"Nữ hoàng và Tri kỷ": Hành trình đưa giai thoại kỳ lạ nhất lịch sử lên màn ảnh rộng
"Victoria & Abdul: Nữ hoàng và Tri kỷ" không chỉ mang đến một giai thoại hấp dẫn về Nữ hoàng Victoria mà còn là một trải nghiệm điện ảnh khó quên với khán giả.
Giữa mê cung những bộ phim chiếu rạp, có những bộ phim xem đơn thuần là để giải trí, mang tới những tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Thế nhưng cũng có những tác phẩm hay, xem là để nhớ, để lưu lại trong tâm trí như một khoảng ký ức đẹp trong cuộc đời. Victoria & Abdul: Nữ hoàng và Tri kỷ (Tựa gốc: Victoria & Abdul) của đạo diễn Stephen Frears chính là một bộ phim như vậy. Sau khi gây ấn tượng với ban giám khảo khó tính tại các Liên hoan phim quốc tế uy tín hàng đầu như Venice và Toronto, Victoria & Abdul: Nữ hoàng và Tri kỷ tiếp tục chinh phục công chúng yêu điện ảnh với một kịch bản chắc tay, dàn diễn viên thực lực cùng ê-kíp tài năng trong những thước phim đẹp mê hồn, mang âm hưởng nước Anh hàng trăm năm về trước.
Giai thoại lạ kỳ về Nữ hoàng Victoria bị chôn vùi hơn một trăm năm của lịch sử
Như cái tên đã thể hiện, Victoria & Abdul: Nữ hoàng và Tri kỷ là bộ phim xoay quay tình bạn lạ kỳ của hai nhân vật chính, Nữ hoàng Victoria và kẻ cận thần Abdul. Thế nhưng khi cả thế giới đều biết tới Nữ hoàng Victoria – người phụ nữ quyền uy đứng đầu một trong những đế chế lớn mạnh nhất thời bấy giờ, thì Abdul dường như lại là một cái tên hoàn toàn xa lạ. Vậy Abdul thực sự là ai?
Theo dòng thời gian của bộ phim, khán giả được quay trở về 130 năm trước đó để tham gia Lễ kỷ niệm 50 năm trị vì của Nữ hoàng Victoria. Đó là vào năm 1887, khi chàng trai trẻ người Ấn Độ Abdul được cử sang Anh quốc để dâng tặng một đồng Mohur (đồng xu vàng của Ấn Độ) cho bà. Tại đây, Abdul đã có cơ hội được gặp Nữ hoàng và bày tỏ sự sùng bái của anh trước người đàn bà thép toàn năng. Để rồi sau đó số phận đưa đẩy hai con người tới từ hai thế giới khác nhau nhanh chóng kết thân và trở thành tri kỷ.
Nữ hoàng quyền uy Victoria được thể hiện bởi ngôi sao hàng đầu của xứ sở sương mù Judi Dench.
Mối quan hệ lạ kỳ không biết gọi tên đó đã kéo dài suốt 14 năm cho tới khi Victoria qua đời vào năm 1901. Một bên là Nữ hoàng cao quý nhất nước Anh với thời gian trị vì và vị thế hàng đầu thế giới kéo dài hơn nửa thập kỷ. Một bên là chàng trai Ấn Độ bé nhỏ, có trong mơ cũng không dám tưởng tượng có ngày lại được lựa chọn để diện kiến bậc tôn giả quyền uy. Ấy thế mà họ lại có thể gặp nhau và trở thành những người bạn thật sự, gạt đi mọi rào cản về tôn giáo, chủng tộc, giai cấp hay phép tắc lễ nghĩa. Quả thật là điều hiếm thấy trong lịch sử.
"Bà ấy là người phụ nữ đứng đầu Vương quốc Anh còn cậu ta chỉ là một thư ký tầm thường tới từ Ấn Độ." Tác giả cuốn sách nguyên tác phim Shrabani Basu chia sẻ.
