Nữ nhân viên văn phòng chia sẻ lịch trình chinh phục mốc cực Tây 2 ngày cuối tuần cực nhẹ nhàng

Dương Dương,
Chia sẻ

Kinh nghiệm thực tế mà Thanh Tâm rút ra là động lực cho những ai còn đang do dự về hành trình khám phá này.

Đặt chân đến các cột mốc, ghé thăm nơi địa đầu Tổ quốc luôn là mong muốn của rất nhiều người. Thế nhưng, để “xách ba lô” lên và đi ngay thì chẳng phải ai cũng làm được. Nhất là với dân văn phòng, ngày đi làm bận rộn, chỉ có ít thời gian nghỉ ngơi vào cuối tuần nên đôi khi ngại tìm hiểu và đi những đồi núi xa xôi. 

Tuy nhiên, mới đây, Thanh Tâm - một nhân viên marketing đã chia sẻ lịch trình và bài học rút ra sau chuyến đi tới cột mốc ở A Pa Chải (Điện Biên). Cách sắp xếp thời gian, cân bằng giữa đi lại và nghỉ ngơi của nữ nhân viên 23 tuổi giúp nhiều người gạt bỏ nỗi lo lắng về hành trình dài, cũng là động lực, thôi thúc chúng ta lên đường.

CỘT MỐC CỰC TÂY Ở ĐÂU? 

Cột mốc cực Tây là nơi phân chia ranh giới của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Cột mốc 3 cạnh này được đặt trên đỉnh núi Khoan La San hùng vĩ, cao 1864m so với mực nước biển và thuộc địa phận A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nơi đây cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 250km. 

Cột mốc cực Tây.

Trước kia, đây là một trong những cột mốc khó chinh phục nhất bởi đường đi khó khăn, phải leo núi, băng rừng, lội suối. Thế nhưng, khoảng vài năm trở lại đây, đường sá đã được cải thiện đáng kể, có đường bê tông và bậc thang cho du khách dễ dàng di chuyển.

Nữ nhân viên văn phòng chia sẻ lịch trình chinh phục mốc cực tây 2 ngày cuối tuần cực nhẹ nhàng - Ảnh 2.

PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI

Trong chuyến tới A Pa Chải lần này, Thanh Tâm đi một mình, cho nên, phần lớn chặng đường cô nàng chọn đi xe khách thay vì tự cầm lái. Di chuyển từ nhà tới bến xe Yên Nghĩa, cô đi tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông. 

Đi từ Hà Nội lên thành phố Điện Biên, cô nàng đặt xe giường nằm Hà Sơn Hải Vân. Ngoài bến xe Yên Nghĩa, nhà xe này cũng có những chuyến xuất phát sớm hơn từ bến xe Mỹ Đình. 

Để tới điểm đến mong muốn, từ bến xe mới thành phố Điện Biên, nữ nhân viên đi xe tuyến Điện Biên - Mường Nhé - A Pa Chải của nhà xe Huy Long.

Theo kinh nghiệm của Thanh Tâm, một ngày nhà xe này có 3 - 4 chuyến với các khung giờ khác nhau, chuyến muộn nhất đi từ Điện Biên Phủ là 15 giờ chiều. Cũng vì đó mà các chuyến xe khá đông khách và chở rất nhiều hàng. Cô nàng khuyên các vị khách nếu say xe hãy xin tài xế tạo điều kiện cho ngồi ở những hàng ghế đầu. 

Từ Mường Nhé lên A Pa Chải, Thanh Tâm đã ghép cặp với một vị khách mới quen và thuê xe máy, tự di chuyển. 

Đường đi từ Mường Nhé tới đồn biên phòng A Pa Chải

NƠI Ở

Tại Mường Nhé có một số địa điểm lưu trú và nữ nhân viên đã đặt trước ở nhà nghỉ Bình Minh. Đồng thời, cô cũng thuê xe máy tại đây. 

LỊCH TRÌNH CHI TIẾT

Sau đây sẽ là lịch trình chi tiết về chuyến đi của nữ nhân viên 23 tuổi. 

Thứ 6: Di chuyển ra bến xe Yên Nghĩa, lên xe khách đi Điện Biên Phủ. 

Thứ 7: 

5h00: Tới bến xe mới thành phố Điện Biên Phủ sau hành trình 500km, ăn sáng ở nhà ăn bến xe. 

6h00: Lên xe khách 29 chỗ chạy tuyến Điện Biên - Mường Nhé - A Pa Chải.

7h00: Xe dừng ăn sáng.

12h00: Xe dừng ăn trưa.

13h30: Xuống xe khách tại Mường Nhé, tự di chuyển lên A Pa Chải. 

Theo lịch dự kiến, xe khách sẽ tới Mường Nhé vào lúc 13h30, tuy nhiên, vì điều kiện đường xá, thời tiết nên thời gian thực tế có thể sẽ chậm hơn 30 phút đến 1 tiếng. 

Thanh Tâm chọn xuống xe ở Mường Nhé, cất đồ tại nhà nghỉ đã đặt trước và thuê xe máy tự di chuyển thay vì ngồi xe khách thẳng lên A Pa Chải. 

