Nữ nghệ nhân làm nghề "vá kỉ niệm" hiếm hoi còn sót lại đất Hà thành
Chỉ cách vài bước chân, ngoài phố kia là xa hoa náo nhiệt, còn bậu cửa này là khoảng trời của riêng bà Hồng, miệt mài với từng đường kim mũi chỉ. Chẳng ai trao bằng khen, nhưng với nhiều người, bà chính là một trong số ít nghệ nhân tài hoa đất kinh thành còn sót lại.
Trưa, con
ngõ Thanh Miến vắng vẻ im lìm, nắng đổ dài gay gắt trên khắp các mái hiên. Ai
cũng đóng cửa, chỉ riêng một góc trước cửa ngôi nhà bé tẹo số 2B, cách
đầu ngõ vài bước chân, có một người phụ nữ tóc bạc nhỏ nhắn, giản dị ngồi lặng
yên trên ghế vá áo.
Người dân trong ngõ đã quá quen với
bóng dáng ấy của bà Nguyễn Thị Hồng. Suốt 36 năm qua, Ngày nào cũng vậy, nắng
hay mưa, mùa đông hay mùa hè, bà đều cần mẫn ngồi đúng nơi đó trên chiếc ghế
cũ, với hộp đồ nghề bên cạnh, toàn kim chỉ đủ màu, kéo, thước dây, bút bi, giấy
nhớ... Sau lưng bà là lối đi nhỏ vào nhà, cạnh bức tường cũ là chiếc tủ cao quá
đầu người, chất đầy quần áo, khăn, tất… mà khách gửi sửa hàng ngày.
Tinh hoa còn sót lại của một thế hệ phụ nữ Hà thành xưa
65 tuổi rồi nhưng bà Hồng còn khoẻ mạnh minh mẫn lắm. Căn nhà vừa là cửa tiệm giờ chỉ còn mỗi đôi vợ chồng già ở với nhau, người con trai duy nhất của bà đã lập gia đình, sống ở gần đó. Tết vừa rồi bà bị nhồi máu cơ tim tưởng chết, nhưng may mắn qua khỏi, nếu không giờ này chẳng còn ai ngồi chiếc ghế cạnh cửa nữa, tấm biển vá áo - mạng sợi gia truyền mấy thập kỷ của gia đình chắc cũng dỡ bỏ theo.
Đã 36 năm trôi qua, bà Hồng vẫn ngồi vá áo, mạng sợi nơi cửa nhà.
Chẳng có vết rách sờn nào làm khó được bà.
Hộp đồ nghề giản đơn đã theo bàn tay tài hoa của bà Hồng suốt 4 thập kỷ, nhờ nó mà bà cùng chồng nuôi con trai lớn khôn.
Cuộc
sống thay đổi nhiều, giờ dịch vụ may vá sửa đồ mọc lên như nấm, nhưng tiệm sửa đồ thủ công của bà Hồng vẫn được nhiều người biết, thường xuyên lui tới.
Thậm chí có gia đình giàu có ở phố Khâm Thiên 20 năm qua toàn mang đồ cho bà sửa,
từ chiếc khăn rẻ tiền đến áo khoác hàng chục triệu, họ chỉ tin tưởng bàn tay
khéo léo của người phụ nữ tài hoa này.
Vết rách dù khó chữa đến đâu qua
tay bà Hồng cũng lành lặn như cũ, mắt thường nhìn không ra chỗ vá lại, đó chính
là tài nghệ đáng kinh ngạc của bà. Vừa chậm rãi mạng lại chiếc áo len khách mới
gửi buổi sáng, bà Hồng vừa nhớ lại những ngày đầu tiên cầm kim chỉ học nghề: “Tôi bắt đầu cái duyên may vá từ năm 29 tuổi,
được mẹ chồng tôi là cụ Tạ Huê Diệp dạy. Cụ mất cách đây 2 năm rồi, nếu còn sống
thì năm nay mẹ 96 tuổi. Mẹ tôi sinh ra trong gia đình có
điều kiện, nghĩ rằng học lên cũng chỉ để làm thuê cho thực dân Pháp nên cho cụ
học thêm về nữ công tinh hoa, trong đó có nghề thêu thùa, nấu nướng.