Và có lẽ bởi chính những khác biệt về tầng lớp xã hội, tình bạn đặc biệt này khiến cả hoàng tộc trở nên chấn động. Nó làm dấy lên một cuộc chiến chống lại Nữ hoàng, đẩy bà vào tình cảnh phải đối đầu với cả gia đình và Vương quốc. Bởi vậy, ngay sau khi Nữ hoàng mất, những đứa con của bà đã nhanh chóng "nhổ cái gai trong mắt" bằng cách trục xuất người thầy, người bạn yêu quý của mẹ họ. Thậm chí, Bertie, người sau này trở thành vua Edward VII đã tịch thu tất cả các lá thư từ Nữ hoàng và đốt chúng ngay tại chỗ rồi chỉ thị cho Abdul trở lại Ấn Độ ngay lập tức nhằm tiêu hủy mọi dấu tích về mối quan hệ giữa Nữ hoàng và Abdul.
Hành trình về phương Đông huyền bí, truy tìm sự thật bị lãng quên
Khi mọi thứ tưởng chừng đã bị chôn vùi vào dĩ vãng theo những tàn tro và sự khốc liệt của năm tháng thì vào năm 2001, trong một lần nghiên cứu về lịch sử của món cà-ri, nữ văn sĩ Basu nhận ra rằng Nữ hoàng Victoria cũng rất yêu thích món ăn này và thường sử dụng như một món ăn hằng ngày. Để hiểu hơn về thói quen này của Victoria, Basu đã tới thăm Osborne House, tư dinh của Nữ hoàng tại Isle of Wight. Tại đây, Basu đã cảm thấy vô cùng bất ngờ khi nhìn thấy 2 tấm chân dung cùng bức tượng đồng của một người đàn ông Ấn Độ với phong thái lịch sự. Trong phòng trang điểm của Nữ hoàng, bà lại phát hiện ra một bức chân dung nữa được treo ngay phía dưới chân dung của người anh hùng John Brown mà Nữ hoàng vô cùng yêu mến. Còn căn phòng tiếp đón của ngôi nhà này thì được bày biện với rất nhiều món đồ có xuất xứ từ Ấn Độ. Basu đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên vì tuy Ấn Độ là thuộc địa của Anh nhưng trong thực tế, Nữ hoàng Victoria chưa từng đặt chân tới đó.
Vào năm 2006, nữ tác giả này cũng đã ghé thăm Balmoral, lâu đài của Nữ hoàng nằm ở Scottish Highlands, và tại đây, bà đã nhìn thấy Karim Cottage, ngôi nhà mà Victoria đã xây cho Abdul. Basu bắt đầu cảm nhận được tầm quan trọng của người đàn ông Ấn Độ đầy bí ẩn này và tự đặt ra nhiệm vụ phải tìm hiểu xem người đàn ông được gọi là "Munshi" (thầy giáo) này đóng vai trò gì trong cuộc đời của Nữ hoàng.
Tình bạn phi thường của Nữ hoàng đã phải trải qua những cái nhìn khắc nghiệt từ chính hoàng gia.
Có một điều may mắn đối với Basu và với cả hậu thế đời sau là khi Vua Edward VII tiêu huỷ mọi thư tín giữa mẹ mình và Munshi, ông lại không nghĩ tới việc xem xét cuốn nhật ký viết tay của bà. Và chính nhờ những trang nhật ký còn sót lại đó mà Basu đã phát hiện ra câu chuyện về tình bạn gắn bó giữa Nữ hoàng Victoria và chàng thư ký Abdul Karim.
Để đối chứng sự việc và tìm hiểu thêm về cuộc đời Munshi, ngay sau đó Basu tiếp tục thực hiện một chuyến đi tới Karachi, Pakistan. Abdul không có con cái, nhưng cháu trai của ông đã đưa bà tới chỗ một cuốn nhật ký được cất giữ bên trong một thân cây. Abdul đã bắt đầu ghi chép cuốn nhật ký này kể từ năm 1887 – thời điểm được cử sang Anh tham dự buổi lễ kỷ niệm 50 năm cầm quyền của Nữ hoàng. Cuốn nhật ký đã khẳng định những thông tin mà Basu có được trước đó là chính xác. Và bà đã kết hợp những dữ liệu tìm được để viết nên cuốn sách "Victoria & Abdul: The True Story of the Queen’s Closest Confidant", nguyên tác của Victoria & Abdul: Nữ hoàng & Tri kỷ sau này.
