“Nữ hoàng thinh lặng”: Im lặng không phải là ngừng yêu thương
Một chuyến đi dài để trả về đúng nghĩa của từ “cha con”.
Nữ hoàng thinh lặng
Tác giả: Marie Nimier
Nxb Phụ nữ. |
Nếu chúng ta có một người cha…
Thật là ngớ ngẩn khi nói điều ấy phải không?
Chúng ta sẽ tự nhủ với nhau rằng, ai mà không có cha cơ chứ? Nói vậy, biết đâu chúng ta đang vô tình làm tổn thương ai đó. Tổn thương, phải, biết đâu ấy là cảm xúc đầu tiên khi bạn đọc “nữ hoàng thinh lặng”.
Một câu chuyện về tình cha con? Không, bạn sẽ chẳng thể nào gọi được tên chính xác của câu chuyện như thế đâu, bạn sẽ không bắt gặp những kỉ niệm ngọt ngào, nhẹ nhàng về tình cha con trong câu chuyện này đâu. Có lẽ chỉ có một thứ duy nhất nhẹ nhàng trong câu chuyện này là giọng kể của nhà văn. Một cách kể chuyện nhẹ nhàng, chậm rãi….về những trải nghiệm, chuyến đi trong chính tâm hồn mình, trong chính tuổi thơ của mình, trong quá khứ và hiện tại đan xen. Nhẹ nhàng về những chuyện không dễ dàng chấp nhận đã xảy ra.
Nimier - tác giả của cuốn truyện này, mồ côi cha khi mới 5 tuổi, nhưng cái điều ghê gớm cứ bám lấy người đọc là ý niệm của cô về người cha ấy, một người cha “có mà như chưa hề có”, đó là lỗ hổng của tình yêu thương nơi cô, đó là một phần lí do của ám ảnh cuộc đời nơi cô, mất niềm tin vào cuộc sống nơi cô.
Cô và cha cô, cũng là một nhà văn, chỉ được nối với nhau bằng một sợi dây vô cùng mỏng manh, biết nói rằng ai chối bỏ ai đây. Nhưng kì diệu thay khi cuốn sách này được viết ra! Kì diệu thay cái con đường cô tìm được để dũng cảm bước về với tuổi thơ, bước về nhìn lại hình ảnh mình của thời gian ấy, tìm về với những chao đảo trong tâm hồn, trong mối quan hệ cha con của cô, với những suy nghĩ mà cô gán cho cha cô.
Cuộc hành trình ấy bắt đầu khi cô đi thăm mộ cha, đi gặp người anh ruột, người anh cùng mẹ khác cha, rồi người con của nữ tác gia xinh đẹp tử nạn cùng cha mình, phát hiện những bức thư chưa từng công bố của ông nhưng bên cạnh cái hành trình ấy, có một chuyến đi ý nghĩa hơn, quan trọng hơn, phải chịu đựng nhiều hơn, khám phá được nhiều hơn, chính là chuyến đi về của chính lòng cô, con người cô. Để gắn những nét đứt tuổi thơ, gắn những mảnh ghép mỏng nơi cô và người cha của mình, để cô nhìn lại hiện thực mình thôi không còn những ám ảnh ghê gớm nữa. Để đi theo bước chân cô, chính ta cũng phải mỉm cười, mỉm cười hạnh phúc thay cô, đi trọn với cô một con đường, để ta nhận ra rằng “nữ hoàng thinh lặng”, cái tên mà cha cô đã gọi cô, cũng chính là cái tên gắn hai con người lại với nhau, tuyệt với nhất. Cha cô đã từng viết : “Nữ hoàng thinh lặng nói gì đây?”, hình như đây chính là một tấm bản đồ duy nhất cha để lại để đưa cô đi những bước đi thật cần thiết.
Cuối cùng, nữ tác giả đã tìm ra cách giải đáp: viết văn chính là “nói trong lặng thinh”, nhà tiểu thuyết là người vừa nói vừa không nói, kể chuyện mà vẫn im tiếng. Cha và cô đã im lặng mà nhận ra nhau như thế. Cuốn tiểu thuyết nà chính là một sự lấp đầy, lấp đầy cho một sự im lặng đầy thương yêu mà biết đâu, trong cuộc sống này, chúng ta thiếu quá! Thèm lặng im để biết người yêu người.