Mới 13 tuổi, mẹ tôi đã được một
người Tàu dạy nghề mạng và sang sợi. Từ đó cho đến khi không còn cầm được kim
chỉ nữa, cụ đã gắn chặt đời mình với nghề này. Có lẽ mẹ tôi là người thợ cuối cùng của trường Nữ công tinh hoa Hà Nội ngày xưa”.
Vợ chồng ông bà hay nhớ về cụ Huê Diệp - người phụ nữ Hà Nội đảm đang đã dốc lòng truyền nghề cho các con dâu.
Tiếp lời vợ, ông Nguyễn
Anh Dũng, con trai cụ Huê Diệp nhìn ra cửa sổ: “Ngày xưa, mẹ tôi là một trong những tay mạng và sang sợi nổi
tiếng Hà thành. Cụ từng mạng những bộ quần áo cực kỳ đắt tiền cho quan Tây
thông qua một cửa hàng may trên Bờ Hồ. Cũng từ đôi bàn tay tài hoa này mà nhiều
vết quần áo rách đã lành lặn trở lại, đến mức mắt thường rất khó phát hiện.
Cũng vì cái nghiệp may vá mà mẹ tôi
bị điếc, không phải do tuổi già mà do trận bom Mỹ ném xuống Hà Nội năm 1972.
Trong khi cả thành phố lo đi sơ tán thì cụ ở lại khâu cho hết số quần áo đã
nhận, bỏ đi không đành. Thế là một quả bom thả ở ga Hàng Cỏ đã làm thính giác
của cụ bị hỏng, nhưng may thay đôi mắt và đôi tay tài hoa của mẹ vẫn còn”.
Tình yêu nghề và đam mê với mũi kim
sợi chỉ của người phụ nữ Hà thành đảm đang ấy đã truyền hết sang cho con cháu,
trong đó có bà Hồng. Cụ Diệp có 4 người con, nhưng chỉ truyền nghề cho 3 người
con dâu, ý thức được điều này nên bà Hồng đã cố gắng chăm chỉ làm việc và gìn
giữ tâm huyết của cụ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Bên cánh cửa gỗ cũ kỹ căn nhà số 2B Thanh Miến, bà Hồng đã tự tay sửa chữa hàng nghìn, hàng triệu món đồ bị rách, sờn, lỗi hỏng.
Những người con gái đất kinh kỳ giỏi
giang hiền hậu đã trở thành di sản quý giá, lưu giữ bao nét đẹp về nghề may vá
thêu thùa. Bà Hồng cười bảo, nhiều người tới đây phỏng vấn bà viết báo, quay
phim viết sách lắm rồi, thậm chí vài năm trước hàng xóm đi chơi xong hớt hải chạy về bảo bà
có tên trong Hoàng thành Thăng Long, là nữ nghệ nhân may vá tài năng hiếm hoi
còn sống của Hà Nội. Bà không hề biết điều đó, nên thấy vui thầm, tự hào nữa,
vì quá nửa cuộc đời gắn bó với những vết rách sờn, cuối cùng bà cũng cống hiến
cho mảnh đất mình sinh ra được một điều ý nghĩa…
Nghệ nhân “vá kỉ niệm” giữa lòng thủ đô thế kỉ 21
Ngồi một lúc thì bà sửa xong chiếc áo len bị tuột sợi ở ống tay. Vừa gấp áo lại thì có chiếc ô tô đỗ xịch trước cửa nhà bà. Một đôi vợ chồng trung niên vội vàng cầm chiếc túi đưa 2 tay cho bà, nhờ vá lại vết rách do đinh móc ở quần. Bà Hồng lôi mảnh giấy ra, ghi vài dòng: “Cô Mai, Hàng Cót, vá quần 1 miếng, SĐT:…, tuần sau lấy”. Khách rời đi bà lại xếp cẩn thận túi đồ lên cái tủ gỗ cao tận trần nhà, ngổn ngang cả trăm thứ vải vóc quần áo, đủ biết bà bận rộn thế nào. Người ta 60 tuổi nghỉ ngơi nhàn tản, bà vẫn cặm cụi bên đống kim chỉ, chẳng phiền con cháu.
