Nữ NSND qua đời tuổi 50 vì tai biến: Đám tang đông nghẹt người, xe xếp tràn một con phố Hà Nội
Suốt dọc con phố Trần Khánh Dư nơi tổ chức đám tang NSND Lê Dung tràn ngập xe của người đến viếng.
Nữ nghệ sĩ tài ba, có tầm ảnh hưởng cực lớn tới công chúng, đám tang đông nghẹt người tới viếng
NSND Lê Dung tên thật là Đoàn Lê Dung, sinh năm 1951 tại Quảng Ninh, trong một gia đình bình dân, nhưng từ nhỏ đã sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê ca hát.

NSND Lê Dung
Tài năng của Lê Dung được nhạc sĩ Đức Huyên phát hiện từ bé, khi ông xuống ngôi trường bà học làm công tác đoàn. Vị nhạc sĩ này lập tức đưa Lê Dung vào Câu lạc bộ Thiếu nhi Hạ Long, đưa đi diễn, thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đi hát phục vụ các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mỗi khi đến Hạ Long.
Trong thời gian đó, Lê Dung được đào tạo về ca hát, thanh nhạc. Cho tới năm 17 tuổi, bà bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp khi đầu quân vào Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn.
Năm đó, Lê Dung thi đỗ đại học ngành y nhưng lại bỏ không học, quyết tâm theo con đường ca hát. Bà đi diễn khắp nơi, phục vụ ở thao trường, dưới hầm mỏ, và hát cho các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ miền Bắc.
Năm 1976, Lê Dung về Đoàn ca múa Tổng cục chính trị và một năm theo học thanh nhạc tại Nhạc viện từ 1977. Bà đã theo học nhiều giảng viên hàng đầu, đặt nền móng cho thanh nhạc cổ điển tại Việt Nam như NSND Trung Kiên, Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La và đã có một thời gian thụ giáo NSND Thương Huyền.
Năm 1982, Lê Dung tốt nghiệp hạng Thủ khoa và chỉ hai năm sau đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 1986, bà được trường gửi theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Liên Xô. Tại đây, nữ nghệ sĩ được tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu về thanh nhạc cổ điển.
4 năm sau, Lê Dung về nước và trở thành nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Chỉ 3 năm sau đó, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khi mới 42 tuổi. Có thể nói, Lê Dung là một trong những nghệ sĩ được phong danh hiệu khi còn khá trẻ.

NSND Lê Dung từng trải qua 2 lần kết hôn. Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, bà có một người con trai, nhưng họ sớm chia tay.
Năm 1991, bà tái hôn với nhà thơ nổi tiếng Hồng Thanh Quang. Tuy nhiên, sau 6 năm chung sống, cả hai cũng đường ai nấy đi. Cuộc đổ vỡ này để lại nhiều vết thương trong lòng Lê Dung, nhưng bà hầu như không chia sẻ trên báo chí.
Mãi tới sau này, ca sĩ Ngọc Anh mới tiết lộ: "Cuộc đời cô Lê Dung có nhiều nỗi đau và trắc trở. Cô là người đã cho tôi một bài học đáng nhớ. Tôi nhìn vào cuộc đời cô để tự rút ra bài học cho mình, không giẫm chân vào vết xe đổ của cô.
Cô Lê Dung là người yêu say đắm, yêu là để chết. Còn tôi yêu là để sống. Nói cách khác, tình yêu với cô Lê Dung quá tha thiết, dốc hết tâm sức nên dẫn tới đau tim, đau não và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cô Lê Dung qua đời do huyết áp tăng dẫn tới đột quỵ. Nhưng tôi biết, cô bị như vậy vì đau đớn quá nhiều trong tình yêu, tình yêu của cô trao đi nhiều quá.
Tôi cũng đau đớn trong tình yêu nhưng vì nhìn thấy tấm gương từ cô Lê Dung nên tự dặn lòng không được để bản thân bị như thầy mình. Tôi học cách dừng lại đúng lúc, không để sự đau đớn trong tình yêu ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng của mình".
Ngày 29/1/2001 (tức mùng 6 Tết Tân Tỵ), NSND Lê Dung qua đời đột ngột do tai biến mạch máu não.