Được chuyển thể lên màn ảnh rộng bởi những tên tuổi bậc thầy ở Hollywood
Sau khi nghe Basu chia sẻ về cuốn sách trên radio, tác giả kịch bản từng nhận đề cử Oscar Lee Hall (Billy Elliot) đã thực sự bị cuốn hút vào câu chuyện. Hai người đã có những cuộc tiếp xúc và các nhà làm phim tới từ Cross Street cuối cùng cũng đã nhận được sự đồng thuận của nữ tác giả để chuyển thể cuốn sách lên màn ảnh rộng với tên gọi Victoria & Abdul: Nữ hoàng & Tri kỷ.
Trong lúc đang cân nhắc về việc tìm ra một diễn viên có thể vào vai người phụ nữ quyền lực, trí tuệ và hài hước để có thể vào vai người phụ nữ từng đứng đầu Vương quốc Anh, có một cái tên mà tất cả mọi người đều nghĩ tới. Đó chính là Judi Dench. Từng hợp tác với Dench trước đó, đạo diễn Frears biết rằng nữ diễn viên kỳ cựu này là một sự lựa chọn hoàn hảo để thủ vai Nữ hoàng Victoria. "Nhưng Judi đã từng hoá thân vào nhân vật này trong "Mrs. Brown" (1997), vì thế tôi tự hỏi không hiểu liệu vai diễn này còn có sức hấp dẫn đối với cô ấy hay không." Đạo diễn của Victoria & Abdul: Nữ hoàng & Tri kỷ hồi tưởng.
Thật may mắn khi nữ chủ nhân của tượng vàng Oscar lại tỏ ra rất hào hứng với việc được trở lại với một nhân vật thú vị mà mình từng thủ vai để kể tiếp với khán giả những câu chuyện ở giai đoạn sau cuối của cuộc đời bà ấy. "Tôi thấy thật vui mừng khi có được cơ hội này. Tôi đã từng bị cuốn vào câu chuyện của Mrs. Brown, vì thế tại sao lại nói lời từ chối cơ chứ? Tôi ngưỡng mộ Victoria vì chính con người bà ấy, và đây là một câu chuyện vô cùng đặc biệt nhưng đã phải chờ đợi rất lâu mới có thể được đưa ra ánh sáng."
Bản thân Dench vẫn luôn dành một thứ tình cảm thật đặc biệt cho đất nước Ấn Độ. Bà nói: "Tôi đã phải chờ rất lâu để được quay trở lại mảnh đất đó."
Bên cạnh sự tham gia của biên kịch Lee Hall, Judi Dench và Stephen Frears, Victoria & Abdul: Nữ hoàng và Tri kỷ còn thu hút sự chú ý của giới mộ điệu khi quy tụ hàng loạt "cái tên vàng" của Hollywood vào ê-kíp sản xuất. Họ là những người đã từng nhận được đề cử giải Oscar, và thậm chí là cả tượng vàng Oscar danh giá trong như quay phim Danny Cohen, nhà thiết kế phục trang Consolata Boyle và nhà viết nhạc phim tài năng Thomas Newman…
Nhận dịp "Nữ hoàng và Tri kỷ" ra mắt ở Việt Nam, nhà phát hành gửi tặng độc giả Afamily 02 cặp vé đi xem phim. Để nhận vé, độc giả vui lòng gửi email cung cấp họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ về hòm mail quatangphimanh@afamily.vn. Chúng tôi sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 02 độc giả may mắn nhất để tặng quà. Hạn nhận email đến hết ngày 29/11/2017.