Cửa tiệm tuy nhỏ và đơn sơ nhưng tuổi đời đã rất lâu rồi, và rất nhiều thế hệ người dân Hà Nội từng đến đây, tin tưởng vào tài nghệ của bà Hồng.
Dù không còn nhanh nhẹn tinh anh được như thời con gái, nhưng bà Hồng vẫn có thể sửa xong quần áo trong vòng 1 – 2 ngày. Cách vá phổ biến nhất bà hay áp dụng là lấy chính sợi chỉ thừa cùng màu của đồ cần sửa, ở mặt trái viền cổ áo, lai quần, cầu vai… rồi khéo léo lấy kim chỉ luồn kín chỗ thủng. Những thứ như khăn khố thì bà dùng chỉ màu riêng.
Chỉ bấy nhiêu
thôi mà mẹ chồng bà ngày xưa nuôi được 4 người con khôn lớn, còn bà cũng dạy dỗ
con trai khoẻ mạnh, thành đạt như bây giờ. Nghề này chẳng giàu được, vì bà luôn
tự tay làm một mình, không mở tiệm lớn cũng không thuê thêm ai, nhưng túc tắc
qua ngày cũng no đủ, và bà cảm thấy hài lòng với cuộc sống bình yên như thế.
Ngoài kỹ thuật may vá - sang sợi gia truyền, bà Hồng còn sáng tạo ra rất nhiều "bí kíp" vá đồ của riêng mình khiến người khác ngạc nhiên.
Hỏi bà Hồng rằng gần 40 năm ngồi một
chỗ vá quần áo, có bao giờ bà thấy chán không, bà cười: “Chẳng bao giờ thấy chán trừ lúc ốm. Gọi là làm một công việc, nhưng mỗi
ngày tôi lại sửa một vết rách sờn khác nhau, chẳng cái nào giống cái nào. Thu
nhập từ việc sửa quần áo cũng khá, đủ 2 vợ chồng già sống với nhau. Mạng vá
bình thường tôi chỉ lấy 10 nghìn, 20 nghìn 1 miếng, nhưng có cái khó làm do chất
vải và cách dệt may thì vài trăm nghìn, như áo budông rất khó sửa. Gần 40 năm
kinh nghiệm và rút ra nhiều quy tắc vá quần áo, sang sợi nên tôi có thể tự học
hỏi, sáng tạo thêm cách sửa chữa sao cho đẹp nhất”.
Bà chẳng bao giờ thấy cuộc sống và công việc của mình nhàm chán, thi thoảng vừa làm vừa "buôn dưa" với các cụ hàng xóm.
Đi ngang qua đây, dù không biết nhà nhưng vẫn dễ dàng nhận ra mấy tấm biển "Hồng nghề gia truyền".
Có rất nhiều kỉ niệm mà người phụ nữ
tóc hoa râm còn nhớ trong suốt hơn nửa cuộc đời may vá. Bà tự gọi mình là người vá kỉ niệm, bởi hầu hết khách hàng tới tiệm của bà đều mang theo những món đồ là
kỉ vật của người thân, hoặc quà tặng mà họ không muốn vứt đi, bỏ xó. "Nhiều năm
trước đây, mỗi lần khi gió mùa về, có một ông cụ hay đến nhờ sửa chiếc
áo bông cũ nát vô cùng. Lần đầu xem áo, tôi ngần ngại bảo ông ấy rằng, sửa chiếc áo
cũng được, nhưng sẽ tốn một khoản lớn vì nhiều vết rách, thà ông lấy số tiền đó
đi mua áo mới còn hơn. Nhưng ông lão nhất quyết không chịu, năn nỉ tôi, nói là tốn bao nhiêu cũng được, ông cần sửa nó để mặc. Vì đó là món quà người vợ thân
yêu chắt chiu mua tặng cho ông. Trước mùa đông năm nay thế nào ông cụ ấy cũng lại tới...".