Theo lời kể của bác sĩ Trần Quốc Thắng (công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô), hôm đó đúng mùng 2 Tết, trời chuyển gió lạnh từ 32 độ xuống dưới 10 độ, anh đang trực hành chính tại bệnh viện thì nhận tin NSND Lê Dung nhập viện vì bị tai biến sau khi đi diễn về và tắm khuya, các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng mấy ngày sau thì không qua khỏi.
Cũng theo bác sĩ này và nhiều người ái mộ cùng thời, đám tang NSND Lê Dung được diễn ra tại Nhà tang lễ bệnh viện Hữu nghị Việt Xô và đông nghẹt người tới viếng, có thể nói là một trong những đám tang nghệ sĩ có đông người tới viếng nhất, khiến ai từng chứng kiến cũng phải ấn tượng, nhớ mãi không quên.
Bác sĩ Trần Quốc Thắng kể lại, suốt dọc con phố Trần Khánh Dư (nơi có nhà tang lễ) tràn ngập xe của người đến viếng.
Dù khi đó truyền thông không mạnh, mạng xã hội chưa có nhưng người dân khắp cả nước đều bàng hoàng và thương tiếc NSND Lê Dung, cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của bà trong lòng công chúng.
Cánh chim đầu đàn của nền nhạc cổ điển Việt Nam
Trước Lê Dung, nhạc cổ điển đã được du nhập vào Việt Nam nhờ người Pháp và những trí thức Tây học, nhưng chưa thực sự phát triển. Nhạc cổ điển chỉ tồn tại trong một bộ phận nhỏ giới tri thức, ít tiếp cận được công chúng bình dân. Người Việt có biết tới nhạc cổ điển nhưng không nhiều, cũng không quen với cách hát bằng head voice thuần phương Tây.

Lê Dung trong suốt thập niên 90 đã đi diễn ở khắp các sân khấu lớn nhỏ. Không chỉ trên sân khấu lớn, sang trọng như Nhà hát Lớn hay các dinh, tòa đại sứ, bà còn diễn ở nhiều sân khấu bình dân và lên sóng phát thanh, truyền hình, phủ khắp mọi ngõ ngách.
Đặc biệt, Lê Dung không chỉ hát nhạc cổ điển mà còn dùng lối hát cổ điển để hát những bài nhạc dân ca, cách mạng vốn đã quen thuộc với công chúng. Nhờ Lê Dung, lần đầu tiên khán giả Việt được nghe những bài nhạc cách mạng qua một lối hát mới đầy học thuật (trình diễn trên head voice dựng tiếng) nhưng cũng dung dị, mộc mạc, không quá phô diễn.
Từ đó, Lê Dung đã phổ biến nhạc cổ điển đến khắp khán giả trong nước, ở mọi tầng lớp. Những ca khúc cách mạng bán cổ điển như Mẹ yêu con, Người Hà Nội, Bài ca hy vọng… qua giọng hát Lê Dung đã chiếm trọn trái tim nhân dân, khiến ai cũng xao xuyến, không thể quên.
Về công lao của NSND Lê Dung với nhạc cổ điển Việt Nam, NSND Phạm Ngọc Khôi nhận định:
"Chị Lê Dung là một trường hợp vô cùng đặc biệt của nền ca hát Việt Nam. Đã lâu lắm rồi chúng ta mới có một nghệ sĩ như vậy.

Chị Lê Dung là người có công rất lớn trong việc đem giá trị của nên văn hóa, âm nhạc thế giới đến với Việt Nam. Chị hát rất nhiều, ở rất nhiều sân khấu trên thế giới và Việt Nam. Chị hát một cách chọn lọc để đưa dòng âm nhạc cổ điển thế giới đến với công chúng Việt Nam".
Không chỉ có công lớn về mặt trình diễn, NSND Lê Dung còn đóng góp nhiều trên công tác giảng dạy. Bà là giáo viên thỉnh giảng bậc cao học thanh nhạc của các trường âm nhạc, nhạc viện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội.
Trong quá trình giảng dạy, NSND Lê Dung đã đào tạo được nhiều ca sĩ, giọng hát tài năng, xuất sắc như Ngọc Anh, Tạ Minh Tâm, Thái Bảo, Ngọc Hoàn…