Nữ minh tinh Kiều Chinh: Từ ngôi sao châu lục đến công nhân trại gà và chặng đường tìm lại hào quang ở Hollywood
Cho đến bây giờ, Kiều Chinh vẫn là ngôi sao Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt nhiều thành tựu đáng nể ở làng giải trí đầy khốc liệt mang tên Hollywood.
Nghiệp diễn gõ cửa khi đã yên bề gia thất
Kiều Chinh là con gái ông Nguyễn Cửu, một viên chức tài chính cao cấp trong chính phủ, mẹ là bà Nguyễn Thị An. Mẹ mất sớm, từ nhỏ Kiều Chinh đã được bố đưa đi xem xi-nê tại rạp Majestic, rạp Philhamonique, ông giảng giải cho công chúa nhỏ từ truyện phim đến các tài tử. Được tiếp xúc với nghệ thuật từ sớm và thấm nhuần tư tưởng của cha, Kiều Chinh khẳng định rằng ông chính là người quan trọng nhất cuộc đời bà.
Năm 1954, cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp kết thúc bằng hiệp định Geneve, chị của bà theo chồng sang Pháp, anh trai bỏ nhà tham gia kháng chiến. Bố muốn đi tìm anh nên đã đẩy bà lên máy bay cùng lời dặn: “Con vào Nam trước, bố ở lại tìm anh rồi sẽ vào sau”. Cả bà và cha đều không hề biết rằng đó chính là lần cuối cùng họ được nhìn thấy nhau.
Nữ diễn viên Kiều Chinh.
17 tuổi, một thân một mình vào Nam mà không có ai thân thích. Kiều Chinh được ông Nguyễn Đại Độ, bạn của cha giúp đỡ. Năm 18 tuổi, bà kết hôn với ông Nguyễn Năng Tế, con trai của ông Độ và chính thức trở thành con dâu 1 gia đình theo đạo Phật.
Năm 1957, đạo diễn Lê Dân và ông Bùi Diễm lên kế hoạch sản xuất phim Hồi chuông Thiên Mụ và đã đến tận nhà để xin bố mẹ chồng cho phép Kiều Chinh được làm diễn viên chính - 1 ni cô. Đây là bước ngoặt cuộc đời đưa bà đến với đỉnh cao danh vọng sau này.
Một bước thành sao từ Hồi chuông Thiên Mụ.
Từ ngôi sao châu lục trở thành công nhân trại gà
Sau sự thành công của Hồi chuông Thiên Mụ, bà tiếp tục bứt phá với Mưa rừng và Ngàn năm mây bay. Từ đây, bà chính thức trở thành ngôi sao sáng chói của điện ảnh Việt. Những bộ phim bà thủ vai chính được trình chiếu khắp các rạp lớn nhỏ từ Cần Thơ, Sài Gòn cho đến Huế.
Đạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 1069, Kiều Chinh tiếp tục thừa thắng xông lên với hàng loạt vai diễn ra mắt tại Phiilippines, Ấn Độ. Bà vinh dự là người được cắt băng khánh thành rạp The New Frontier Cinema tại Manila, là người đảm nhận vai công chúa của The Evil Within, đóng chung với ngôi sao lừng danh nước Ấn - Dev Anand. Ở đây, bà có thư ký riêng, có phụ việc và được nghỉ ngơi tại khách sạn Hoàng gia Ấn Độ tại Bombay.
Thời kỳ đỉnh cao của Kiều Chinh trong những năm 60-70.
Không chỉ là diễn viên, Kiều Chinh còn chứng tỏ đầu óc kiệt xuất khi có đội ngũ sản xuất phim của riêng mình: Hãng phim Giao Chỉ. Bà được đặt chân tới các liên hoan phim đình đám nhất của thế giới như LHP Tây Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan. Tiếng tăm của bà vươn lên tầm châu lục, là tài nữ số 1 của làng điện ảnh Việt Nam.
