúp giải thích việc chấm điểm rộng tay cho học sinh nữ hay không.
Có 2 yếu tố được tìm thấy là có ảnh hưởng và chỉ trong môn Toán. Khoảng cách giới tính trong điểm môn Toán lớn hơn khi các lớp học đông hơn. Ở các trường kỹ thuật và học thuật, nữ sinh cũng vượt trội nhiều hơn nam sinh so với ở các trường dạy nghề.
Không có yếu tố nào khác gây ra bất kỳ tác động đáng kể nào trong việc giảm khoảng cách điểm theo giới tính.
Theo các tác giả nghiên cứu, có thể trong khi đọc bài thi, giáo viên khen thưởng một cách vô thức những học sinh thể hiện hành vi truyền thống của phụ nữ, chẳng hạn như trật tự và gọn gàng – những yếu tố giúp giáo viên giảng dạy dễ dàng hơn. Giả thuyết khác cho rằng, điểm số môn Toán được tăng lên là một cách giáo viên khuyến khích nữ sinh, những người thường bị coi là yếu hơn trong môn học này.
Các tác giả của nghiên cứu kết luận, định kiến đối với nam sinh ở các trường học ở Italy là đáng kể và có thể gây ra hậu quả lâu dài.
Nhà nghiên cứu Ilaria Lievore cho biết, có mối liên hệ chặt chẽ giữa việc đạt điểm cao hơn và kết quả giáo dục mong muốn, như được nhận vào các trường đại học tốt hoặc khả năng bỏ học thấp hơn. Theo bà Lievore, điểm số cao hơn cũng liên quan với các kết quả khác, chẳng hạn như có thu nhập cao hơn, công việc tốt hơn hoặc thậm chí mức độ hài lòng trong cuộc sống cao hơn.
Bà Lievore nói thêm, mặc dù các quốc gia châu Âu khác cũng cho điểm nữ sinh rộng rãi hơn nam sinh, nhưng lý do cho điều này có thể khác nhau giữa các nơi và sẽ không nhất thiết phản ánh những điều tương tự ở Italy.
Nghiên cứu trên cho thấy, việc giải quyết thành kiến đối với nam sinh có thể nằm ngoài khả năng của từng trường học và có nhiều yếu tố rộng lớn hơn cần được giải quyết như thái độ xã hội.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên còn gặp các hạn chế, trong đó bao gồm việc sử dụng các điểm đã được chấm ở giữa năm học. Những điểm này có thể khác với điểm cuối kỳ của học sinh và do đó đã ảnh hưởng đến kết quả.
Nghiên cứu trên được tài trợ bởi Compagnia di San Paolo – một tổ chức ngân hàng tư nhân chuyên phục vụ các hoạt động từ thiện.
Theo Forbes