Lại có những khách ngoại quốc, ở rất xa mà chẳng hiểu sao biết tiếng bà Hồng, xách cả túi đồ đến nhờ bà mạng lại. Người thì bập bẹ kể là được giới thiệu, người tìm thấy bà trên báo. Thử hỏi ở Hà Nội bây giờ còn mấy người có tài may vá điêu luyện thành nghệ nhân như bà? Vá xong nhìn đi nhìn lại cũng không phát hiện chỗ rách cũ, khách Tây ngạc nhiên lắm. Người nào nhận lại đồ cũng cố tình gửi biếu thêm tiền, nhưng bà Hồng luôn từ chối, chỉ lấy đủ 20 nghìn, hoặc 30 nghìn mà thôi. Không những thế, bà còn ân cần dặn dò cách giặt giũ, bảo quản quần áo. Vậy nên, dù chẳng được trao giải hay bằng khen gì cho bà, thì trong lòng nhiều người, bà xứng đáng được tôn vinh là nghệ nhân nhờ cả tài năng và đức hạnh của mình.
Bà 65 - ông 71, nhưng 2 người vẫn rất tình tứ, dịu dàng với nhau như ngày mới yêu, cuộc sống thật êm đềm, viên mãn.
Tài sản lớn nhất của bà Hồng bây giờ có lẽ là đôi tay khéo léo, con cháu và người bạn đời "đẹp lão hiền hậu".
Những năm 80, thời bao cấp nghèo khó, mốt "vá chằng vá đụp" chắc đầy người còn nhớ, chẳng mấy ai có điều kiện đem quần áo đi sửa "chuyên nghiệp" nên bà Hồng rất ít khách, và tiền công lúc đó chỉ 2 đồng, 5 đồng mà thôi.Sau dần khấm khá hơn, người ta ăn sung mặc sướng, nhưng nhu cầu sửa chữa áo quần vẫn rất nhiều, thế nên, bà chẳng sợ ngày nào đó thức giấc không có việc để làm. Bao người ước ao về già hưởng cuộc sống như bà, cả ngày vá đồ, chồng ngồi cạnh bên tâm tình, thi thoảng ông bà đèo nhau đi chợ, đi chùa, đi chơi. Đời người mấy ai hạnh phúc như thế?...
36 năm kim đâm vào tay không biết
bao lần, bà nhớ miếng vá đắt nhất từng khiến bà lao tâm khổ tứ có giá 800
nghìn. Đó là vết rách trên chiếc áo len 50 triệu của một vị khách giàu có, được
tặng nên họ không nỡ bỏ đi, đành phải cầu cứu bàn tay kỳ diệu của bà Hồng. Hàng
trăm tiệm may và nhiều thế hệ người dân Hà Nội biết địa chỉ nhà bà, tất cả đều tin tưởng và hài lòng sau khi nhận lại đồ từ tay nữ nghệ nhân vừa có tài vừa có tâm. Nụ cười
và lời cảm ơn của khách chính là niềm hạnh phúc giản đơn nhưng quý giá với người
phụ nữ dành gần hết cuộc đời mình nơi cửa nhà để vá đồ, mạng sợi.
Nếu một ngày không còn bóng dáng bà Hồng ngồi vá áo, có lẽ rất nhiều người sẽ hụt hẫng, tiếc nuối, và Hà Nội sẽ mất đi một mảnh hồn tinh hoa...
Có lẽ giữa chốn phồn hoa đô hội này, dù cho bao nhiêu quần áo hàng hiệu sang trọng, vẫn có nhiều thứ không thể thay thế được bàn tay bà Hồng. Chỉ cách vài bước chân, ngoài phố kia là xa hoa náo nhiệt, còn bậu cửa này là khoảng trời của riêng bà, miệt mài với từng đường kim mũi chỉ. Chỉ có bà mới hiểu rõ: đôi khi một chiếc áo mới trị giá tiền triệu cũng không khiến người ta hạnh phúc bằng chiếc áo vài chục nghìn có thêm miếng vá ở tay, bởi nó còn “vá” đầy tình yêu thương của ai đó, mặc lên ấm áp biết bao.
Nếu có dịp đi ngang qua ngõ Thanh Miến, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cửa
tiệm nhỏ nhắn số 2B của bà Hồng, bởi gương mặt hiền hoà của bà, và bàn tay
không khi nào ngơi khâu vá. Cứ ngồi lên những chiếc ghế để sẵn quanh bà, muốn
hỏi gì bà cũng kể cho nghe hết, nhất là ký ức về một Hà Nội xưa thanh bình,
yên vắng, với bao con người tài hoa, thanh lịch. Như bà…