Đang ở đỉnh cao danh vọng, Kiều Chinh bất ngờ chuyển sang Canada cùng các con vào đúng ngày 30/4/1975. Sau 100 giờ bay, trải qua những giây phút đau khổ, lo sợ, nôn nóng vì thủ tục xuất cảnh qua không biết bao nhiêu phi trường, bà đáp xuống Toronto, Canada vào mốc lịch sử của cả dân tộc. Từ đây, cuộc sống của bà lao dốc theo một cách không ai ngờ tới.
Tên tuổi Kiều Chinh vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Rời xa thảm đỏ, máy quay, diễn xuất và những bữa tiệc xa xỉ, Canada giờ đây không phải là một miền đất hứa cho bà tung cánh nghệ thuật. Kiều Chinh phải lao động đến kiệt sức trong các trại gà, quét dọn, hót phân gà, làm những việc tay chân khác để trang trải cho cuộc sống.
Nếu nói cuộc đời Kiều Chinh là một cuộc đời lên bổng xuống trầm thì năm tháng ở Canada chính là những ngày tăm tối nhất.
“Tài ba như cô ấy, nhất định Hollywood phải có chỗ cho cô”
Sau một thời gian ở Canada, Kiều Chinh tìm đường sang Mỹ để bắt đầu lại con đường nghệ thuật của mình từ con số 0 tròn chĩnh. Bà từng tâm sự: “Giai đoạn khó khăn, buồn nản nhất trong sự nghiệp và cuộc đời là sau biến cố 30/4/1975, mình như một cái cây bị nhổ bật rễ từ mảnh đất thân quen sang một vùng đất hoàn toàn xa lạ, khóc cười trong những vai diễn bằng tiếng nước người”.
Có lẽ chính những ký ức ấm áp từ quê hương đã hun đúc cho bà tinh thần quật cường đến vậy. Từ những vai diễn cỏn con chỉ có vài lời thoại, Kiều Chinh được thủ vai chính trong bộ phim truyền hình M*A*S*H cùng tài tử Alan Alda. Chính người đồng nghiệp này đã nhận xét về bà trên tờ TV Guide: “Tài ba như cô ấy, nhất định Hollywood phải có chỗ cho cô.”
Kiều Chinh không ngại lăn xả, không ngừng học hỏi và đã có mặt trong 100 bộ phim, chương trình của Mỹ. Với The Joy Luck Club, bà là diễn viên gốc Á duy nhất được gọi tên trong danh sách 50 diễn viên làm khán giả xúc động nhất trong lịch sử điện ảnh, Entertainment Weekly-28/11/2003 đưa tin.
Năm 1996, Kiều Chinh vinh dự được nhận giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh: A Journey Home (Kiều Chinh: Đường về nhà - PV) của đạo diễn Patrick Perez thực hiện.
Bà cũng là người Việt duy nhất tính đến thời điểm này được trao giải Thành tựu suốt đời, giải Diễn xuất đặc biệt cùng trong năm 2003.
Không chỉ xuất sắc ở vai trò diễn viên, Kiều Chinh còn là cố vấn cho các hãng phim Mỹ đối với các bộ phim đề tài Việt Nam, bà làm diễn giả cho tổ chức The Greater Talent Network, Inc., tổ chức chuyên diễn thuyết tại các trường đại học, các tổ chức văn hóa trên toàn nước Mỹ.
Cho đến tận bây giờ, danh tiếng của Kiều Chinh vẫn còn được thế giới ghi nhận và là người Việt đầu tiên thành danh rực rỡ tại Hollywood. Xin mượn lời Alison Leslie Gold, tác giả cuốn Nhật ký của Ann Frank, một người hết lòng mến mộ nhân phẩm, tài năng của Kiều Chinh làm lời kết cho bài viết: “Kiều Chinh là một phụ nữ phi thường. Bà đã sống như năm đời sống. Kiều Chinh đã sống như một nhân chứng chua cay và từng trải qua cơn lốc thời cuộc mang nhiều tính tranh cãi nhất cuả thời đại chúng ta. Tôi xin ngả mũ chào Kiều Chinh, một phụ nữ có sắc đẹp cao quý của viện bảo tàng, một nghệ sĩ với tài năng hiếm có, và với tôi, Kiều Chinh là người bạn trung thực và cao quý”.
*Tổng hợp từ Phapluatdoisong, Culturemagazine