15h00: Chinh phục cột mốc A Pa Chải. 

Để đi đến đồn biên phòng A Pa Chải, cô gái 23 tuổi đã chạy xe máy một quãng đường dài hơn 50km. Theo nhận xét của Tâm, đường đi tương đối đẹp và ô tô cũng có thể chạy lên được. Tuy nhiên, vì cột mốc nằm ở khu vực biên giới nên bắt buộc phải làm thủ tục và có bộ đội biên phòng chỉ dẫn đi lên. 

14h45: Di chuyển khoảng 12km đường mòn, có phần hiểm trở để lên núi, sau đó cần leo thêm mấy trăm bậc thang là đến cột mốc cực Tây - nơi đi vào huyền thoại với hình ảnh một con gà gáy 3 nước cùng nghe. Du khách sẽ có thời gian tự do quay chụp ở đây. 

16h45: Quay lại đường cũ, di chuyển xuống núi, làm thủ tục nhận lại giấy tờ tùy thân ở đồn biên phòng, trở về Mường Nhé. 

19h00: Về tới Mường Nhé, ăn tối và nghỉ ngơi. 

Chủ nhật

6h00: Xe khách đón tại nhà nghỉ.

7h00: Xe dừng ăn sáng.

13h30: Đến thành phố Điện Biên Phủ, ăn trưa. 

Thanh Tâm chấm 8/10 điểm cho Dân Tộc Quán (Trường Thanh) sau khi thưởng thức bữa trưa toàn đặc sản Điện Biên vừa ngon vừa lạ như xôi nếp, thịt gác bếp, canh bon, măng rừng luộc, sâu tre chiên. Lý do cô chọn quán này là bởi nằm ngay gần địa điểm tham quan sắp tới. 

Bữa trưa với các món đặc sản Điện Biên như: xôi nếp, canh bon, măng rừng luộc, thịt gác bếp.

14h45: Tham quan Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, nhìn lại ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc, chiêm ngưỡng bức panorama tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ. 

17h30: Nghỉ chân tại một quán cafe. 

19h00: Di chuyển ra điểm đón của xe khách, gần đồi A1. 

Thứ 2

5h00: về tới Hà Nội, kết thúc hành trình 2 ngày 3 đêm chinh phục cực Tây với hơn 30 giờ di chuyển. 

ẨM THỰC

Nữ nhân viên văn phòng chia sẻ lịch trình chinh phục mốc cực tây 2 ngày cuối tuần cực nhẹ nhàng - Ảnh 5.

MUA QUÀ MANG VỀ

Nữ nhân viên văn phòng chia sẻ lịch trình chinh phục mốc cực tây 2 ngày cuối tuần cực nhẹ nhàng - Ảnh 6.

CHI PHÍ

Xe khách: Yên Nghĩa - TP Điện Biên: 410.000đ/vé/chiều.

Thuê xe máy: 120.000đ/ngày.

Nhà nghỉ: khoảng 225.000đ/đêm.

Phí tham quan cột mốc cực Tây: 400.000đ/ 2 người.

Phí tham quan bảo tàng: 100.000đ/người.

Cộng thêm tiền ăn và mua quà về, chuyến đi của Thanh Tâm tốn khoảng 2.200.000đ, một mức chi phí khá hợp lý.

“BÀI HỌC” CHO NHỮNG CHUYẾN ĐI SAU

Sau hành trình 3 ngày 2 đêm, Thanh Tâm đã rút ra một số kinh nghiệm quý giá cho những nhân viên văn phòng nếu muốn có một chuyến thăm cột mốc cực Tây nhẹ nhàng vào ngày cuối tuần. 

Đã từng ngồi xe máy đi nhiều nơi ở miền núi phía Bắc, Thanh Tâm đánh giá cảnh vật ở hai bên đường từ Điện Biên Phủ đến Mường Nhé không quá xuất sắc, do đó, nếu không muốn tự chạy xe, bạn nên đi ô tô để tiết kiệm sức. 

Theo lộ trình mà cô nàng gợi ý, nếu muốn đi đèo Pha Đin, du khách nên ở lại Điện Biên Phủ thêm một ngày và thuê xe máy chạy ra. Bởi, lúc xe khách đi qua con đèo là vào ban đêm. 

Nên dùng bản đồ offline để dò đường vì sóng điện thoại ở đây khá chập chờn. 

Nếu muốn tự chạy xe máy đi cột mốc, bạn nên chọn xe số cho an toàn. 

Và cuối cùng, lên kế hoạch chẳng bao giờ là thừa. Dù ra quyết định đi A Pa Chải khá gấp nhưng Thanh Tâm vẫn chuẩn bị trước các số điện thoại và địa chỉ liên hệ cần thiết. Thậm chí, cô còn tính đến một kế hoạch dự phòng về các chỗ ăn, chỗ chơi, nơi ở phù hợp. 

“Đôi khi plan cũng nằm trong sọt rác nhưng ít ra nó khiến bản thân và người xung quanh yên tâm khi mình đi đến 1 nơi xa xôi và hoang vắng”, Thanh Tâm nói. 

Cảm ơn những chia sẻ và hình ảnh từ bạn Mai Thanh Tâm!

Chia sẻ